Đảm bảo quyền đại diện, quyền dân chủ của nhân dân ở phường

Một phần của tài liệu Mô hình chính quyền phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân (Trang 49 - 52)

Hiện tại, ở những đơn vị hành chính chính quyền đều có Hội đồng nhân dân. "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên" [36, Điều 1]. Khi thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, vấn đề đặt ra là quyền đại diện, quyền dân chủ của người dân có được đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời?

Hiện nay cả nước có 493 đại biểu Quốc hội; 306.262 đại biểu HĐND các cấp (cấp tỉnh có 3.852 đại biểu; cấp huyện có 23.450 đại biểu; cấp xã có 278.960 đại biểu). Như vậy, mỗi người dân tối thiểu có 4 người đại biểu đại diện cho mình, đó là: đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện, đại biểu HĐND cấp xã. Thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nhân dân bức xúc, nhân dân đòi hỏi, nhiều đơn thư kiến nghị của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời, và bản thân nhiều người dân còn chưa biết rõ từng đại biểu đại diện cho mình đến đâu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chịu trách nhiệm trước mình như thế nào? Do có nhiều đại biểu đại diện cho

nhân dân, trong khi nhiệm vụ, quyền hạn chồng chéo không rõ ràng nên dẫn đến tình trạng cùng một lúc có nhiều cơ quan giám sát, nhiều đại biểu giám sát. Cùng một vấn đề bức xúc ở cơ sở mà bốn đại biểu đại diện cho dân đều được nghe, đều được phản ánh, đều được chuyển cho UBND các cấp, mà hiệu quả giải quyết lại thấp.

Mặt khác, điều kiện trình độ và năng lực thực hiện của đại biểu chưa tương xứng, dẫn đến quyền và lợi ích của người dân được các đại biểu đại diện cho mình bảo vệ có mức độ. Đại biểu đại diện cho nhân dân chủ yếu là kiêm nhiệm, tiếp xúc với cử tri theo kiểu "xuân thu nhị kỳ" và chủ yếu tiếp xúc với các "đại cử tri chuyên trách".

Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, người dân thành phố vẫn có ít nhất 2 đại biểu đại diện cho mình là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố, người dân ở nông thôn có ít nhất 3 đại biểu đại diện cho mình là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND xã. Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là tinh giản một bộ phận tổ chức trong bộ máy chính quyền địa phương tuyệt nhiên không làm mất đi quyền làm chủ của nhân dân, không làm yếu đi chính quyền của nhân dân, ngược lại làm cho chính quyền mạnh hơn, bộ máy chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thành phố Đà Nẵng là một trong mười địa phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn làm thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện và 45 phường. Kết quả thực hiện thí điểm cho thấy, "quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy" [38]. Cụ thể:

Khi thực hiện không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường, quyền làm chủ, quyền đại diện của người dân được thực hiện thông qua nhiều kênh: thông qua đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố; Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và của đại biểu HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ), đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự phản ánh của

tổ dân phố và ý kiến trực tiếp của người dân. Qua thông tin tiếp nhận, UBND các cấp chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, đồng thời tập hợp ý kiến phản ánh những vấn đề vượt thẩm quyền đến cơ quan chức năng giải quyết. UBND các cấp luôn chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Mọi thông tin của người dân đã được tiếp nhận, xem xét trả lời hoặc giải quyết kịp thời theo thẩm quyền, cũng như tạo điều kiện để nhân dân phản ảnh qua kênh thông tin của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp.

Các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện công khai đến toàn thể nhân dân thông qua nhiều hình thức như công tác tuyên truyền pháp luật hàng năm, qua các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và trực tiếp từ các cuộc họp của Tổ dân phố... UBND các huyện, quận, phường cũng thường xuyên cập nhật, niêm yết công khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và địa phương như: quy hoạch khu dân cư, khu sản xuất kinh doanh, khu thương mại, khu vui chơi giải trí, quy hoạch các tuyến đường, các dự án sử dụng đất, các công trình phúc lợi liên quan đến địa phương; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các thủ tục, quy trình, thời gian, lệ phí trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính; công khai các khoản đóng góp của nhân dân theo Pháp lệnh và Nghị quyết của HĐND thành phố; công khai mức thuế đối với từng hộ gia đình. Các hình thức công khai được niêm yết bằng văn bản ở vị trí thuận lợi tại trụ sở UBND các cấp để tổ chức, công dân tiện tra cứu hoặc in sao gửi đến từng hộ gia đình, phổ biến trong cuộc họp tổ dân phố, thôn, thông báo trên đài truyền thanh… Như vậy, quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân khi thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường vẫn được đảm bảo.

Nhìn chung, khi thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, bộ máy chính quyền cơ sở tinh giản hơn. Nhờ vậy, thời gian trả lời và giải quyết những bức xúc của nhân dân nhanh hơn do bớt khâu trung gian. Qua đó

cho thấy, quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo tốt.

Một phần của tài liệu Mô hình chính quyền phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)