Nhãn hiệu với nhãn hàng hóa

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo luật sở hữu trí tuệ 2005 (Trang 33 - 34)

Nhãn hiệu và nhãn hàng hóa là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn trong thực tế, đặc biệt là trước Luật SHTT 2005 khi khái niệm nhãn hiệu còn được sử dụng bằng cụm từ “nhãn hiệu hàng hóa”. Về mặt pháp lý đây là hai đối tượng cùng có chức năng chỉ dẫn thương mại nhưng có bản chất khác nhau. Nhãn hàng hóa và nhãn hiệu đều cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm nhưng nhãn hàng hóa thể hiện sự quản lý của Nhà nước đối với hàng hóa được đưa ra thị trường còn nhãn hiệu là “sự đánh dấu tự nguyện” của chủ thể kinh doanh để giúp người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc của sản phẩm đồng thời phân biệt được các sản phẩm cung cấp bởi các chủ thể khác nhau.

Nhãn hàng hóa phải thể hiện đủ các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hóa được quy định trong Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006, theo đó, những nội dung bắt buộc phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa; ngoài ra, tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa còn có những nội dung bắt buộc khác như với hàng hóa là lương thực thì nhãn hàng hóa còn phải thể hiện định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng sản phẩm… Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự đặt. Trong nhiều trường hợp tên hàng hóa này chính là nhãn hiệu của sản phẩm (điều này không phải là bắt buộc). Khi trình bày nhãn hàng hóa, ngoài những nội dung bắt buộc, có thể đưa vào những thành phần khác để trang trí, tạo dáng. Nhãn hiệu có thể được chủ sở hữu sử dụng cho nhiều loại sản phẩm khác nhau, nhưng mỗi nhãn hàng hóa chỉ có thể sử dụng cho một loại sản phẩm cụ thể do mỗi loại sản phẩm có những yêu cầu khác nhau về nội dung thể hiện trên nhãn hàng hóa.

Qua phân tích ở trên có thể thấy trong nhiều trường hợp nhãn hàng hóa có thể chứa nhãn hiệu, nhưng hai đối tượng này hoàn toàn phân biệt với nhau. Ngược lại, một nhãn hiệu cũng có thể chứa một phần hoặc toàn bộ các yếu tố của nhãn hàng hóa, nhưng thành phần được Nhà nước bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu chỉ là phần có khả năng phân biệt mà thôi.

Do việc ghi nhãn hàng hóa thể hiện sự quản lý của Nhà nước đối với hàng hóa được đưa ra thị trường nên việc sử dụng nhãn hàng hóa là bắt buộc. Còn sử dụng nhãn hiệu là hành động “tự cá thể hóa sản phẩm” nên việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là sự tự nguyện của các chủ nhãn hiệu.

Một phần của tài liệu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo luật sở hữu trí tuệ 2005 (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)