Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên-môi trƣờng

Một phần của tài liệu Cải cách thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 61)

trƣờng

Lĩnh vực tài nguyên - môi trường là một lĩnh vực rất rộng bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên sinh học và rừng, tài nguyên khoáng sản và năng lượng…, tuy nhiên thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp xã chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Hiện nay, bình quân đất đai tính theo đầu người nước ta rất thấp, chỉ bằng 1/6 mức bình quân của thế giới (0,45 ha), tương đương với các nước Anh, Đức, Philippin và đứng hàng thứ 135 trong tổng số trên 200 nước trên thế giới. Tính đến năm 1994, bình quân đất nông nghiệp tính theo đầu người giảm, đất lâm nghiệp giảm từ 11.866.000 ha xuống còn 1.915.100 ha. Như vậy, tính theo đầu người, tài nguyên đất ở nước ta thuộc loại thấp, đất đai vùng nông thôn có xu hướng ngày càng giảm. Đó là chưa kể tình trạng việc chuyển

mục đích sử dụng không đúng, việc lấn chiếm đất công, việc sử dụng đất kém hiệu quả.

Dân số tăng nhanh nhưng nguồn tài nguyên đất không tăng, đặc biệt với xu hướng đô thị hóa hiện nay, việc quản lý đất đai đòi hỏi phải chú ý sử dụng đất đai một cách tiết kiệm, có hiệu quả, quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường, vấn đề công bằng xã hội trong sử dụng đất và yếu tố thị trường. Muốn làm tốt được điều này, trước tiên Nhà nước phải có các chính sách hợp lý trong việc quản lý và sử dụng đất. Các chính sách này phải được thể hiện hợp lý trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Để thực hiện các chính sách đất đai, thủ tục hành chính đóng vai trò rất quan trọng, thông qua các đòi hỏi về điều kiện, về trình tự - thủ tục chặt chẽ. Các thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Văn bản pháp luật quan trọng nhất hiện nay chính là Luật Đất đai năm 2003 và rất nhiều văn bản pháp luật khác. Các thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai gồm nhiều loại liên quan đến việc quy hoạch, giao đất, chuyển nhượng, thế chấp, chuyển đổi mục đích sử dụng…

Thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý đất đai gồm lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và công bố công khai quy hoạch sử dụng đất chi tiết; quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý đất đai ở địa phương; trách nhiệm trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thống kê, kiểm kê đất đai; phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo thẩm quyền. Với thẩm quyền và trách nhiệm trên, một số thủ tục hành chính chủ yếu hiện nay liên quan đến đất đai được giải quyết thường xuyên, liên tục tại Ủy ban nhân dân cấp xã gồm các thủ tục cấp trích lục bản đồ địa chính; thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng nhà ở, quyền sử dụng đất nông nghiệp; thủ tục chuyển quyền sử dụng ao

và vườn liền kề khu vực nông thôn; thủ tục xác nhận hồ sơ thanh lý nhà theo Nghị định 61/NĐ-CP ngày 05/7/1997 của Chính phủ; thủ tục xác nhận chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước; thủ tục giải quyết chế độ theo Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở.

Trong các loại thủ tục hành chính trên, hiện nay thủ tục phải giải quyết thường xuyên chính là thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Đối với thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cùng với các quy định của Luật Đất đai năm 2003, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có những bước cải cách quan trọng về thẩm quyền và thủ tục cấp giấy chứng nhận, do vậy tiến độ cấp giấy chứng nhận được đẩy nhanh hơn trong gần ba năm qua (hiện nay, các thủ tục hành chính về quyền sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai năm 2003 đã được cụ thể hóa trong Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 24/10/2004 của Chính phủ). Lần đầu tiên trong Luật đất đai tại Việt Nam đã đưa các quy định cụ thể về thủ tục hành chính khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Các thủ tục hành chính được quy định trong luật là bắt buộc đối với các bên tham gia thực hiện, ràng buộc cả người sử dụng đất cũng như các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận nhìn chung còn chậm. Có rất nhiều nguyên nhân, song nhìn chung tại cấp xã nguyên nhân chủ yếu vẫn do cách hiểu không đúng và không đầy đủ các quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn tới những vận dụng không đúng quy định khi cấp Giấy chứng nhận (nhất là trong việc xác định điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với những trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có ao, vườn gắn liền; xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai) và khi lập hồ sơ địa chính.

Một số nơi chưa ban hành đầy đủ các quy định cụ thể hóa pháp luật đất đai liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận, nhất là quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở từng khâu công việc (tại Ủy ban nhân dân cấp xã là khâu thẩm định hồ sơ). Trình tự, thủ tục việc cấp giấy chứng nhận được quy định như sau: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất, trường hợp người đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì thẩm tra, xác nhận về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; công bố công khai danh sách các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong vòng 15 ngày; xem xét các ý kiến đóng góp đối với các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gửi hồ sơ đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi ý kiến đối với trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi ý kiến đối với trường hợp không đủ điều kiện; trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, sau đó gửi hồ sơ địa chính đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Phòng này có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thông thường thời gian thực hiện các công việc theo quy định của luật nhằm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các

hộ gia đình đang sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn không quá 55 ngày làm việc (không kể thời gian công bố công khai danh sách các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 15 ngày) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho tới ngày người sử dụng đất nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một cải cách đáng ghi nhận trong thủ tục hành chính này chính là việc quy định chi tiết về thời gian cấp giấy chứng nhận so với trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực. Song trên thực tế việc thực hiện thủ tục này luôn gây bức xúc cho nhân dân, không có một xã, phường nào trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện đúng quy định này. Có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan cũng như khách quan, song nguyên nhân chủ yếu do cán bộ địa chính quá ít, trình độ năng lực chuyên môn không đủ đáp ứng theo yêu cầu công việc. Ngay tại Ủy ban nhân dân cấp xã, với những phường trên 10 nghìn dân được phân bổ hai cán bộ địa chính, trong đó một cán bộ phụ trách mảng đất đai, một cán bộ phụ trách đô thị. Việc thẩm tra và hoàn tất được một bộ hồ sơ để có thể trình hộ đồng xét duyệt, sau đó niêm yết công khai là cả một quá trình. Công việc này đòi hỏi cán bộ làm công tác địa chính phải xem xét, đo đạc cẩn thận, vừa kiểm tra hồ sơ giấy tờ vừa phải xuống tận địa bàn, trong khi ngoài việc thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cán bộ địa chính phải phụ trách rất nhiều đầu việc khác liên quan đến đất đai như giải phóng mặt bằng, bàn giao cột mốc, hòa giải, các thủ tục đất đai khác v.v... Chính vì vậy, kể từ lúc tiếp nhận hồ sơ đầy đủ cho tới lúc công bố công khai danh sách được xét duyệt luôn luôn chậm trễ rất nhiều so với thời gian luật định. Hiện nay, thống kê mới nhất vào tháng 7/2007 tại Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng Hậu còn tồn đọng 84/365 hồ sơ đã tiếp nhận năm 2007 chưa được xét duyệt. Nguyên nhân do số lượng hồ sơ tồn đọng từ những năm trước chưa được xét duyệt cần phải giải quyết trong khi cán bộ làm công tác chuyên môn chỉ có một cán bộ. Thực trạng hồ sơ tồn đọng này diễn ra hầu hết ở tất cả các phường thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình…

Một vài nguyên nhân khác nữa góp phần làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như nguyên nhân chưa bảo đảm kinh phí cho việc cấp giấy chứng nhận; Hệ thống pháp luật còn một số điểm bất cập. Cấp giấy chứng nhận là một công việc khó khăn, phức tạp do một thời gian dài nhà nước buông lỏng quản lý đất đai; tình trạng vi phạm Luật Đất đai trong sử dụng đất (như lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, tranh chấp, không sử dụng hoặc sử dụng không hết, không hiệu quả đất được giao) của các tổ chức, cá nhân là khá phổ biến với số lượng lớn; nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm; một bộ phận người sử dụng đất chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấy chứng nhận hoặc chưa có nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất (thế chấp vay vốn, chuyển quyền sử dụng đất...) nên chưa thực hiện kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận.

Một phần của tài liệu Cải cách thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 61)