Kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế rõ ràng, cụ thể

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia giai đoạn 2000 - 2010 và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 114)

Mặc dù chủ trương đa dạng hóa các lĩnh vực, hình thức và đối tác đầu tư đã được khẳng định, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Dòng FDI vào các ngành kinh tế, các vùng, địa phương bị mất cân đối nên hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao. Nguồn FDI có sự tham gia của nhiều nước nhưng một số nước có tiềm lực mạnh như Mỹ, Châu Âu ... đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng, mức độ đầu tư ra bên ngoài của các nước đó. Việc thu hút các TNCs còn hạn chế, chủ yếu đầu tư qua chi nhánh ở nước thứ ba nên công nghệ nguồn tiếp nhận được ít... Trong điều kiện cạnh tranh thu hút FDI gay gắt hiện nay, Việt Nam cần có kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế rõ ràng, cụ thể với chủ trương đa dạng hóa kết hợp có trọng điểm trong vấn đề lựa chọn lĩnh vực và đối tác đầu tư. Đối với những ngành, lĩnh vực hạn chế về năng lực cạnh tranh thì cần có biện pháp khắc phục để từng bước mở cửa theo lộ trình phù hợp với xu thế chung và cam kết của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Khuyến khích thu hút FDI vào những ngành, những dự án lớn để sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng công nghệ cao, vật liệu mới, điện tử, các ngành Việt Nam có lợi thế so sánh, có vai trò phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu và HĐH nền kinh tế. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thu hút FDI vào các vùng khó khăn tạo sự cân đối và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Những vùng đô thị lớn, trọng điểm kinh tế cần thu hút những dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng công nghệ cao để tranh thủ nâng cấp trình độ công nghệ, tránh tụt hậu so với thế giới. Đối với những vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, trước mắt thu hút các dự án có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ chưa cao nhưng tuyển dụng nhiều lao động để giải quyết công ăn việc làm. Đây cũng là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn, giảm dần xu hướng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết về nhà ở, an ninh xã hội.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia giai đoạn 2000 - 2010 và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 114)