Giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia giai đoạn 2000 - 2010 và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 115)

Cải cách thủ tục hành chính luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO. Ngày 10-01-2007 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010. Ngày 04-01- 2008, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010, nêu rõ những nội dung nhiệm vụ cần làm để thực hiện cải cách thủ tục hành chính đến năm 2010. Như vậy có thể thấy, để cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản điều chỉnh nhiều lĩnh vực có liên quan, tạo cơ sở pháp lý và những điều kiện cần thiết để thực hiện.

Để thực hiện đúng các cam kết khi gia nhập WTO, đồng thời đáp ứng các yêu cầu thu hút FDI trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách về thủ tục hành chính:

Một là, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong công tác quản lý nhà nước. Cần

phải chuyển mạnh hơn nữa tư duy quản lý sang tư duy phục vụ tránh việc các cơ quan quản lý, cán bộ, công chức tùy tiện đặt ra các yêu cầu đối với cá nhân, doanh nghiệp trong quan hệ với Nhà nước; cải cách về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ, ngành, mỗi cấp hành chính, tránh sự chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền, giảm bớt đầu mối quản lý đối với một việc, qua đó giảm bớt các thủ tục không cần thiết; rà soát, loại bỏ các thủ tục bất hợp lý, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính được ban hành phải dễ hiểu, dễ thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Đề án đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ về thời gian.

Hai là, công bố công khai các thủ tục (các biểu mẫu, các loại giấy tờ)

và quy trình giải quyết công việc, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định giúp cho việc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả; hoàn thiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước và mở rộng sang áp dụng tại các đơn vị sự nghiệp công như bệnh viện, trường học ... Trong quá trình hoàn thiện cơ chế “một cửa liên thông” cần xem xét để giảm bớt đầu mối, bỏ cấp trung gian, hình thành các cơ quan quản lý có tính chất tổng hợp liên ngành, bảo đảm cơ sở vững chắc để thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” thực sự hiệu quả.

Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của các cơ

quan nhà nước, nhằm bảo đảm thông tin về những thủ tục hành chính đến tổ chức, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, rõ ràng, công khai, đồng thời tạo cơ sở tiến tới mở rộng việc thực hiện cung cấp các thủ tục hành chính qua mạng điện tử. Trước mắt, khẩn trương đẩy nhanh việc mở rộng và hoàn thiện quy trình thông quan điện tử tại các cục hải quan điện tử, việc kê khai thuế tại các cục thuế và trong một số lĩnh vực có nhiều tiếp xúc với người dân; thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-Ttg của Thủ tướng về áp dụng tiêu chuẩn ISO 900:2000 trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho các thủ tục và đơn vị trực tiếp có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân.

Bốn là, nâng cao trình độ toàn diện của đội ngũ cán bộ, công chức

nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định mới về phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài. Nâng cao thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết công. Đồng thời có chế độ thỏa đáng cho những người chịu trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính để khuyến khích họ giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, không gây phiền hà; xử lý nghiêm những công chức, cơ quan hành chính các cấp tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, trái thẩm quyền, gây khó khăn, phiền nhiễu cho người dân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc cải cách thủ tục hành chính và quản lý, giáo dục cán bộ, công chức cung cấp dịch vụ hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân; có những hình thức thích hợp để tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với tổ chức, doanh nghiệp và người dân qua đó có thể lắng nghe, tiếp thu những đánh giá, phản ánh về các thủ tục hành chính liên quan đến họ, cũng như tinh thần thái độ phục vụ của cơ quan hành chính, của cán bộ, công chức để có những biện pháp, giải pháp khắc phục.

Năm là, tăng cường năng lực quản lý đầu tư nước ngoài của các cơ

quan chức năng và cơ chế phối hợp, giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư; giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai, thuế, xuất nhập khẩu, hải quan, ... nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia giai đoạn 2000 - 2010 và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 115)