VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Một phần của tài liệu Mô hình chính quyền phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân (Trang 80)

Theo quy định tại Điều 123 Hiến pháp năm 1992:

Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân [33].

Quy định này của Hiến pháp đã được cụ thể hóa tại Điều 2 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, cụ thể:

Điều 2:

Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính cấp trên.

Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở [36].

Căn cứ vào các quy định trên, UBND phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn với hai vai trò: (i) thứ nhất, là cơ quan chấp hành của HĐND phường và (ii) thứ hai, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Thực hiện không tổ chức HĐND phường, có nghĩa là chấm dứt sự hoạt động của HĐND phường và do đó, UBND phường không còn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn với vai trò là cơ quan chấp hành của HĐND phường. Theo đó, UBND phường chỉ thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Cũng chính vì có sự thay đổi này, Nghị quyết 725 đã điều điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường nơi không tổ chức HĐND phường. Theo đó, những nhiệm vụ quyền hạn của UBND phường với vai trò là cơ quan chấp hành của HĐND sẽ được bãi bỏ và chỉ thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Mặt khác, Nghị quyết 725 cũng đã quy định thêm những nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với UBND phường để phù hợp với tình hình thực tế khi không tổ chức HĐND phường.

Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng, với địa vị pháp lý là cơ quan duy nhất trong bộ máy chính quyền phường, UBND sẽ có những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, cũng như hoạt động để phù hợp với vai trò này. Sự thay đổi tổ chức bộ máy chính quyền phường cũng đã đặt ra những yêu cầu về sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường và những thay đổi này cần được cụ thể hóa và thể hiện trong văn bản điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường. Tuy nhiên, nhận thấy, theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết 725, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường được điều chỉnh theo 2 hướng: (i) lược bỏ những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến HĐND phường và (ii) quy định thêm những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc UBND phường chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên trực tiếp (UBND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).

Sự thay đổi này chỉ thể hiện được rằng, việc không tổ chức HĐND phường chỉ tác động đến UBND phường theo hướng giảm bớt nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường liên quan đến HĐND mà thôi chứ không thể hiện được việc UBND phường sẽ có những thay đổi, điều chỉnh về nhiệm vụ, quyền hạn để cơ sở pháp lý, điều kiện để hoạt động hiệu quả hơn khi không còn vai trò của HĐND phường trong tổ chức bộ máy chính quyền phường. Thiết nghĩ, với địa vị pháp lý là cơ quan duy nhất trong bộ máy chính quyền phường, UBND cần được điều chỉnh những nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với vai trò này chứ không phải chỉ điều chỉnh theo hướng bãi bỏ những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến HĐND phường. Có như vậy thì mới đảm bảo rằng, bộ máy chính quyền phường với UBND phường là cơ quan duy nhất sẽ không chỉ hoạt động với trò là cơ quan hành chính nhà nước ở phường mà còn hoạt động tương xứng với vai trò là cơ quan duy nhất trong bộ máy chính quyền phường, để đảm bảo việc không tổ chức HĐND phường sẽ không để lộ ra những khoảng trống do HĐND để lại, thay vào đó, UBND sẽ là cơ quan hoạt động hiệu quả hơn, bao quát hơn, để chứng minh được rằng, việc không tổ chức HĐND phường là một chủ trương đúng đắn, hợp lý, hợp với lòng dân.

Việc quy định thêm những nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường so với trước khi không tổ chức HĐND là một yêu cầu cần thiết, phù hợp với mô hình chính quyền phường khi không tổ chức HĐND.

Một phần của tài liệu Mô hình chính quyền phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân (Trang 80)