Trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và phân phối thu nhập thì vấn đề quan trọng đặt ra là phải lựa chọn mô hình tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng sẽ quyết định sự tham gia của các nhân tố đóng góp vào quá trình tăng trưởng, nhất là nhân tố lao động vốn rất dồi dào ở nước ta giai đoạn hiện nay. Sự tham gia của nhân tố lao động vào quá trình tăng trưởng có ý nghĩa và hiệu quả đối với phân phối thu nhập nhất là trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hoá. Do đó, mô hình tăng trưởng đòi hỏi phải lựa chọn công nghệ phù hợp để thu hút sự tham gia của lực lượng lao động ngày càng tăng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nước ta là nước có qui mô dân số và lực lượng lao động lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Do vậy, áp lực về tăng trưởng lực lượng lao động và việc làm hàng năm ngày càng lớn trong khi khả năng tạo ra việc làm mới trong nền kinh tế rất hạn hẹp. Trong kế hoạch phát triển 5 năm 2001-2005, mục tiêu đề ra là phải tạo ra 1,5 triệu việc làm mới mỗi năm nhưng chúng ta mới chỉ tạo ra được khoảng 60% kế hoạch nói trên trong hai năm 2001 và 2002. Trong khi đó, mỗi năm nước ta có khoảng trên 1 triệu người tham gia vào lực lượng lao động mới. Bên cạnh sự gia tăng của số người đến tuổi lao động thì quá trình
103
công nghiệp hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã làm cho một bộ phận lớn lao động trong nông nghiệp, trong khu vực kinh tế nhà nước dôi dư. Như vậy, nhu cầu việc làm ngày càng tăng và nền kinh tế chưa đáp ứng nổi trong khi tỉ lệ lao động thất nghiệp và bán thất nghiệp vẫn rất cao. Năm 2002, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 6,0%, trong khi đó, tỉ lệ lao động không có đủ việc làm ở nông thôn lên đến 26% (có nghĩa tỉ lệ thời gian làm việc chỉ ở mức 74%) [11, tr.127]. Hơn nữa, tỷ phần công nhân được đào tạo trong tổng lực lượng lao động còn ở mức rất thấp. Theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp cao và hệ số sử dụng thời gian lao động thực tế ở nông thôn thấp là đại bộ phận lao động ở nước ta chưa qua đào tạo nghề nên khó tìm được việc làm. Trong số những người đã qua đào tạo, tỉ trọng ở các cấp trình độ đã thấp lại mất cân đối về cơ cấu. Vì vậy, tình trạng khan hiếm công nhân kỹ thuật có tay nghề cao là rất phổ biến và kéo dài gây khó khăn cho người lao động và cho các doanh nghiệp. Để có thể thu hút được toàn bộ số lao động dư thừa đó, những chính sách phát triển cần dựa vào các hướng chính như sau:
- Có chiến lược phát triển và đầu tư mở rộng qui mô đào tạo nghề. Chú trọng định hướng đào tạo ngay từ thời kỳ trung học phổ thông. Đây là điểm yếu trong hệ thống giáo dục ở nước ta, dẫn đến việc học sinh chỉ biết con đường duy nhất sau khi tốt nghiệp phổ thông là phải vào đại học, làm cho tình trạng mất cân đối về lao động thêm trầm trọng. Đặc biệt, quá trình đào tạo nghề phải sát với yêu cầu của thị trường lao động, của các doanh nghiệp. - Cải cách để thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Nếu cần, có chế độ ưu đãi và khuyến khích hợp lý đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Về ngành nghề, chúng ta đã và đang phát triển các ngành công nghiệp điện, điện tử, dệt, may mặc, chế biến nông, lâm,
104
thuỷ sản, cần mở rộng hơn nữa các ngành lắp ráp, gia công sửa chữa và dịch vụ. Đây sẽ là những khu vực và ngành nghề thu hút lực lượng lao động vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất và nâng cao thu nhập. Quá trình phát triển của các nước ASEAN trong những năm 70 cho thấy hiệu quả rõ rệt từ chính sách phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động đối với sự gia tăng việc làm và thu nhập. Trên thực tế, phải đến thập kỷ 90, một số nước mới đạt mức toàn dụng nhân công.
- Có chính sách khuyến khích đầu tư trong nước nhất là phát triển các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ bằng các chính sách hỗ trợ về vốn, thị trường, kỹ thuật, đào tạo, tư vấn và những vấn đề liên quan đến thể chế. Trong bối cảnh hiện nay, khu vực tư nhân, các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ sẽ là kênh thu hút lực lượng lao động quan trọng nhất, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập.
Trên đây là các hướng chính nhằm tạo ra các cơ hội việc làm trong nền kinh tế, nhưng để cho mọi tầng lớp dân cư có thể tiếp cận với các cơ hội đó lại đòi hỏi chính phủ phải có chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hợp lý, sát với yêu cầu của thị trường lao động. Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên cơ sở toàn dụng nhân công sẽ là điều kiện để nâng cao phúc lợi cho mọi tầng lớp dân cư và giảm bất bình đẳng trong phân phối thu nhập.
Mặt khác, mô hình tăng trưởng cũng quyết định sự tham gia của các khu vực vào quá trình tăng trưởng, nhất là khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Thực tế phát triển của ASEAN 5 (trừ Xingapo) cho thấy, mô hình phân phối thu nhập bình đẳng hay bất công có liên quan trực tiếp đến việc huy động và sử dụng khu vực nông nghiệp và nông thôn vào quá trình tăng trưởng. Quá trình công nghiệp hoá với sự tham gia có hiệu quả của khu vực nông nghiệp và cư dân nông thôn là điều kiện đảm bảo cho việc hạn chế bất bình đẳng ở cấp quốc gia nói chung, giữa thành thị và nông thôn nói riêng. Để có thể huy
105
động khu vực nông nghiệp và nông thôn vào quá trình tăng trưởng, những chính sách phát triển cần tập trung vào một số hướng chủ yếu sau:
- Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả khu vực nông nghiệp.
- Thực hiện đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao với sự hỗ trợ và khuyến khích của nhà nước về đất đai, tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin thị trường, nhất là thị trường ngoài nước.
- Thúc đẩy việc làm phi nông nghiệp thông qua đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá nông thôn, phát triển các ngành chế biến các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp tại chỗ, phát triển các SMI bằng các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Các cấp chính quyền tỉnh và huyện sẽ là nhân tố chủ yếu để chuyển những cải cách ở cấp quốc gia thành việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi ở địa phương mình.