Hoạt động của Hội đồng nhân dân phường

Một phần của tài liệu Mô hình chính quyền phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân (Trang 33 - 37)

- Hoạt động của HĐND phường tại kỳ họp:

Kỳ họp là hình thức hoạt động chủ yếu của HĐND, đó là hội nghị định kỳ gồm các phiên họp của toàn thể các đại biểu HĐND để bàn bạc và quyết định những vấn đề của phường được nêu ra trong chương trình nghị sự. Thông qua kỳ họp, ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong phường được chuyển thành quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp xã. Tại kỳ họp còn quyết định các biện pháp để thi hành quyết định, chỉ thị, pháp luật của Nhà nước ở cấp xã, thực hiện quyền giám sát việc thực hiện nghị quyết và hoạt động của các cơ quan trực thuộc HĐND và các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội khác ở cấp xã.

Theo quy định của pháp luật, kỳ họp HĐND phường họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Ngoài những kỳ họp thường lệ, có thể tổ chức các kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu.

Kỳ họp HĐND phường do Thường trực HĐND cùng cấp triệu tập. Kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa HĐND phường do Chủ tịch HĐND khóa trước triệu tập và chủ tọa cho đến khi bầu được Chủ tịch HĐND khóa mới; trường hợp khuyết Chủ tịch thì Phó Chủ tịch triệu tập và chủ tọa; nếu khuyết cả hai thì Thường trực HĐND cấp huyện chỉ định triệu tập viên để triệu tập và chủ

tọa kỳ họp HĐND phường. Kỳ họp HĐND phường được tiến hành (được coi là hợp lệ) khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu HĐND tham dự.

UBND có trách nhiệm phối hợp với Thường trực HĐND chuẩn bị nội dung kỳ họp HĐND phường. 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND phường, Thường trực HĐND họp với UBND quyết định chương trình và các vấn đề sẽ bàn bạc tại kỳ họp. Các báo cáo, đề án và các vấn đề sẽ bàn trong kỳ họp do Chủ tịch UBND cùng với Thường trực HĐND chuẩn bị.

HĐND họp công khai. Khi cần thiết, theo đề nghị của chủ tọa cuộc họp hoặc của Chủ tịch UBND cùng cấp, HĐND quyết định họp kín.

Ngày họp, nơi họp và dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp HĐND phường phải được thông báo cho nhân dân trong phường biết chậm nhất là 05 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp. Đại biểu HĐND cấp huyện được bầu ra ở phường, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội nông dân, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và đại biểu cử tri được mời tham dự kỳ họp, được phát biểu ý kiến nhưng không biểu quyết.

Tại mỗi kỳ họp HĐND có thể có nhiều nội dung khác nhau, phụ thuộc vào tính chất của mỗi kỳ họp và yêu cầu công việc. Tuy nhiên, thông thường tại kỳ họp đầu tiên chủ yếu là bàn về công tác tổ chức, xây dựng chính quyền phường; tại kỳ họp đầu năm, tập trung thảo luận và quyết định kế hoạch và dự toán ngân sách, chương trình hoạt động trong năm, quyết định các vấn đề thiết thực về kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng… trên địa bàn phường; tại kỳ họp cuối năm thảo luận về báo cáo kiểm điểm công tác của Thường trực HĐND và UBND; tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, HĐND, Thường trực HĐND và UBND kiểm điểm hoạt động trong cả nhiệm kỳ của mình.

Tại kỳ họp HĐND phường, chủ tọa kỳ họp có nhiệm vụ điều khiển các phiên họp theo chương trình đã được HĐND thông qua, tổ chức thảo

luận, lấy biểu quyết về các vấn đề đã được nêu, xem xét lại các nghị quyết, biên bản trước khi Chủ tịch HĐND ký chứng thực.

Một nội dung quan trọng của các kỳ họp HĐND là thực hiện quyền chất vấn các đại biểu HĐND đối với UBND, các thành viên của UBND cùng cấp. Chất vấn là hình thức quan trọng để HĐND giám sát hoạt động của Thường trực HĐND và UBND; chất vấn có thể được thực hiện bằng miệng hoặc bằng viết văn bản. Người bị chất vấn phải nghiêm túc trả lời tại kỳ họp sau; nếu đại biểu chưa thỏa mãn với nội dung trả lời thì có thể đề nghị HĐND thảo luận và khi cần thiết HĐND ra nghị quyết về việc trả lời và trách nhiệm của người bị chất vấn. Chất vấn cũng có thể được đại biểu nêu ra trong thời gian giữa hai kỳ họp; trong trường hợp này, đại biểu gửi chất vấn đến Thường trực HĐND để chuyển đến người bị chất vấn.

Các quyết định của HĐND phường được thông qua dưới hình thức nghị quyết; nghị quyết của HĐND phường được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND tán thành; đối với việc bãi miễn đại biểu phải có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu tán thành. Nội dung nghị quyết phải phải chỉ ra chủ trương, biện pháp, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện nghị quyết đó. Nghị quyết HĐND phải được gửi đến các cơ quan hữu quan để thực hiện, đồng thời được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, chuyển lên chính quyền cấp trên để theo dõi và giám sát. Ngoài ra, HĐND còn ra nghị quyết để thông qua (ban hành) các văn bản pháp quy cấp xã như các "Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân", "Quy chế xây dựng làng văn hóa"…

Nghị quyết của HĐND phường có hiệu lực ngay sau khi được thông qua hoặc sau khi được Chủ tịch UBND hoặc Thường trực HĐND cấp huyện phê chuẩn (nghị quyết về việc bầu cử, miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên UBND và một số nghị quyết khác). Nghị quyết hết hiệu lực khi đã thực hiện xong hoặc bị chính HĐND phường sửa đổi, hủy bỏ hoặc bị cấp trên đình chỉ, bãi bỏ.

- Hoạt động của Thường trực HĐND phường:

Thường trực HĐND phường là cơ quan thường trực của HĐND phường giữa hai kỳ họp. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ phải chuẩn bị và tổ chức các hoạt động của HĐND thì Thường trực HĐND phường còn có một số nhiệm vụ khác thuộc một phần chức năng, nhiệm vụ được quy định chung cho HĐND cấp xã. Để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình, Thường trực HĐND phường tiến hành các hoạt động sau:

+ Triệu tập và chủ tọa các kỳ họp của HĐND; phối hợp với UBND phường trong việc chuẩn bị kỳ họp của HĐND;

+ Đôn đốc, kiểm tra UBND phường và các cơ quan nhà nước khác ở phường trong việc thực hiện các nghị quyết của HĐND;

+ Giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và nhân dân ở phường;

+ Tiếp dân, đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân;

+ Tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân ở phường để báo cáo tại kỳ họp của HĐND tại kỳ họp;

+ Tổng hợp các chất vấn của đại biểu HĐND để báo cáo HĐND tại kỳ họp;

+ Giữ mối liên hệ với các đại biểu HĐND cấp xã;

+ Trình HĐND cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo đề nghị của UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hoặc theo đề nghị của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND phường;

oPhối hợp với UBND phường quyết định việc đưa ra HĐND hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND phường theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

+ Báo cáo về hoạt động của HĐND phường lên HĐND và UBND cấp huyện; + Giữ mối liên hệ và phối hợp công tác với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về hoạt động của HĐND.

Thường trực HĐND cấp xã làm việc theo nguyên tắc tập thể. Mõi tháng Thường trực HĐND phường họp ít nhất một lần để kiểm điểm việc thực hiện các nghị quyết của HĐND và các quyết định của mình, đề ra nhiệm vụ công tác tháng sau. Thường trực HĐND có thể họp bất thường theo đề nghị của từng thành viên Thường trực HĐND.

Một phần của tài liệu Mô hình chính quyền phường trong điều kiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)