Trong xu thế phát triển của xã hội, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ngày càng khẳng định, đô thị luôn có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, các đô thị đã có nhiều thay đổi trên mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội.
Một thực tế cho thấy các đô thị phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hình thành nên các khu đô thị mới, các khu công nghiệp cùng với sự phát triển của hệ thống dịch vụ phong phú, đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống nhân dân các đô thị. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian qua, một mặt do tác động của cơ chế thị trường, mặt khác do năng lực quản lý điều hành thực hiện cách chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các đô thị. Nhưng so với tiềm năng, lợi thế của các đô thị thì còn nhiều yếu tố chưa được tận dụng khai thác có hiệu quả, nên các đô thị phát triển còn chậm so với yêu cầu. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng xét về mặt tổ chức và công tác quản lý đô thị còn một số tồn tại yếu kém.
Về bộ máy quản lý của chính quyền đô thị các cấp, mặc dù đã qua nhiều lần kiện toàn, sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và trên thực tế đã được nâng cao một bước về hiệu quả quản lý. Nhưng hiện nay, tổ chức bộ máy quản lý chính quyền đô thị vẫn chưa phù hợp với yêu cầu phát triển, cơ bản vẫn giống bộ máy quản lý chính quyền ở các vùng nông thôn, chỉ có khác một vài tổ chức có tính chất đặc thù của từng đô thị một. Bộ máy chính quyền còn nhiều tầng nấc, chồng chéo, gây cản trở trong công tác điều hành, chỉ đạo. Việc tổ chức HĐND ở từng cấp chính quyền đô thị, trong quá trình hoạt động nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, tuy có đạt được một số kết quả trong việc quyết định các vấn đề phát triển đô thị và trong hoạt động giám sát, nhưng còn bộc lộ tính hình thức và chưa hiệu quả cao, trong đó có HĐND phường.
Do đặc điểm, đặc thù, đặc trưng riêng cũng như do yêu cầu, nhiệm vụ quản lý khác với địa bàn nông thôn đòi hỏi chính quyền đô thị phải hết sức tập trung, thống nhất, năng động và nhanh nhạy trong điều hành, giải quyết công việc và những bức xúc nảy sinh của người dân. Do đó ở các đô thị (các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã thuộc tỉnh) chỉ tổ chức một cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND, còn ở các phường (cấp cơ sở) chỉ tổ chức UBND. Đây là sự kế thừa có chọn lọc những quy định về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã, thành phố nêu trong Sắc lệnh số 77 đã nói
ở trên, đồng thời là sự vận dụng hợp lý kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị của các nước trên thế giới vào nước ta trong quá trình hội nhập.
Tổ chức chính quyền đô thị phải bảo đảm tính thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị, kết cấu hạ tầng, đời sống dân cư…, tránh sự chia cắt. Mỗi một đô thị chỉ nên được quản lý bởi một cấp chính quyền hoàn chỉnh, dưới nó không cần thiết phải chia ra các đơn vị hành chính hoàn chỉnh khác nữa. Nếu có chia ra các cấp bên dưới là cũng chỉ để tổ chức triển khai thực hiện các chức năng quản lý chứ không phải phân chia về mặt địa chính, địa giới dẫn đến chia cắt quản lý.
Việc bộ máy chính quyền đô thị chia thành thành nhiều cấp chính quyền hoàn chỉnh và đều có HĐND và UBND như hiện nay đã làm chia tách tính thống nhất đó. Mệnh lệnh quản lý từ chính quyền thành phố, thị xã xuống tới quận, phường bị cắt khúc, triển khai chậm do trong nhiều trường hợp phải được HĐND cấp dưới ra nghị quyết để thực hiện. Đó là chưa kể các trường hợp không thống nhất giữa HĐND với mệnh lệnh của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Hoạt động của HĐND các cấp quận, phường thường mang nhiều tính hình thức, bởi nội dung các vấn đề mà nó quyết định không có tính riêng biệt, mà đều là những vấn đề chung đã được quyết định ở cấp thành phố, thị xã.
Mặt khác, do tất cả các cấp đều thực hiện chế độ "trực thuộc hai chiều" nên tính tập trung thống nhất trong quản lý đô thị không cao. Mọi mệnh lệnh chỉ huy của UBND và Chủ tịch UBND cấp trên đối với cơ quan hành chính cấp dưới thường bị khuếch tán qua nhiều cơ chế, dẫn đến trách nhiệm không dứt khoát, không rõ rệt của cấp dưới đối với cấp trên và đồng thời là sự kiểm soát không chặt chẽ của cấp trên đối với cấp dưới.
Vì vậy, không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, để chính quyền địa phương phục vụ tốt hơn, có trách nhiệm hơn với người dân địa phương. Đây là chủ
trương đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình cải cách, kiện toàn bộ máy nhà nước, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.