dân chủ nhân dân
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra cho Chính phủ là phải khẩn trương nghiên cứu ban hành văn bản về tổ chức chính quyền địa phương. Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 về tổ chức HĐND và UBHC ("Sắc lệnh số 63"); Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã, thành phố ("Sắc lệnh số 77").
Sắc lệnh số 63 quy định cụ thể về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của HĐND và UBHC các cấp (xã, huyện, tỉnh kỳ), trong đó ghi rõ: "Hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu và là cơ quan đại diện cho nhân dân. Ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra và là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho nhân dân, vừa đại diện cho Chính phủ" [4, Điều thứ nhất].
Sắc lệnh số 77 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã, thành phố quy định chi tiết về cách tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của HĐND và UBHC thành phố; cách tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của UBHC khu phố nơi không tổ chức HĐND. Theo đó, "Ở mỗi thành phố sẽ đặt ba thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban hành chính thành phố và Ủy ban hành chính khu phố" [5, Điều thứ 3].
Một vấn đề hết sức quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ nhân dân là bộ máy chính quyền nhà nước - chính quyền của nhân dân được lập ra phải bằng con đường bầu cử trực tiếp hoặc gián tiếp, phải thực hiện quyền dân chủ của nhân dân bằng con đường lập hiến. Chính bản Hiến pháp đầu tiên của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo trình Quốc hội thông qua đã toát lên đầy đủ tư tưởng của Người về xây dựng chính quyền và các thiết chế dân chủ nhân dân. Tư tưởng chủ đạo của Hiến pháp năm 1946 là:
Bảo đảm các quyền tự do, dân chủ...;
Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân...;
Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam...;
Tất cả công dân Việt Nam đều ngang nhau về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình... [27]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi
ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới, xây dựng là
trách nhiệm của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra" [24, tr. 698], "Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng" [25, tr. 497]. Khi được bầu làm Chủ tịch Chính phủ, Người nói: "Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân". Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân không có nghĩa phải xây dựng một chính quyền có bộ máy đồ sộ với những người đại biểu đại diện tầng tầng lớp lớp, mà phải xây dựng một chính quyền gần dân, sát dân với bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ công chức tinh thông, cần mẫn, là công bộc của nhân dân, tiêu tốn ít tiền của nhân dân nhưng làm được nhiều việc cho dân, phục vụ đắc lực nhân dân. HĐND ở đâu hoạt động hình thức, chồng chéo, kém hiệu
lực, kém hiệu quả, không làm được nhiều việc cho dân thì phải xem xét tinh giản để lợi cho dân.
Ý tưởng "thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân" được thể hiện trong 2 Sắc lệnh nói trên và được khẳng định lại trong Hiến pháp 1946 bằng các quy định về tổ chức HĐND và UBND, cụ thể như:
Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu, trực tiếp, phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Ủy ban hành chính. Ở bộ và huyện chỉ có Ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính bộ do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra, Ủy ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra. Hội đồng nhân dân quyết nghị những vấn đề thuộc về địa phương mình, những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của cấp trên. Ủy ban hành chính có trách nhiệm thi hành các mệnh lệnh của cấp trên; thi hành các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y; chỉ huy công việc hành chính trong địa phương [27, Điều thứ 58].
Có thể nói các quy định trong Sắc lệnh số 63, Sắc lệnh số 77 và trong Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo về tổ chức chính quyền ở nông thôn và ở các thành phố còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Việc thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân.