Thứ nhất, FDI là một trong những nguồn vốn quan trọng để bù đắp sụ thiếu hụt vốn và ngoại tệ trong nước.
Hầu hết các nước kém phát triển đều rơi vào cái vòng luẩn quẩn đó là: thu nhập thấp dẫn đến tiết kiệm thấp, vì vậy đầu tư thấp và hậu quả lại là thu nhập thấp. Vòng luẩn quẩn này chính là điểm nút khó khăn nhất mà các nước kém phát triển phải vượt qua để hội nhập vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế hiện đại. Nhiều nước lâm vào tình trạng trì trệ của sự nghèo đói bởi lẽ không có sự lựa chọn và tạo ra được điểm đột phá chính xác trong vòng luẩn quẩn này. Trở ngại lớn nhất để thực hiện được điều đó của các nước kém phát triển chính là vốn và kỹ thuật. Vốn là cơ sở để tạo ra công ăn việc làm trong nước và đổi mới kỹ thuật, tăng năng suất lao động… từ đó tạo tiền đề tăng thu nhập, tăng tích luỹ cho nền kinh tế. Tuy nhiên để tạo vốn cho nền kinh tế nếu chỉ trông chờ vào tích lũy nội bộ thì hậu quả khó tránh khỏi là sự tụt hậu trong sự phát triển chung của toàn thế giới. Do vậy vốn nước ngoài sẽ là một “cú huých” để đột phá cái “vòng luẩn quẩn” này. Trong đó FDI là một nguồn quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu vốn mà ít gây nợ nần.
Theo lý thuyết “Hai lỗ hổng” của Cherery và Strout (1966) thì có hai
cản trở chính cho sự tăng trưởng của một quốc gia: Một là, tiết kiệm không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, được gọi là “lỗ hổng tiết kiệm”; Hai là, thu nhập
của hoạt động xuất khẩu không đủ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu gọi là "lỗ hổng thương mại". Ở các nước kém phát triển, hai lỗ hổng trên thường rất lớn. Vì thế FDI là một nguồn vốn quan trọng để bổ sung sự thiếu hụt về ngoại tệ do FDI góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng khả năng xuất khẩu của các nước tiếp nhận đầu tư.
Nguồn vốn FDI được đầu tư vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế, không chỉ bằng tiền mà phần lớn dưới dạng tài sản cố định, thời gian đầu tư dài nên đây là nguồn vốn khá ổn định. Tiếp nhận vốn thông qua FDI, nước nhận đầu tư còn tránh được khoản nợ nước ngoài.
Thứ hai, FDI mang lại công nghệ và trình độ kỹ thuật cao, trình độ quản lý tiên tiến cho nước tiếp nhận vốn đầu tư.
Có thể nói công nghệ là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng và sự phát triển của mọi quốc gia, đối với các nước đang phát triển thì vai trò này càng được khẳng định rõ. Do vậy, tăng cường khả năng công nghệ luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển hàng đầu. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi không chỉ cần nhiều vốn mà còn phải có một trình độ phát triển nhất định của khoa học - kỹ thuật.
Khoa học công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng ở hầu hết các nước đang phát triển trình độ kỹ thuật công nghệ nhìn chung còn thấp, chủ yếu là công nghệ cổ truyền, lạc hậu, năng suất thấp. Trong khi đó, khả năng tự nghiên cứu là rất khó khăn nên rất cần tiếp nhận công nghệ từ bên ngoài thông qua các kênh nhập khẩu công nghệ, viện trợ và trao đổi khoa học. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,
Singapore trước đây đã thực hiện việc mua bằng phát minh, sáng chế từ nước ngoài, điều này giúp các nước chủ động tạo lập được công nghệ, ít phụ thuộc vào nước ngoài nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể làm được vì nó đòi hỏi phải có một lượng vốn lớn. Vì vậy, hầu hết các nước đang phát triển phải tìm đến con đường tiếp nhận công nghệ thông qua các dự án FDI để phục vụ quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Để đạt hiệu quả kinh tế cao thì bên cạnh việc bỏ vốn đầu tư, các TNCs thường sử dụng những công nghệ hiện đại như: công nghệ thiết kế và xây dựng, kỹ thuật kiểm tra chất lượng, công nghệ quản lý, công nghệ marketing, kể cả độc quyền về phát minh, sáng chế, mẫu mã sản phẩm, bí quyết kinh doanh. Điều này tạo cơ hội cho các nước đang phát triển không chỉ tiếp nhận được công nghệ đơn thuần mà còn nắm vững cả các kỹ năng, nguyên lý vận hành, sửa chữa ... góp phần rút ngắn khoảng cách về công nghệ so với các nước phát triển.
Hoạt động FDI còn có vai trò thúc ép các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ để cạnh tranh, tồn tại và phát triển, nó cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ở trong nước tiếp thu công nghệ từ doanh nghiệp FDI thông qua các hoạt động liên doanh, hợp tác, phổ biến công nghệ, di chuyển lao động giữa các doanh nghiệp
FDI được coi là nguồn vốn quan trọng để phát triển khả năng công nghệ của nước chủ nhà. Vai trò này được thể hiện qua hai khía cạnh chính là chuyển giao công nghệ sẵn có từ bên ngoài vào và sự phát triển khả năng công nghệ của các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng tại nước chủ nhà. Đây chính là mục tiêu quan trọng mà nước chủ nhà mong đợi từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chuyển giao công nghệ thông qua con đường FDI thường được thực hiện chủ yếu bởi các TNCs, dưới các hình thức chuyển giao trong nội bộ giữa các chi
nhánh của một TNCs và chuyển giao giữa các chi nhánh của các TNCs. Phần lớn công nghệ được chuyển giao giữa các chi nhánh của các TNCs sang nước chủ nhà (nhất là các nước đang phát triển) thông qua các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh mà bên nước ngoài nắm phần lớn cổ phần dưới các hạng mục chủ yếu như tiến bộ công nghệ, công nghệ thiết kế và xây dựng, kỹ thuật kiểm tra chất lượng, công nghệ quản lý ...
Xét về lâu dài thì việc phát triển công nghệ, trình độ kỹ thuật cao và trình độ quản lý tiên tiến là một lợi ích căn bản nhất cho nước tiếp nhận đầu tư. FDI thúc đẩy sự đổi mới về công nghệ ở các nước tiếp nhận đầu tư như góp phần tăng năng suất của các yếu tố sản xuất, thay đổi cấu thành sản phẩm và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển các ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành đòi hỏi hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao. Như vậy FDI có tác dụng lớn đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng và phát triển nhanh ở các nuớc tiếp nhận đầu tư.
Thực tiễn đã cho thấy các nước thành công trong thu hút và sử dụng FDI đã cải thiện đáng kể trình độ kỹ thuật công nghệ của mình. Chẳng hạn như Hàn Quốc đầu những năm 1960, trình độ sản xuất và lắp ráp xe hơi còn kém, nhưng nhờ tiếp cận với công nghệ tiên tiến của Mỹ, Nhật Bản… nên đến nay Hàn Quốc đã là một trong các nước dẫn đầu về sản xuất ô tô trên thế giới.
Hơn thế nữa FDI còn đem lại kinh nghiệm quản lý, kỹ năng kinh doanh và trình độ kỹ thuật cao cho các đối tác trong nước tiếp nhận đầu tư thông qua những chương trình đào tạo và quá trình vừa học vừa làm. FDI mang lại cho họ những kiến thức sản xuất phức tạp trong khi tiếp nhận công nghệ của các nước đầu tư, thúc đẩy các nước nhận đầu tư phải cố gắng đào tạo kỹ sư, những nhà quản lý có chuyên môn, trình độ để tham gia vào các công ty liên doanh với nước ngoài.
Thứ ba, FDI giúp phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm.
Phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của nhà đầu tư nước ngoài là thu được lợi nhuận tối đa, củng cố vị trí và duy trì thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do đó, họ đặc biệt quan tâm đến việc tận dụng nguồn lao động rẻ ở các nước tiếp nhận đầu tư. Ở các nước đang phát triển, số lao động trực tiếp làm việc trong các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Lao động làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ bản thân khi tiếp xúc với công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến. FDI là nhân tố quan trọng tác động đến quá trình quản lý và đào tạo nhân lực đối với các nước đang phát triển. Đội ngũ lao đông trong khu vực FDI được đào tạo tay nghề, được trang bị kiến thức mới về khoa học, quy trình công nghệ, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, kiến thức thi trường, khả năng tư duy sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật. Một lực lượng không nhỏ được trang bị cả kiến thức quản lý, điều hành doanh nghiệp với quy mô lớn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế. Bản thân người lao động cũng tích cực học tập nâng cao trình độ để trở thành lao động có chất lượng cao. Trong xu thế phát triển khoa học công nghệ và nền kinh tế trí thức ngày nay, các nhà đầu tư nước ngoài vừa chuyển hướng đầu tư vào những ngành, lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng vốn, công nghệ cao vừa không ngừng đổi mới công nghệ nên các doanh nghiệp FDI luôn phải đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động.
Chất lượng lao động có ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. FDI tác động đến vấn đề lao động của nước tiếp nhận đầu tư cả về số lượng là chất lượng, đó là giải quyết việc làm cho người lao động và và nâng cao năng lực, kỹ năng lao động thông qua việc đào tạo trực tiếp hoặc gián tiếp nâng cao trình độ lao động. Trực tiếp đào tạo là do các công ty hoặc doanh nghiệp có vốn FDI phải tuyển dụng lao động địa phương;
để lao động địa phương có thể sử dụng thành thạo những công nghệ tiên tiến đã được chuyển giao, phương thức đào tạo có thể là: trực tiếp thông qua các khóa học do các chuyên gia của công ty giảng dạy hoặc kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước tiếp nhận đầu tư. Gián tiếp nâng cao trình độ lao động của nước tiếp nhận đầu tư đó là các các nước đầu tư FDI sẽ xem xét đầu tư vào nước có chất lượng lao động cao để không mất nhiều thời gian và chi phí đào tạo. Do vây, để thu hút đầu tư nước ngoài thì các nước tiếp nhận đầu tư phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực có hiệu quả để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
FDI ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội tạo công ăn việc làm thông qua việc thu hút lao động vào các hãng có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức trong nước khác khi các nhà đầu tư nước ngoài mua hàng hóa và dịch vụ từ các nhà sản xuất trong nước, hoặc thuê họ thông qua những hợp đồng gia công chế biến. Thực tiễn cho thấy ở một số nước FDI đã góp phần tích cực tạo ra công ăn việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, dệt, điện tử, chế biến … Ngoài ra, đầu tư nước ngoài còn có vai trò đối với việc tăng cường sức khỏe và dinh dưỡng cho người dân nước chủ nhà thông qua các dự án đầu tư vào ngành y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên sự đóng góp của FDI vào việc tạo công ăn việc làm còn phụ thuộc rất nhiều vào nước tiếp nhận đầu tư như về phong tục tập quán, văn hoá, chính sách, khả năng kỹ thuật …
Thứ tư, FDI thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hầu hết các nước đang đang phát triển khi bước vào công nghiệp hóa đều có nền kinh tế lạc hậu, nông nghiệp là chủ yếu. Trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa, thời kỳ đầu thu hút FDI chủ yếu tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động như công nghiệp chế biến, công nghiệp may mặc ... đồng
thời thu hút FDI cũng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao. Những năm gần đây, khu vực công nghiệp và dịch vụ có xu hướng thu hút FDI nhanh và nhiều hơn khu vực nông nghiệp.
FDI có vai trò thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với ngành công nghiệp và dịch vụ, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, làm tăng nhanh tỷ trọng sản lượng công nghiệp, dịch vụ, hơn nữa còn tạo ra những sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao. Các nước đang phát triển còn có những chính sách khuyến khích thu hút FDI vào những ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế theo mục tiêu phát triển cân đối giữa các ngành, vùng kinh tế, đồng thời đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo cơ hội cho những vùng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế.
Để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một đòi hỏi của nội tại bản thân nền kinh tế. Mặt khác, hiện nay xu hướng toàn cầu hoá đời sống kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng là một đòi hỏi tất yếu để phù hợp với thời đại.
FDI là một bộ phận quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại, thông qua đó các quốc gia sẽ tham gia ngày càng nhiều vào quá trình phân công lao động quốc tế. Để hội nhập vào nền kinh tế thế giới và tham gia tích cực vào quá trình liên minh liên kết kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thay đổi cơ cấu kinh tế trong nước cho phù hợp với sự phân công lao động quốc tế. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mỗi quốc gia phù hợp với trình độ phát triển chung thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động FDI. Đến lượt nó, FDI lại góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế bởi vì FDI giúp hình thành nhiều lĩnh vực ngành nghề mới, nâng cao trình độ kỹ thuật, tăng năng suất lao động …
Thứ năm, thông qua FDI các nước tiếp nhận đầu tư có thể tiếp cận với thị trường thế giới.
Các nước đang phát triển tuy có khả năng sản xuất với mức chi phí có thể cạnh tranh được nhưng vẫn rất khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Thông qua FDI họ có thể tiếp cận được với thị trường thế giới, và hầu hết các hoạt động FDI đều do các công ty đa quốc gia thực hiện. Các công ty đa quốc gia có lợi thế trong việc tiếp cận với khách hàng bằng những hợp đồng dài hạn dựa trên cơ sở uy tín của họ về chất lượng và kiểu dáng sản phẩm … vốn có.
Như vậy rõ ràng là qua sự phân tích ở trên ta thấy việc tiếp nhận vốn FDI mang lại những lợi thế cho nước tiếp nhận đầu tư trong quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng vốn nước ngoài dù quan trọng đến đâu cũng không thể đóng vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia, bởi vì xét về lâu dài để xem xét nền kinh tế của một quốc gia có hùng mạnh hay không thì cần phải xem xét bản thân nội lực của
nền kinh tế quốc gia đó.