Đặc điểm phát triển văn hoá xã hội

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia giai đoạn 2000 - 2010 và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 42)

Đặc điểm văn hoá - xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động đầu tư nước ngoài. Nó bao gồm các yếu tố chủ yếu về ngôn ngữ, tôn giáo, giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc, phong tục tập quán, thị hiếu thẩm mỹ và giáo dục. Các yếu tố này có thể là những cản trở, kìm hãm hoặc khuyến khích các

hoạt động đầu tư nước ngoài. Một trong những khó khăn nhất cho các nhà đầu tư khi kinh doanh ở nước ngoài là sự bất đồng về ngôn ngữ. Sự khác biệt về ngôn ngữ không chỉ làm phát sinh thêm chi phí (phải học ngoại ngữ hoặc thuê phiên dịch…) mà còn có thể gây ra những hiểu nhầm nhau trong kinh doanh và khó khăn trong sinh hoạt của các nhà đầu tư. Bởi vậy, nếu ngôn ngữ của nước chủ nhà được nhiều nước sử dụng (các tiếng Anh, Trung Quốc, Pháp ...) hoặc gần với các ngôn ngữ này thì rất thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tôn giáo là một thành tố quan trọng của nền văn hoá, nó phản ánh tín ngưỡng của con người vào một đấng siêu nhiên. Tín ngưỡng có tác động mạnh mẽ đến các quan niệm sống của con người về các giá trị cá nhân và xã hội, qua đó ảnh hưởng đến thái độ đối với các nhà kinh doanh, tập quán tiêu dùng và thuần phong mỹ tục. Mỗi tôn giáo có những cái nhìn khác nhau về giá trị đạo đức cá nhân và xã hội. Đặc điểm khác nhau này đã tạo ra những rào cản trong giao lưu giữa các nền văn hoá.

Giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc của nước chủ nhà cũng ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu một xã hội không phân biệt đối xử, coi trọng lòng tin, thương yêu đùm bọc lẫn nhau thì sẽ giảm được tình trạng bạo loạn và tệ nạn xã hội. Hơn nữa, tính tự trọng dân tộc cao nhưng không có thái độ bài ngoại thì sẽ có thái độ thân thiện bạn bè với các nhà đầu tư nước ngoài.

Phong tục tập quán ở nước chủ nhà có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư không muốn đầu tư vào một nơi mà ở đó có quá nhiều tập tục khác lạ như ăn kiêng, nhiều lễ hội, tôn giáo và các cấm đoán trong giao tiếp với người nước ngoài. Trái lại, nếu nước chủ nhà có nhiều phong tục tập quán gần với các nhà đầu tư thì không chỉ thuận lợi cho họ trong công việc kinh doanh mà còn giúp họ dễ hòa nhập với cuộc sống của nước sở tại.

Mỗi nền văn hoá có đặc trưng riêng về thị hiếu thẩm mỹ. Nó có cách nhìn riêng về cái đẹp trong màu sắc, hình khối, âm nhạc… Các đặc điểm này ảnh hưởng đến thiết kế nhãn hiệu, quảng cáo và kiểu dáng của sản phẩm.

Trình độ phát triển giáo dục - đào tạo đóng vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài. Trình độ giáo dục và cơ cấu đào tạo hợp lý sẽ là cơ sở quan trọng để cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài đội ngũ lao động có tay nghề cao, thích ứng với tác phong lao động có kỷ luật. Nhờ đó, giảm được chi phí đào tạo nhân lực và đáp ứng yêu cầu sản xuất của họ.

Tóm lại, qua phân tích kinh nghiệm thu hút FDI, chúng ta thấy rằng: không phải quốc gia nào cũng thành công một cách trọn vẹn khi thu hút FDI. Hiện nay, thế giới đang đánh giá cao vai trò của FDI, nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng FDI hoàn toàn không phải là “chìa khoá vạn năng” cho sự phát triển. Tham khảo một cách có chọn lọc những kinh nghiệm thu hút FDI của quốc gia đại diện khu vực Đông Nam Á (như Malaysia) sẽ là yêu cầu cần thiết, bổ ích cho công tác thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn FDI.

Các nước đang phát triển cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của nguồn vốn FDI để có những đường lối, chính sách hợp lý trong việc tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, khai thác và phát huy tốt những lợi thế mang tính cạnh tranh cao nhằm thu hút ngày càng mạnh và có hiệu quả nguồn vốn FDI, đáp ứng yêu cầu bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới, kỹ năng quản lý, mở rộng thị trường và tăng năng lực xuất khẩu ... Đó cũng chính là quá trình chủ động và tích cực hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Bên cạnh đó cũng cần nhận thức đầy đủ hơn về bản chất FDI, thấy được những mặt trái, những tác động tiêu cực của FDI để có những biện pháp phòng ngừa, khắc phục nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do quá trình hoạt động FDI gây ra.

Chương 2: THỰC TRẠNG THU HÚT FDI VÀO MALAYSIA GIAI ĐOẠN 2000 - 2010

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia giai đoạn 2000 - 2010 và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 42)