Malaysia rất quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao trình độ người lao động và sự linh hoạt của thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của quá trình hội nhập. Malaysia có những chính sách đầu tư và liên kết đào tạo nhằm đưa Malaysia trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao trên thế giới, tạo ra đội ngũ nhân lực có trình độ, thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Mục tiêu ấy cũng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thu hút FDI.
Malaysia thực hiện cải tổ và mở rộng hệ thống giáo dục và dạy nghề. Trong kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia (National Economic Recovery Plan - NERP), Malaysia đầu tư 13,5 tỷ RM để đào tạo nguồn nhân lực (năm 1999), trong đó dành cho giáo dục tiểu học và trung học 8 tỷ RM; hỗ trợ sinh viên và xây dựng các trung tâm đại học 2,85 tỷ RM; còn lại 1,145 tỷ RM dành cho Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển doanh nghiệp, Bộ Phát triển nhân lực và Bộ Thanh niên Thể thao để hỗ trợ đào tạo phát triển kỹ năng và một số hoạt động khác tại 76 trường dạy nghề và kỹ thuật, 16 viện đào tạo và phát triển kỹ năng, 159 trung tâm đào tạo. So với các nước Inđônêxia, Philippin, tỷ lệ người lao động được đào tạo, chương trình đào tạo người lao động ở Malaysia có quy mô lớn hơn.
Malaysia khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chương trình "Người cung cấp toàn cầu" để mở rộng sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI và mở ra mạng lưới thương mại quốc tế. Theo chương trình này, Malaysia trợ cấp 50% chi phí đào tạo kỹ năng lãnh đạo, tay nghề và công nghệ sản xuất cho các công ty địa phương, nhằm tạo ra đội ngũ lao động có khả năng thích ứng nhanh những yêu cầu mà các công ty nước ngoài đặt ra. Sự ra đời của Trung tâm Phát triển kỹ năng Penang (PSDC - Penang Skills Development Centre) là mô hình hợp tác giữa Chính phủ, các học viện và các doanh nghiệp. Đến năm 2000, PSDC đã có 113 công ty thành viên, trong đó có nhiều công ty thuộc TNCs lớn trên thế giới như Motorola, Intel ... tham gia. Nhiệm vụ chính của PSDC là cung cấp các chương trình đào tạo lực lượng lao động; thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các trường đại học trong và ngoài nước; hỗ trợ các sáng kiến về phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ sở hữu trí tuệ của PSDC về tính cạnh tranh và kinh nghiệm; hỗ trợ quá trình đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Malaysia thường xuyên cung cấp kinh phí hỗ trợ PSDC như cấp thêm 500 triệu RM để tạo nguồn vay cho sinh viên đào tạo nghề và kỹ thuật; thành lập
quỹ 100 triệu RM để đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng về kế toán, công nghệ thông tin ... Malaysia khuyến khích các công ty tự đào tạo nâng cao trình độ cho công nhân, cán bộ quản lý thông qua việc cho phép nhân hệ số 2 khoản mục chi phí đào tạo trong giá thành sản phẩm.
Để đào tạo đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, quản lý kinh tế, chuyên gia kỹ thuật trình độ cao, bên cạnh các trường đại học công lập, Malaysia cho phép thành lập các trường đại học tư nhân, trong đó có 5 trường đại học quốc tế từ năm 1998 như Đại học Monash (Sunway Campus), Đại học Công nghệ Curtin (Sarawak Campus), Đại học Swinburne Chi nhánh Sarawak, Đại học Nottingham Chi nhánh Malaysia và Đại học FTMS - De Monfort Chi nhánh Malaysia tại Kuala Lumpur. Hầu hết các trường đại học trong nước có liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài, đặc biệt với Hoa Kỳ, Anh và Úc. Sự liên kết này đã tạo điều kiện thuận lợi để con em người nước ngoài đang cư trú tại Malaysia tham gia học tập. Malaysia có chính sách hỗ trợ kinh phí cho sinh viên đi du học ở nước ngoài. Mỗi năm, Malaysia có vài chục ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học từ các trường của Mỹ, Anh, Úc, New Zealand... Năm 1997, Malaysia thành lập Quỹ phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ với mục đích hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, trong đó chú trọng mời các chuyên gia nước ngoài đến Malaysia làm việc hoặc tạo cơ hội cho người Malaysia tham gia nghiên cứu, đào tạo ở nước ngoài.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, Malaysia tích cực cải thiện chất lượng cuộc sống để thu hút người lao động từ nước ngoài. Thực hiện nới lỏng các điều kiện tuyển dụng để các doanh nghiệp FDI chủ động thuê lao động từ bên ngoài, nhất là lao động kỹ thuật cao mà địa phương không đáp ứng được. Điều chỉnh một số chính sách về lao động theo hướng hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn cho phép các doanh nghiệp do khủng hoảng kinh tế để sa thải công nhân, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm
cho số lao động bị thải hồi trong thời gian từ 1998 đến 2002 khoảng 200.000 lao động. Malaysia tăng cường thực hiện chương trình thu nhận các nhà khoa học, chuyên gia người nước ngoài và người Malaysia ở nước ngoài về nước, trong đó có một số ưu đãi như: Giảm thuế thu nhập đối với kiều hối nhận được trong vòng 2 năm kể từ ngày về nước; giảm thuế nhập khẩu cho tất cả đồ dùng cá nhân mang về nước, kể cả 2 xe ô tô cho mỗi gia đình; phê chuẩn chế độ cư trú thường xuyên cho vợ/chồng, con trong vòng 6 tháng sau khi về nước ...