Như đã trình bày ở phần trên, thủ tục hành chính gồm nhiều loại, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Nói cải cách thủ tục hành chính không thể đồng loạt cải cách tất cả các loại, các lĩnh vực liên quan đến thủ tục mà cần có sự lựa chọn.
Thứ nhất, tiến hành rà soát lại toàn bộ các quy định hiện hành về thủ
tục hành chính, về phí và lệ phí thuộc lĩnh vực mình phụ trách, kể cả những quy định do cấp dưới ban hành nhằm bãi bỏ ngay những quy định thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền và bổ sung, sửa đổi những thủ tục không phù hợp với thực tế đã và đang gây trở ngại cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị khác và gây phiền hà cho nhân dân.
Đối với những thủ tục đã quy định trước, nay còn phù hợp nhưng được quy định phân tán ở nhiều văn bản, cần được hệ thống hóa lại bằng một văn bản thống nhất theo thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để thuận tiện cho việc thi hành, kiểm tra, giám sát.
Đây là một phương thức quan trọng và cần thiết trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam. Theo báo cáo số 01 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 27/4/2006, kết quả sau 05 năm triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 cho thấy, thủ tục hành chính trên hầu hết các lĩnh vực đều đã được rà soát, sửa đổi, ban hành mới theo hướng đơn giản hơn, thuận tiện cho người dân. Đặc biệt, thủ tục hành chính trên những lĩnh vực bức xúc, liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu… đã được rà soát nhiều lần, loại bỏ những thủ tục hành chính phức tạp, gây phiền hà, bước đầu tạo lập lại niềm tin cho người dân vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền. Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đơn giản, minh bạch hơn, gắn với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp. Đã xác lập trật tự kỷ cương mới trong quản lý thu phí và lệ phí. Quy định công khai và minh bạch nguyên tắc thu, mức thu, chế độ thu nộp,
quản lý và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí. Kết quả đã bãi bỏ được 140 loại phí, lệ phí do Trung ương, 203 loại phí, lệ phí do địa phương ban hành [40].
Qua một số năm thực hiện Nghị quyết 38/CP, nhìn chung thủ tục hành chính ở tất cả các khâu đều bắt đầu được đơn giản hóa. Các ngành, các cấp đều có sự nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, rà soát lại các văn bản mà mình đã ban hành, các thủ tục hành chính của ngành mình, cấp mình và loại bỏ bớt những thủ tục phiền hà, phức tạp hay gây cản trở đến việc giải quyết các công việc chung. Nhiều quy định mới thông thoáng được công bố. Nhà nước cũng ban hành nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, trong đó có nhiều văn bản trực tiếp liên quan đến thủ tục hành chính, đến các quyền và nghĩa vụ của công dân trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Nhờ giảm bớt các thủ tục phiền hà mà nhiều việc được giải quyết nhanh hơn, có hiệu quả hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi khi xin phép và triển khai các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Một phần nhờ các thủ tục hành chính có nhiều cải tiến nhất định mà các dự án này được triển khai nhanh chóng hơn.
Nhìn chung, phương thức này không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đang tiến hành công cuộc cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng đều áp dụng phương thức này. Vụ Cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã giúp Bộ trưởng đặc trách trình Chính phủ Pháp Dự luật thứ ba về đơn giản hóa luật lệ và thủ tục hành chính, được áp dụng từ năm 2003. Theo đó luật này chọn ra những lĩnh vực cần cải cách nhất và cho phép Chính phủ có quyền ban hành các Sắc lệnh có giá trị như Luật để thực hiện việc cải cách trong từng lĩnh vực đó [42].
Hay ở Đức trong công tác cải cách hành chính của mình, Chính phủ Đức đã tập trung xem xét sự đánh giá, nhận định của người dân và doanh nghiệp về những quy định, thủ tục hành chính phức tạp, từ đó sẽ rà soát, xóa
bỏ các điều luật không cần thiết. Cụ thể, đã tiến hành 700 quy trình lập pháp và giảm được 12% số văn bản không còn cần thiết. Ngoài ra, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và các quy định của pháp luật [42].
Thứ hai, loại bỏ thủ tục không cần thiết, chồng chéo, sửa đổi, bổ sung
những thủ tục rườm rà, bất hợp lý, gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức, bảo đảm tính thống nhất, sự chặt chẽ, tính hợp lý, ổn định, rõ ràng của thủ tục hành chính, tính khoa học của quy trình thực hiện các thủ tục hành chính đã ban hành.
Thứ ba, công bố công khai hệ thống các văn bản quy định thủ tục hành chính. Việc công khai thủ tục hành chính là phương thức không thể thiếu trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Công khai hóa một cách đầy đủ các quy trình thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước với tổ chức, công dân; là điều kiện góp phần tăng hiệu quả của quá trình giải quyết các yêu cầu trong nền hành chính dịch vụ. Trong nền hành chính dịch vụ, chúng ta có thể coi các tổ chức, công dân khi đến với cơ quan công quyền là những khách hàng mà chúng ta phải phục vụ. Khách hàng biết rõ họ cần phải làm gì, cần chuẩn bị những vấn đề gì, loại giấy tờ gì trước khi đến cơ quan yêu cầu giải quyết công việc.
Mặt khác, người thi hành công vụ sẽ không có điều kiện để lợi dụng sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, công dân. Công khai là cơ sở để kiểm tra quá trình thực hiện thủ tục, do đó nó cũng là căn cứ để đánh giá trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ với dân. Ngay trong Nghị quyết 38/CP, nguyên tắc công khai hóa các thủ tục hành chính cũng được nhấn mạnh, Nghị quyết viết:
Sau khi các thủ tục hành chính được rà soát xét lại, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi quản lý của mình, phải công bố công khai hệ thống các văn bản quy định thủ tục mới bằng nhiều hình thức để mọi cơ quan, đơn vị, mọi người được biết và thực hiện [11].
Tính công khai, rõ ràng của một hệ thống thủ tục hành chính là một đòi hỏi cấp thiết cần phải được tôn trọng và thực hiện. Đây cũng là một sự biểu hiện cao nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đảm bảo cho hệ thống pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh. Điều 69, Hiến pháp 1992 quy định công dân có quyền được thông tin. Đây là một trong những quyền để đảm bảo cho quyền làm chủ của nhân dân lao động được thực hiện có cơ sở. Công khai hóa thủ tục hành chính chính là thực hiện quyền được thông tin của người dân, giúp cho tổ chức, công dân nắm bắt, hiểu rõ được quy định của thủ tục hành chính mà mình yêu cầu.
Như vậy, cải cách thủ tục hành chính nhằm mục tiêu bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; tạo sự thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng chống tham nhũng và lãng phí. Kết quả cải cách thủ tục hành chính thời gian qua cho thấy mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp được cải thiện một bước đáng kể, thông qua một loạt các biện pháp như cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế "một cửa"; công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về thủ tục hành chính; rà soát, sửa đổi, bãi bỏ thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Song bên cạnh những kết quả và chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực quản lý, thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại khá phổ biến xu hướng cơ quan hành chính giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân; vẫn còn tư tưởng bao cấp, cục bộ của các bộ, ngành khi xây dựng, ban hành thủ tục hành chính, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đặc biệt, thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính vẫn mang tính thử nghiệm là chính, thủ tục hành chính chưa ổn định, trong nhiều trường hợp vẫn có những vướng mắc chưa giải quyết được. Bởi vậy, cải cách thủ tục hành chính vẫn tiếp tục cần
phải được cải cách triệt để hơn nữa để mang lại hiệu quả cao trong công cuộc xây dựng nền hành chính dịch vụ hiện nay.
Chương 2