Ngay sau khi giành được độc lập, Malaysia đã kế thừa những nhân tố cho sự phát triển kinh tế của thời kỳ thuộc địa do người Anh để lại, đó là những thành quả và mẫu hình kinh tế tư nhân. Nhà nước Malaysia được xây dựng theo chế độ dân chủ dựa trên thể chế chính trị đa nguyên. Hệ tư tưởng
chính thống của Malaysia là bản tuyên ngôn “Rukunegara” công bố năm 1970 với quan điểm đạt được các mục tiêu: đạt được sự thống nhất hơn nữa trong nhân dân; duy trì một lối sống dân chủ; tạo lập xã hội công bằng mà trong đó của cải của đất nước được phân phối công bằng; bảo đảm khả năng tồn tại tự do của các truyền thống văn hóa giầu có và đa dạng của đất nước; xây dựng một xã hội tiến bộ, định hướng khoa học và công nghệ. Để đạt được các mục tiêu đó, Rukunegara đề ra các nguyên tắc: Tin vào Thánh; trung thành với Quốc vương và đất nước; tôn trọng hiến pháp; pháp quyền và hành vi đạo đức tốt. Với nền tảng kinh tế và chính sách tự do kinh tế được kế thừa từ trước cùng với tư duy chính trị và thể chế nhà nước, nền kinh tế Malaysia chủ yếu dựa trên hình thức sở hữu tư nhân. Malaysia phát triển nền kinh tế thị trường tự do với việc tự do hóa tiền tệ, giá cả, hối đoái rất sớm. Nhà nước chỉ can thiệp gián tiếp vào các hoạt động nền kinh tế. Kinh tế nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời nhà nước chú trọng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Malaysia. Chính vì thế, Malaysia đã khai thác và phát huy được nguồn lực đa dạng cả trong và ngoài nước cho phát triển, hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế diễn ra đa dạng và hiệu quả hơn.
Đối với Việt Nam, sau ngày giành độc lập dân tộc, bước vào thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, quan điểm độc lập, tự chủ về kinh tế; quan điểm ai thắng ai giữa hai con đường tư bản chủ nghĩa và XHCN đã chi phối và ảnh hưởng rất rõ đến thể chế chính trị và kinh tế của nước ta. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kinh tế tư nhân không được thừa nhận, là đối tượng phải cải tạo. Nhà nước can thiệp sâu, trực tiếp vào các hoạt động kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước. Tình hình này kéo dài đã dẫn đến sự trì trệ trong phát triển và gây khủng hoảng kinh tế - xã hội vào giữa những năm 1980. Thực tế cho thấy, do xuất phát điểm của nền kinh tế ở trình độ thấp nên
ngoài sự phát huy nội lực, thì cần phải tranh thủ tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại. Điều này chỉ có thể thực hiện được gắn với quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước, đưa nền kinh tế nước ta chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời chủ trương tăng cường hội nhập theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại.
Thời điểm hội nhập kinh tế quốc tế của Malaysia khá sớm. Ngay sau khi giành được độc lập năm 1957, Malaysia đã theo đuổi chính sách kinh tế thị trường tự do, tức là nền kinh tế mở. Nhà nước khuyến khích và tạo bầu không khí đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh có lợi cho đất nước. Trong bối cảnh tư bản tư nhân trong nước còn yếu thì khuyến khích tự do kinh doanh được hướng mạnh vào các nhà tư bản nước ngoài. Như vậy, Malaysia đã thực hiện mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và chú trọng thu hút FDI ngay từ khi giành được độc lập. Thực tế thời điểm đó, Malaysia đã ban hành chính sách công nghiệp hóa trên cơ sở huy động các nguồn đầu tư tư nhân trong nước và nguồn vốn FDI, đồng thời mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của Malaysia cũng được điều chỉnh từng giai đoạn xuất phát từ nhu cầu phục vụ chiến lược phát triển đất nước cũng như tình hình môi trường quốc tế. Với chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, ngoài việc duy trì quan hệ kinh tế với các nước truyền thống, Malaysia mở rộng quan hệ sang các nước Nam Á, Tây Á, Trung Quốc và Đông Âu. Có thể nói, Malaysia không ngừng củng cố và mở rộng quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới. Năm 1990,
Malaysia đề ra việc lập "Nhóm các nước kinh tế Đông Á" bao gồm các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và 3 nước Đông Dương. Đồng thời, Malaysia rất chú trọng đến các nước có nhiều tiềm lực giúp cho hoạt động thu hút đầu tư vào Malaysia cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước.
Đối với Việt Nam, gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế năm 1978 đánh dấu bước đi đầu tiên trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế cũng chỉ bó hẹp trong các nước XHCN, các nước khối SEV, hoạt động viện trợ, trả nợ vay là chủ yếu và phần lớn dành cho việc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Hơn nữa, trong hoàn cảnh đất nước bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị nên quan hệ kinh tế với các nước ngoài khối XHCN rất hạn chế. Tháng 09/1977 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hiệp quốc đã tạo tiền đề để hội nhập mạnh mẽ hơn. Tháng 12/1986 Đại hội lần VI của Đảng chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước với chủ trương "tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học - kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi" [6, tr 85]. Năm 1987, ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tạo điều kiện thu hút FDI vào Việt Nam. Năm 1994, Mỹ xóa bỏ cấm vận và sau đó tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, lần lượt Việt Nam gia nhập ASEAN (1995), APEC (1998) và WTO (11/2006). Như vậy, thời điểm mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút FDI phục vụ sự nghiệp CNH của Việt Nam thực hiện chậm hơn Malaysia. Hơn nữa, Việt Nam tiến hành CNH trong điều kiện khoa học công nghệ thế giới phát triển mạnh mẽ và trở thành động lực của CNH, vì thế CNH của Việt Nam gắn liền với hiện đại hóa.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng tự do hóa đầu tư của Malaysia diễn ra sớm hơn so với Việt Nam. Do đặc điểm cơ cấu thành phần kinh tế, hoàn cảnh chính trị trong nước và quốc tế nên mức độ hội nhập kinh tế quốc tế và hình thức thu hút FDI của Malaysia có nhiều điểm khác với Việt Nam. Đối với Malaysia, hội nhập KTQT, chủ động thu hút FDI trong điều kiện nền kinh tế tư nhân phát triển. Mục đích mở cửa nền kinh tế là để mở rộng hơn việc hợp tác kỹ thuật và giao lưu kinh tế với bên ngoài, mở rộng thị trường, thu hút vốn, công nghệ thông qua hoạt động FDI. Vì thế, tuy mức độ hội nhập KTQT và thu hút FDI có điều chỉnh theo yêu cầu từng giai đoạn công nghiệp hóa nhưng hầu như các ngành, lĩnh vực kinh tế đều được khuyến khích thu hút FDI. Kết quả là, nguồn vốn FDI chảy vào Malaysia ngày càng tăng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dân cư, thúc đẩy hoạt động thương mại, ... Malaysia được đánh giá có nền kinh tế phát triển theo hướng mở cửa tích cực nhất trong các nước đang phát triển. [44, tr.192]
Đối với Việt Nam, thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế để thu hút FDI trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, thành phần kinh tế quốc doanh (sở hữu nhà nước) đóng vai trò chủ đạo và chiếm tỷ trọng lớn. Việt Nam chủ trương thu hút vốn bên ngoài là quan trọng, vốn trong nước đóng vai trò quyết định, sự nghiệp CNH là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân quyết định. Ngoài ra, nhiều lý do về lịch sử, văn hóa, tập quán dẫn đến sự nhận thức cũng như ban hành và thực thi các chính sách thu hút FDI còn có hạn chế, Việt Nam thực hiện hội nhập KTQT cũng như thực hiện tự do hóa đầu tư từng bước thận trọng. Tuy nhiên, đến nay các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động FDI đã thông thoáng, cởi mở hơn, nên đã và đang tạo làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam với nhiều điểm sáng trong tương lai.
Về những cơ hội và thách thức mới từ những thay đổi của tình hình thế giới. Malaysia bắt đầu thực hiện CNH trong bối cảnh thế giới hình thành hai hệ thống kinh tế đối lập đó là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện chiến lược bá chủ của mình, Mỹ tăng cường đầu tư dưới nhiều hình thức ra nước ngoài, nhất là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Malaysia. Do vậy, Malaysia có rất nhiều thuận lợi để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh và các đối tác truyền thống.
Việt Nam khi bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, thu hút FDI trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão, xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết quốc tế và những xu thế tích cực khác trên thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát huy các lợi thế so sánh, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh tiến trình phát triển.
Điều kiện trong nước hiện nay của Việt Nam đang có nhiều lợi thế mới: Có vị trí địa lý chính trị quan trọng trong khu vực và thế giới, môi trường chính trị được đánh giá ổn định nhất trong khu vực, dân số đông và lực lượng lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được đầu tư phát triển nhanh, sau nhiều năm thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, khi chuyển sang kinh tế thị trường nhu cầu về vốn, công nghệ trở lên cấp thiết ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế ... Những điều đó tạo ra sức hút vốn lớn, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế so với Malaysia về môi trường đầu tư, như: Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư còn chưa đồng bộ, thiếu minh bạch, hay thay đổi; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; chi phí cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu ...