Tại Malaixia và các nước ASEAN khác, quá trình chuyển đổi từ các ngành công nghệ, kỹ thuật trung bình và thấp sang các ngành công nghệ cao trong những năm 90 đã làm xuất hiện một xu hướng bất bình đẳng mới. Sự bất bình đẳng này do chênh lệch về trình độ tay nghề, do đó về tiền lương giữa lao động kỹ thuật và lao động phổ thông. Xingapo là một ví dụ điển hình phản ánh xu hướng đó. Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ trong bối cảnh các ngành công nghệ kỹ thuật cao và nền kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ. Bởi vì một trong những đặc điểm lớn nhất trong quá trình phát triển của nước ta giai đoạn hiện nay là nó gắn chặt với quá trình liên kết và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, quá trình toàn cầu hoá và việc chuyển sang nền kinh tế tri thức sẽ tác động đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Đối với một nước nghèo và chậm phát triển như nước ta, thì sự tác động của nhân tố nói trên đối với quá trình phát triển càng sâu sắc theo hướng tạo ra sự phân hoá ngày càng lớn trong xã hội. Trên thực tế, đã có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra tác động tích cực của toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại đối với việc giảm nghèo ở các nước nhưng nó lại làm tăng bất bình đẳng khi các cơ hội kinh tế không được chia đều cho mọi nhóm dân cư. Sở dĩ các cơ hội kinh tế không được phân bổ đều là do sự bất công trong tiếp cận với giáo dục trong các nhóm dân cư. Như vậy, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa trình độ giáo dục với phân phối thu nhập và công bằng xã hội. Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở nước ta, nguồn thu nhập không biến động nhiều so với trình độ giáo dục mà người lao động có được. Nhưng đến những năm 90, xu hướng thu nhập tăng phù hợp với trình độ giáo dục trên thị trường lao động đã bắt đầu thấy xuất hiện rõ nét. Khi nền kinh tế nước ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới thì phần tiền lương, tiền công của lao động kỹ thuật sẽ tăng. Do đó, bất bình đẳng về giáo
111
dục hiện tại sẽ chuyển thành bất bình đẳng lớn hơn đối với các cơ hội việc làm và thu nhập trong tương lai. Theo báo cáo của các chuyên gia của WB tại cuộc họp nhóm các nhà tư vấn cho Việt Nam tháng 12-2002, thì trình độ giáo dục cao và phân phối công bằng sẽ là chìa khoá tạo nên tăng trưởng cao, bền vững trong giai đoạn phát triển mới hiện nay. Giải pháp để khắc phục sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập sẽ tăng trong thời kỳ liên kết kinh tế và hội nhập ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta vẫn là những vấn đề đã nêu ở trên bao gồm: Đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo; Đảm bảo cho mọi người dân ở tất cả các nhóm thu nhập, mọi vùng, miền có thể tiếp cận bình đẳng với các điều kiện giáo dục được mở rộng đó. Điều đó cũng có nghĩa phải tăng các cơ hội thụ hưởng thành quả giáo dục cho những người nghèo, các khu vực gặp nhiều bất lợi trong phát triển.