Khi tiến hành công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế hai nước Malaysia và Việt Nam đều ở điểm xuất phát thấp. Malaysia và Việt Nam đều trải qua thời kỳ thuộc địa và phụ thuộc kéo dài, nền kinh tế nghèo và kém phát triển, lao động thủ công là chủ yếu, năng suất lao động thấp, kết cấu hạ tầng lạc hậu, là nơi cung cấp nguyên vật liệu, nhân công rẻ và là thị trường tiêu thụ hàng hóa công nghiệp của các nước phương Tây.
Đối với Malaysia: Năm 1955, cơ cấu GDP được phân theo tỷ lệ ngành nông nghiệp chiếm tới 40,2%; dịch vụ 42,3%; khai khoáng và quặng chiếm 6,3%; xây dựng chiếm 3%; công nghiệp chỉ chiếm 8,2%. Tỷ lệ tăng GDP trong thời kỳ 1956 - 1960 là 4,1%; tiêu dùng chiếm 89,2%; đầu tư chỉ có 12,6%. Kể từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1957, nền kinh tế Malaysia đã thu được một số thành quả nhất định, nhưng vẫn chưa có sự chuyển đổi mạnh mẽ, sản phẩm công nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tình trạng nghèo đói còn phổ biến, GNP bình quân đầu người năm 1968 là 370 USD, đến năm 1970 cũng chỉ đạt 390 USD. Trong nông nghiệp có tới 70% hộ gia đình thuộc diện nghèo đói. Năm 1970, nông nghiệp vẫn chiếm 32%, công nghiệp 24,7% và dịch vụ là 43,3%.
Ở Việt Nam, sau khi thống nhất đất nước, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở miền Bắc được áp dụng trên phạm vi cả nước. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế, nhưng nền kinh tế giai đoạn 1976 - 1980 vẫn gặp nhiều khó khăn và mâu thuẫn gay gắt, tăng trưởng chậm, thậm chí giảm sút. Từ 1981, bước đầu đã có sự đổi mới về cơ chế quản lý với
Chỉ thị 100/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp; Quyết định số 25/CP của Chính phủ về những biện pháp mở rộng quyền tự chủ trong kinh doanh đối với xí nghiệp quốc doanh. Nhờ đó, từ 1981 - 1985, nền kinh tế tăng trưởng khá hơn, GDP tăng bình quân 6,4%/năm. Trong cơ cấu GNP, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tới 48,08%; ngành công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 28,88% và ngành dịch vụ là 33,05%. Quy mô công nghiệp nhỏ bé, lao động chủ yếu là thủ công, năng suất thấp, giá trị tổng sản lượng công nghiệp bình quân tăng 5,2%/năm, chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước ...
Trước tình hình đó, đại hội VI của Đảng (12/1986) được đánh dấu là một mốc lịch sử quan trọng trên con đường đổi mới toàn diện và sâu sắc nền kinh tế đất nước với chủ trương "Khuyến khích nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới nhiều hình thức, nhất là đối với các ngành và cơ sở đòi hỏi kỹ thuật cao, làm hàng xuất khẩu. Đi đôi với việc công bố Luật Đầu tư, ban hành các chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và Việt kiều vào Việt Nam để hợp tác kinh doanh". [6, tr.89]
Để phát triển kinh tế đất nước và thực hiện CNH từ nền kinh tế ở trình độ công nghệ thấp kém, chủ yếu dựa vào công nghệ sử dụng nhiều lao động, cả hai nước Việt Nam và Malaysia đều thấy được vai trò quan trọng của nguồn vốn FDI và có chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội đất nước, phù hợp với những chuyển biến trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời hai nước đều chú trọng đến việc tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế.
Malaysia và Việt Nam đều có lợi thế về nguồn lực tài nguyên, nhân lực. Cả hai nước đều thuộc khu vực Đông Nam Á, một khu vực được đánh giá là năng động và có mức tăng trưởng kinh tế cao, có tiềm năng hấp dẫn thu hút FDI. Hai nước đều là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á với
những quy định chung về tự do thương mại và đầu tư. Cuộc cánh mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới ngày nay phát triển nhanh tạo cơ hội cho hai nước có môi trường quốc tế thuận lợi trong phát triển kinh tế.
Điều kiện địa lý, tài nguyên có nhiều điểm giống nhau. Malaysia giầu tài nguyên, khoáng sản, trong đó có nhiều khoáng sản quý hiếm (trữ lượng thiếc ước tính 1,5 triệu tấn, cung cấp khoảng 33% sản lượng thế giới), nên có cơ hội thu hút FDI vào các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến... Tương tự Malaysia, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú là điều kiện phát triển công nghiệp khai thác, chế biến (nhất là chế biến nông sản, thủy sản). Hai nước đều có ưu thế trong phát triển kinh tế biển, giao thông đường biển tạo sức hấp dẫn thu hút FDI. Cả hai nước đều có lực lượng lao động dồi dào với những tố chất cần cù, chịu khó, năng động, giá nhân công tương đối rẻ so với nhiều nước trong khu vực.
Malaysia phát triển muộn hơn 4 con rồng Châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore) nên có những lợi thế nhất định từ việc học tập kinh nghiệm của những nước đi trước, nhiều biện pháp cải cách được áp dụng có hiệu quả. Đối với Việt Nam, việc thực hiện mở cửa, hội nhập Kinh tế quốc tế có những thuận lợi trong việc tiếp thu những kinh nghiệm của các nước tiên tiến để đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, thực hiện phương châm “đi tắt, đón đầu”.
Malaysia và Việt Nam đều chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng cho thu hút FDI. Cơ sở hạ tầng của hai nước được quan tâm đầu tư, nâng cấp và không ngừng mở rộng. Đây là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư có thể nhanh chóng quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư cũng như triển khai các dự án đầu tư.
Malaysia không ngừng đầu tư phát triển hệ thống đường bộ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngay từ năm 1986, Malaysia đã khởi công xây dựng đường cao tốc chạy xuyên đất nước từ biên giới với Thái Lan tới biên giới với
Singapore. Năm 1998, Malaysia đã có cả một hệ thống đường cao tốc nối liền các vùng trong nước, tạo thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa. Malaysia cũng rất quan tâm phát triển đường sắt, không ngừng hiện đại hóa với việc xây dựng đường sắt hai chiều, đường ray điện từ. Phát triển đường hàng không, bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng sân bay, mở rộng các tuyến bay, Malaysia có dịch vụ chuyển tải cảng biển tại sân bay, xây dựng cảng hàng không giá rẻ đầu tiên ở Châu Á. Vận tải biển cũng phát triển mạnh, Malaysia đang xây dựng tập đoàn vận tải container có vị trí hàng đầu thế giới. Việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của Malaysia không chỉ góp phần làm giảm chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển mà còn đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI.
Ở Việt Nam, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới với tốc độ khá nhanh. Cải tạo nâng cấp đường quốc lộ 1A chạy dọc đất nước cùng với mở thêm đường Hồ Chí Minh không những làm tăng lưu lượng giao thông mà còn rút ngắn thời gian lưu thông rất nhiều. Nhiều tuyến đường nối liền các vùng trọng điểm kinh tế, nối với cảng biển như quốc lộ 5, quốc lộ 18 ... đã được mở rộng, nâng cấp. Nhiều công trình giao thông đã và đang được xây dựng góp phần nâng cao năng lực giao thông, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển đường bộ.
Malaysia và Việt Nam đều rất quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, điện, nước, xây dựng các khu công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội. Qua đó tạo nên những yếu tố môi trường thuận lợi, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hai nước đều chủ trương tăng cường phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại theo xu hướng tự do hóa thương mại và đầu tư. Với quan điểm chủ đạo
trong chính sách đối ngoại là hòa bình, ổn định, vì sự phồn vinh chung của các dân tộc, Malaysia đã mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với hầu hết các nước trên thế giới. Trong đó, chú trọng đến các nước tư bản phát triển nhằm thu hút vốn, công nghệ, đồng thời coi trọng các nước ASEAN, các nước Hồi giáo. Để hòa nhập vào xu thế chung của thời đại toàn cầu hóa, Malaysia bãi bỏ các chính sách bảo hộ, thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư. Năm 1967, Malaysia là một trong những nước sáng lập ASEAN, năm 1989 tham gia sáng lập APEC. Malaysia tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), khu vực đầu tư ASEAN (AIA), tham gia APEC và WTO.
Việt Nam với chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực và chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế thế giới. Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), tham gia diễn đàn hợp tác Á - Âu (năm 1996) và trở thành thành viên của APEC (năm 1998), thành viên chính thức của WTO (11/2006).
Việt Nam và Malaysia đều tăng cường đẩy mạnh liên kết với các nước. Hai nước tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế đa phương, đồng thời mở rộng thu hút nguồn vốn FDI và công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Hơn nữa, để tăng cường khả năng thu hút vốn, công nghệ đầy tiềm năng từ bên ngoài phục vụ CNH, phát triển kinh tế đất nước, hai nước đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, để mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, hai nước đã và đang có nhiều biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài.