Đánh giá thủ tục hành chính từ phƣơng diện tổ chức áp dụng và thực hiện

Một phần của tài liệu Cải cách thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 72 - 77)

dụng và thực hiện

Thành công lớn nhất trong tổ chức thực hiện thủ tục hành chính tại bộ máy chính quyền cấp xã đó chính là việc thực hiện thí điểm việc giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân theo mô hình "một cửa, một dấu", sau này được nhân rộng khắp 232 xã, phường, thị trấn nói riêng và các quận, huyện của thành phố Hà Nội nói chung. Với mô hình này thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn. Trong hai năm thực hiện thí điểm mô hình một đầu mối ở cấp thị trấn Yên Viên và xã Gia Thụy (2001 - 2002) trong số 3.397 hồ sơ hành chính có 3.395 hồ sơ hành chính được giải quyết ngay tại xã, thị trấn [41, tr.81]; Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hẹn ngày càng cao; Bộ máy hành chính cấp xã được sắp xếp một cách hợp lý hơn.

Có thể nói thí điểm "cơ chế một cửa" là một chủ trương đúng, xuất phát từ mục tiêu cơ bản của cải cách hành chính là xây dựng một nhà nước pháp quyền, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, của dân, do dân, vì dân. Ngay từ khi mới triển khai cơ chế một đầu mối đã có nhiều cuộc hội thảo về mô hình thí điểm; đã có hàng trăm bài báo đưa tin, ca ngợi trên các phương tiện thông tin đại chúng về cải cách hành chính theo cơ chế một đầu mối ở Thủ đô Hà Nội [41, tr. 80].

Thành phố Hồ Chí Minh được coi là điển hình và đi đầu trong việc tổ chức thực hiện thí điểm thủ tục hành chính theo quy chế ‘một cửa, một dấu". Sau thời gian triển khai thí điểm, cùng với cả nước, tháng 4/2005, tất cả các xã, phường, thị trấn (317 xã, phường, thị trấn) triển khai tổ chức thực hiện thủ tục hành chính theo quy chế "Một cửa". Hà Nội tuy không đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh, song qua một năm triển khai, kết quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo quy chế "Một cửa" năm 2005 cho thấy đã mang lại kết quả vượt trội, nhất là những hồ sơ liên quan đến đất đai là những lĩnh vực rất "nhạy cảm" mà trước đây nhiều tổ chức, công dân thường ca thán phiền hà, nay đã được niêm yết công khai, quy trình giải quyết cụ thể.

Thành công thứ hai của việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính chính là việc sắp xếp lại cơ cấu, đội ngũ cán bộ một cách hợp lý, chất lượng đội ngũ cán bộ bước đầu được nâng cao hơn. Xuất phát từ yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính theo quy chế "một cửa", đòi hỏi người cán bộ làm công tác tiếp nhận thủ tục phải là người có trình độ chuyên môn vững vàng, có kiến thức sâu rộng tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, có kỹ năng tiếp dân tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện thủ tục hành chính cũng còn khá nhiều hạn chế và bất cập. Mặc dù mô hình "Một cửa" được coi là thành công, nhưng hiện nay chưa phải đã hoàn toàn tạo cho tổ chức, công dân có được ấn tượng tốt, tích cực cũng như bảo đảm sự công minh của pháp

luật. Đối với người dân, làm thủ tục để giải quyết việc của mình là điều công dân cảm thấy chẳng mấy dễ chịu, phiền toái, thậm chí là căng thẳng. Nguyên nhân chính của tình trạng này theo tôi lỗi một phần ở thủ tục hành chính, phần khác chính ở khâu tổ chức thực hiện thủ tục hành chính. Tại khâu tổ chức thực hiện này tồn tại rất nhiều bất cập cần phải khắc phục.

Bất cập thứ nhất chính là cách hiểu không đồng nhất trong việc thực hiện thủ tục hành chính giữa các phường. Ví dụ, theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về thủ tục đăng ký khai sinh thẩm quyền giải quyết theo thứ tự ưu tiên luôn luôn phải là nơi người mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú; trong trường hợp người mẹ không có hộ khẩu thường trú khi đó mới đăng ký theo nơi tạm trú của người mẹ. Tuy nhiên, năm 2006 Ủy ban nhân dân phường Đền Lừ vẫn tiến hành đăng ký khai sinh cho công dân đăng ký tạm trú tại phường, công dân không buộc phải chứng minh mình đang có hộ khẩu thường trú ở địa phương nào hay không, mặc dù trên thực tế họ vẫn đang có hộ khẩu thường trú tại nơi khác.

Bất cập thứ hai chính là sự chồng chéo của các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện thủ tục, điều này gây khó khăn cho cán bộ làm công tác chuyên môn, đặc biệt đối với những thủ tục hành chính liên thông do không có sự thống nhất trong hướng dẫn giữa các văn bản của nhà nước dẫn đến tình trạng một thủ tục phải qua nhiều cơ quan, mỗi cơ quan sẽ giải quyết theo cách hiểu của mình. Kết quả người dân phải đi lại nhiều lần, mất thời gian chờ đợi. Ví dụ, đối với thủ tục nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú năm 2007, Bộ Công an ban hành mẫu tờ khai dành cho người có nhu cầu nhập hộ khẩu, tuy nhiên khi mẫu tờ khai về đến xã, phường do không hướng dẫn rõ ràng cụ thể, phường thì hiểu đối với những công dân theo diện nhập nhờ vào một sổ hộ khẩu có sẵn tại Hà Nội thì chủ sổ hộ khẩu phải đứng tên kê khai, trong khi theo quy định của Công an thành phố Hà Nội thì ai là người có nhu cầu nhập hộ khẩu, người đó sẽ phải đứng đơn. Ngoài ra, về mặt lý thuyết, trên mẫu tờ khai Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sẽ phải xác nhận hiện trạng đất ở ổn định,

không tranh chấp, vậy thì xác nhận đất của ai sở hữu người đó sẽ phải đứng đơn, nếu sau xảy ra tranh chấp hay kiện cáo sẽ dễ giải quyết. Riêng tháng 9, và tháng 10 năm 2007 sau khi thụ lý hồ sơ, giải quyết cho 12 công dân có nhu cầu nhập nhờ sổ hộ khẩu, Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng Hậu phải thu hồi lại cả 12 tờ khai đã xác nhận, gây tâm lý bức xúc cho người dân do phải chờ đợi và đi lại quá nhiều.

Bất cập thứ ba trong việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính do một bộ phận không nhỏ cán bộ chuyên môn chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, một bộ phận khác sa sút về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu cho nhân dân. Cụ thể tâm lý chống đối từ phía những cán bộ, công chức có lợi ích bị sút kém do việc thực hiện cơ chế mới làm giảm biên chế hoặc mất hoặc giảm phần lợi ích tiêu cực phí. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa VIII) đã đánh giá rằng có một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, quan liêu, ức hiếp dân… [3, tr. 68]. Thủ tục hành chính tốt hay xấu thì hiệu quả thực tế của nó vẫn phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề cán bộ, công chức. Nếu cán bộ, công chức công tâm, nhiệt tình thực hiện thì có thể khắc phục đáng kể các khiếm khuyết của thủ tục hành chính và thực hiện có kết quả tốt nhất mục đích của nó. Nhưng vấn đề này hiện nay luôn là bài toán khó, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, triệt để từ nhiều khía cạnh.

Bất cập thứ tư chính là sự bất cập từ bản thân những tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Việt Nam là một nước nông nghiệp, mặc dù hiện nay đã được đô thị hóa rất nhiều, song tính chất quan hệ làng xã vẫn luôn bao trùm, tâm lý "một người làm quan cả họ được nhờ" vẫn còn tồn tại đâu đó. Mặc dù từ tháng 9/2004 tất cả các xã, phường, thị trấn trong thành phố Hà Nội đều tổ chức thực hiện thủ tục hành chính theo quy chế "Một cửa", song một bộ phận không nhỏ công dân, tổ chức có nhu cầu luôn bỏ qua quy chế này, trực tiếp tìm gặp cán bộ chuyên môn hoặc lãnh đạo mà mình quen biết để giải quyết. Tại thành phố Hà Nội, các phường thuộc quận Hai Bà

Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình ít xảy ra thực trạng này, nhưng đối với một số phường nằm trên địa bàn các huyện chuyển lên quận như Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên luôn bị người dân trực tiếp vào thẳng bộ phận mình cần giải quyết. Đặc biệt, theo điều tra của tác giả khi đi tìm hiểu thực tế để phục vụ cho công tác nghiên cứu luận văn này, đối với nhiều xã ở huyện Đông Anh, Sóc Sơn, bộ phận "Một cửa" luôn luôn "nhàn rỗi" do yếu tố quan hệ làng xã tồn tại quá lớn.

Tóm lại, nguyên nhân của tình trạng thủ tục hành chính tại bộ máy chính quyền cấp xã còn khiếm khuyết chủ yếu ở chỗ hệ thống thủ tục hành chính ở cấp này vẫn chưa được cải cách triệt để và đặc biệt trong khâu tổ chức thực hiện đòi hỏi phải có sự đồng nhất về cách thức, cán bộ thực hiện phải có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Để làm được điều này đòi hỏi thủ tục hành chính và việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính cần được giải quyết khoa học, có hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của việc cải cách nền hành chính nhà nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Chương 3

Một phần của tài liệu Cải cách thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)