Chính sách điều tiết nhằm kết cấu lại vốn cổ phần trong khu vực kinh doanh.

Một phần của tài liệu Phân phối thu nhập ở Malaixia và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 73 - 78)

vực kinh doanh.

Cùng với việc loại bỏ sự khác biệt giữa các tộc người về việc làm, chính sách kết cấu lại sở hữu vốn cổ phần và tài sản trong khu vực kinh doanh mà Chính phủ Malaixia thực hiện là nhằm khắc phục những mất cân đối giữa ba cộng đồng tộc người trong việc nắm giữ quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế. Mục tiêu của NEP là để trong khoảng thời gian một thế hệ, người Mã Lai có thể nắm giữ và quản lý 30% vốn hoạt động trong thương mại và công nghiệp, trở thành đối tác đầy đủ trong đời sống kinh tế của đất nước. Kết cấu lại sở hữu tài sản bao gồm tài sản tài chính và tài sản vật chất ở tất cả các khu vực của nền kinh tế.

Theo quan điểm của chính phủ Malaixia, việc nâng cao sở hữu vốn được thực hiện thông qua sự tham gia của người Mã Lai vào nền sản xuất đang được mở rộng chứ không phải thông qua quá trình tái phân phối. Ở nông thôn, quá trình này được thực hiện thông qua các chương trình khai hoang và mở rộng diện tích đất canh tác, qua đó nâng cao quyền sở hữu và sử dụng đất đai của người Bumiputera để phát triển sản xuất. Tại khu vực thành thị và các khu vực công nghiệp, việc nâng cao sở hữu vốn và tài sản từ sự tham gia của người Mã Lai vào các hoạt động thương mại và công nghiệp với sự trợ giúp tài chính của các doanh nghiệp nhà nước. Khi nền kinh tế phát triển và được hiện đại hoá, khu vực sản xuất kinh doanh được mở rộng, nền tài chính được phát triển và ngày càng trở nên phức tạp thì chìa khoá để đưa đến việc sở hữu và kiểm soát của cải sẽ phải thông qua sở hữu vốn cổ phần. Do đó, việc kiểm soát tài sản và của cải về cơ bản phải được thực hiện bằng

69

cách nâng cao sở hữu vốn cổ phần và quản lý hiệu quả các công ty kinh doanh.

Mặc dù không đạt được mục tiêu của NEP về tỉ lệ vốn cổ phần trong khu vực kinh doanh, nhưng những kết quả đạt được là rất khả quan. Năm 1990, tỉ lệ sở hữu vốn cổ phần của người Mã Lai đạt 20,3%, của người Malaixia khác (chủ yếu là người Hoa) là 46,5%, người nước ngoài là 25,1% so với mục tiêu là 30, 40 và 30% [22, tr.42]. Tuy nhiên, so với tỉ lệ sở hữu vốn cổ phần mà người Mã Lai nắm giữ năm 1970 thì đây là con số không nhỏ. Qua nghiên cứu xem xét, có thể thấy, tỉ lệ sở hữu này đạt được thông qua các phương thức chủ yếu như sau: Thứ nhất: Các cá nhân người Mã Lai thông qua hoạt động kinh doanh, từng bước nâng cao mức tiết kiệm của họ để mua cổ phần. Trong những năm 70, nhà nước đã đưa ra kế hoạch tiết kiệm cưỡng bức thông qua quĩ dự phòng việc làm và kế hoạch tiết kiệm tự nguyện như quĩ uỷ thác quốc gia, cơ quan uỷ thác MARA. Các hình thức tiết kiệm này đã tiếp cận đến từng người Mã Lai ở cả khu vực thành thị và nông thôn, cả người giàu lẫn người nghèo, tạo ra thói quen tiết kiệm trong toàn xã hội. Thứ hai: Chính phủ đã thành lập quĩ đầu tư Bumiputera (1-1978), một cơ quan có trách nhiệm chủ yếu để thực hiện chiến lược phân phối lại vốn cổ phần. Trước tiên, quĩ này sẽ mua cổ phần có lợi từ các công ty kinh doanh của nhà nước và dự trữ cho người Bumiputera thông qua công ty cổ phần quốc gia. Công ty này sẽ bán lại cổ phần cho các cá nhân là các nhà đầu tư Bumiputera thông qua cơ quan uỷ thác quốc gia ASNB, một cơ quan được thành lập để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Thứ ba: các cá nhân Bumiputera cũng có thể tham gia đầu tư và mua cổ phần kinh doanh tại các cơ quan thuộc khu vực công cộng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, mạng lưới các công ty và các cơ quan do nhà nước thành lập cùng với sự đa dạng trong các hình thức huy động tiết kiệm đã góp phần quan

70

trọng vào chiến lược phân phối lại vốn cổ phần. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế cao, mở rộng khu vực kinh tế nhà nước và sự tăng trưởng của các khu vực kinh tế hiện đại như thương mại, công nghiệp và dịch vụ đã tạo điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu này. Ngoài việc nâng cao sở hữu vốn cổ phần, chính phủ còn tạo ra những tiền đề để cho người Mã Lai có thể duy trì và mở rộng khả năng kinh tế với việc nâng cao số lượng và chất lượng các doanh nhân Bumiputera. Theo hướng này, nhà nước thiết lập các chương trình đào tạo, phát triển các dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật, hỗ trợ quản lý và trợ giúp tín dụng cho các doanh nghiệp Bumiputera. Một trong những phương thức để tạo ra cộng đồng công thương nghiệp Mã Lai (BCIC) là nhà nước khuyến khích các ngành công nghiệp qui mô vừa và nhỏ (SMI). Các SMI đóng vai trò quan trọng trong phát triển của doanh nghiệp, tạo ra việc làm, huy động tiết kiệm của các cá nhân cho đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất của người Mã Lai. Các SMI được tạo điều kiện việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung cấp các dịch vụ đầu vào và các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp qui mô lớn của nhà nước. Ngoài ra, để phát triển các SMI, chính phủ đã cung cấp các khoản tín dụng thông qua các cơ quan của khu vực công cộng như hội đồng bảo hộ dân bản địa (MARA), công ty tài chính phát triển công nghiệp Malaixia (MIDFC), ngân hàng phát triển Malaixia… Tất cả các kế hoạch trợ giúp tài chính và cung cấp tín dụng cho người Mã Lai đều được bảo lãnh bởi công ty bảo lãnh tín dụng (CGC). Hơn nữa, việc trợ giúp tài chính cho các doanh nghiệp người Mã Lai cũng được thực hiện dưói hình thức cho vay mua sắm tài sản cố định và thiết bị, đổi mới cơ sở sản xuất kinh doanh, vốn lưu động…Trong khi đó, các cơ quan của nhà nước khác như Trung tâm năng suất Quốc gia, MARA cũng thực hiện các dịch vụ đào tạo, tư vấn, giám sát.

71

Trong việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp, CGC đóng vai trò rất quan trọng. Ban đầu CGC quản lý hai cơ quan là cơ quan thực hiện Kế hoạch bảo lãnh chung (GGS) và Kế hoạch cho vay đặc biệt (SLS). Chính hai cơ quan này góp phần đưa tín dụng hoạt động đến cho các SMI, các nhà buôn nhỏ, cho cả người Mã Lai và không Mã Lai với sự ưu tiên lớn hơn cho các doanh nghiệp Mã Lai về qui mô các khoản nợ. Đến cuối thập kỷ 80 đầu 90, CGC sáp nhập GGS và SLS thành một cơ quan, Kế hoạch bảo lãnh có nguyên tắc (PGS). Tuy nhiên, để hỗ trợ cho các doanh nhân người Mã Lai có thể tiếp cận tốt hơn với tín dụng của các ngân hàng thương mại, CGC đã thành lập một chương trình bảo lãnh mới mang tên Quĩ doanh nhân mới (NEF) năm 1989. Và NEF đã góp phần đáng kể đối với sự tăng trưởng của các SMI người Mã Lai trong những năm 90.

Như vậy, xu hướng giảm bất bình đẳng thu nhập giữa ba cộng đồng tộc người trong thời kỳ NEP được thực hiện với sự trợ giúp đắc lực của các cơ quan và công ty của nhà nước thông qua các chương trình như hỗ trợ vốn, đào tạo, tư vấn, quản lý… Các cơ quan này đã góp phần nâng cao sở hữu vốn và tài sản của người Mã Lai thông qua kế hoạch tiết kiệm cưỡng bức, mua cổ phần, thúc đẩy sự hoạt động của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối thập kỷ 80 đầu 90 khi Malaixia thi hành chính sách tự do hoá, giảm sự can thiệp của nhà nước thì kế hoạch kết cấu lại vốn cổ phần trong khu vực kinh doanh gặp phải nhiều trở ngại từ nhiều phía. Những điều kiện phát triển mới làm cho các vùng, các khu vực, các cộng đồng tộc người với những lợi thế khác nhau, phát triển với những tốc độ khác nhau. Trong khi đó, việc chuyển từ chính sách can thiệp sang tự do hoá và giảm điều tiết của nhà nước chưa thực sự có hiệu quả làm cho tình trạng phân phối thu nhập trở nên bất bình đẳng hơn. Những nguyên nhân làm gia tăng

72

bất bình đẳng giữa các tộc người và giữa các tầng lớp dân cư thể hiện ở các điểm chính như sau:

- Tự do hoá không cho phép nhà nước can thiệp vào cộng đồng kinh doanh. Để khuyến khích đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài, nhà nước phải loại bỏ các qui định về đăng ký, hạn ngạch, vốn, cơ cấu lao động, việc làm… Tất cả những điều này đều đưa lại kết quả bất lợi cho cộng đồng người Mã Lai. Chính vì lẽ đó, việc thực hiện mục tiêu kết cấu lại vốn cổ phần, mục tiêu nhằm nâng cao vị trí kinh tế của người Mã Lai đã không đạt được kết quả như mong muốn. Tỉ lệ vốn cổ phần của người Mã Lai chỉ tăng lên chút ít trong kế hoạch Malaixia thứ 6 từ 20,3% năm 1990 lên 20,6% năm 1995 và giảm sút tệ hại trong khủng hoảng tài chính 1997-1998, năm 2000 tỉ lệ này chỉ ở mức 19,1% [9, tr. 3]. Cũng trong thời kỳ 1991-1995, tỉ lệ vốn cổ phần của người Malaixia khác giảm từ 46,5% năm 1990 xuống 42,4% năm 1995 (trong đó người Hoa là 40,9% và người Ấn là 1,5%) [22, tr.42].

- Tự do hoá và giảm sự can thiệp trước hết thể hiện ở quá trình tư nhân hóa khu vực kinh tế nhà nước. Trong những năm 70, đầu 80, khu vực kinh tế nhà nước được mở rộng đã tạo ra một số lượng lớn việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho người Mã Lai bản địa. Trong điều kiện tư nhân hoá, mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước đều cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân. Cạnh tranh tự do không cho phép các doanh nghiệp nhà nước được hưởng các ưu đãi, tài trợ từ phía nhà nước và hiệu quả kinh tế là yếu tố quyết định đối với việc gia tăng việc làm và thu nhập. Mặt khác, trong điều kiện phát triển mới, các tập đoàn, công ty lớn của nhà nước không thể tài trợ cho cộng đồng kinh doanh người Mã Lai.

- Tự do hoá trong những năm 90 có nghĩa nhà nước đề cao vai trò của kinh tế tư nhân, coi khu vực tư nhân là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Điều kiện phát triển mới đã làm cho nhóm người có thu nhập

73

cao, nhất là cộng đồng người Hoa phát huy lợi thế và năng lực của mình trong sản xuất kinh doanh, trở thành cộng đồng kinh doanh năng động nhất ở Malaixia. Trong khi đó, sự phát triển của cộng đồng người Mã Lai lại chủ yếu dựa vào nhà nước và tăng trưởng phụ thuộc vào khu vực kinh tế nhà nước. Tự do hoá và cạnh tranh bình đẳng đã làm cho sự khác biệt giữa ba cộng đồng tộc người trở nên sâu sắc hơn.

Rõ ràng là điều kiện phát triển mới đã không chỉ làm cho mục tiêu kết cấu lại vốn cổ phần trong khu vực kinh doanh giữa ba cộng đồng tộc người trở nên khó khăn mà còn làm ảnh hưởng đến các chương trình phát triển khác như kết cấu lại việc làm, nghề nghiệp. Chính điều này đã làm cho chiến lược phân phối, tái phân phối thu nhập trở nên khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu kết hợp tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội vì thế không đạt được kết quả như mong muốn.

Tóm lại, kết cấu lại sở hữu vốn cổ phần trong khu vực kinh doanh vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện để nâng cao sở hữu và kiểm soát nền kinh tế của cộng đồng người Mã Lai, qua đó khắc phục sự khác biệt giữa ba cộng đồng tộc người về thu nhập và sở hữu tài sản. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được nhanh chóng với sự can thiệp và hỗ trợ đắc lực của các cơ quan và khu vực kinh tế nhà nước. Trong điều kiện tự do hoá, việc khắc phục sự khác biệt về kinh tế, về sở hữu và kiểm soát tài sản kinh doanh giữa các cộng đồng tộc người trở nên hết sức khó khăn.

Một phần của tài liệu Phân phối thu nhập ở Malaixia và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 73 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)