Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia giai đoạn 2000 - 2010 và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 61)

Cũng như nhiều nước trong khu vực, thời kỳ trước khủng hoảng tài chính - tiền tệ, Malaysia tập trung nhiều hơn vào việc khai thác các lợi thế truyền thống về tài nguyên, lao động trong thu hút FDI, cộng vào đó là sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp địa phương không chặt chẽ dẫn đến mục tiêu tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại không đạt yêu cầu, không tận dụng được vai trò của công nghệ thông qua việc thu hút FDI. Vì vậy, sau khủng hoảng Malaysia đã có những chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút FDI.

Malaysia thường xuyên cung cấp cho các công ty những thông tin mới, bản quyền công nghiệp; khuyến khích hoạt động R&D; hỗ trợ các công ty đẩy mạnh liên kết với nước ngoài, trong đó chú trọng liên kết với các viện công nghệ của Ấn Độ là quốc gia có tiềm lực về công nghệ thông tin, liên kết với các viện nghiên cứu điện tử và công nghệ Hàn Quốc, viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan ...

Đầu tư cho hoạt động R&D về khoa học và công nghệ được Malaysia hết sức chú trọng. Chẳng hạn, tổng vốn đầu tư cho 3 kế hoạch tài trợ cho các chương trình R&D về phát triển công nghiệp, về chương trình MSC, về thương mại hóa đầu ra của R&D giai đoạn 1997 - 2004 là 3,1 tỷ RM. Trong

kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (2006 - 2010) chi 3,8 tỷ RM cho hoạt động R&D. Malaysia lập “Quỹ đầu tư công nghệ mới" với vốn ban đầu 500 triệu RM nhằm cung cấp các khoản chi phí cho đào tạo trong các dự án của một số lĩnh vực nhất định (bao gồm lương, học phí, vé máy bay khứ hồi, chỗ ở và chi phí sinh hoạt cho những người hướng dẫn cũng như những người được đào tạo); cấp kinh phí cho các công ty trong một số lĩnh vực nhất định để thực hiện các hoạt động R&D và xúc tiến nhãn hiệu mới. Malaysia đề ra mục tiêu chi cho hoạt động R&D ít nhất 1,5% GDP vào năm 2010 nhằm nâng cao năng lực R&D của quốc gia, trong đó chú trọng vào công nghệ cao và các hoạt động thiên về kinh tế tri thức. Malaysia hy vọng đến năm 2020 sẽ trở thành nước đóng góp, chứ không chỉ là nước chỉ biết tiêu dùng tri thức và công nghệ của thế giới.

Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, Malaysia chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đến 1999, trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật công nghệ, Malaysia có tới 10 viện đào tạo, 49 trường dạy nghề, 29 trường kỹ thuật, 07 trường bách khoa và nhiều trung tâm [57, tr.36]. Ngoài việc tăng cường đầu tư vào các trường đại học, Malaysia tạo điều kiện cho các trường liên kết đào tạo với các trường danh tiếng trên thế giới với mục tiêu không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo ra sự liên kết trong công tác nghiên cứu với các cơ sở sản xuất trong các ngành công nghiệp.

Nhằm khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Malaysia, đặc biệt là thông qua hình thức FDI, Malaysia có chính sách định hướng các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, tham gia vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hoặc các hoạt động quan trọng của quốc gia, tham gia vào chương trình kết nối công nghiệp... Malaysia áp dụng ưu đãi cao về thuế thu nhập doanh nghiệp như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

trong thời hạn 5 năm, giảm 60% thuế đối với chi phí vốn; thực hiện chính sách khuyến khích đối với khu vực R&D... Đồng thời thực hiện chính sách tự do hóa chuyển giao công nghệ bằng cách cho phép thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ ký kết giữa các công ty trong nước, kể cả 100% vốn nước ngoài với bất kỳ một đối tác nước ngoài hoặc công ty ở nước ngoài... Theo Báo cáo về khả năng cạnh tranh toàn cầu (2002), chỉ số chuyển giao công nghệ của Malaysia và NICs (Newly Industrialized Countres - Các nước công nghiệp mới) thì Singapore có chỉ số cao nhất (1,95), tiếp theo là Malaysia (1,08), Đài Loan (0,9) và Hàn Quốc (0,82). Chỉ số này trên thực tế liên quan trực tiếp đến các luồng FDI vào mỗi nước.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia giai đoạn 2000 - 2010 và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 61)