I. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNGBÁN LẺ VIỆT NAM
1.2 Phân tích thị trườngbán lẻ Việt Nam dựa vào các yếu tố ảnh hưởng đến sự
sự lựa chọn phương thức thâm nhập
Như đã nêu ra trong phần lý thuyết ở chương 1, các doanh nghiệp muốn lựa chọn được phương thức thâm nhập phù hợp phải xem xét các yếu tố về nước lựa chọn, thị trường mục tiêu và các yếu tố của chính doanh nghiệp mình. Do đó để có thể hiểu rõ hơn lý do các công ty khi thâm nhập vào Việt Nam lại lựa chọn các phương thức thâm nhập dưới đây ta sẽ phân tích các yếu tố của Việt Nam và của thị trường bán lẻ Việt Nam.
1.2.1.Các yếu tố chuyên biệt của Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những quy định khá thông thoáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài
Cho đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định điểu chỉnh lĩnh vực dịch vụ phân phối bán lẻ trong các bộ luật khác nhau bao gồm: Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Nghị định 23/2007/NĐ- CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Quyết định 10/2007/QĐ-BTM công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa và một số các thông tư, hướng dẫn thi hành Nghị định khác. Nội dung liên quan đến dịch vụ phân phối bán lẻ trong các bộ luật này đều được xây dựng dựa trên các cam kết của Việt Nam trong WTO. Cũng như các nghành dịch vụ khác, các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ phân phối thể hiện mức độ mở cửa thị trường và mức độ đối
xử quốc gia mà Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đối với hoạt động kinh doanh phân phối tại Việt Nam. Theo WTO thì dịch vụ phân phối bao gồm 4 phân ngành là: dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ và dịch vụ nhượng quyền thương mại. Đối với dịch vụ bán lẻ có liên quan đến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài Việt Nam đã đưa ra những cam kết như sau :
Việt Nam cam kết cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam dưới các hình thức sau:
- Từ khi gia nhập đến trước ngày 01/01/2008 các doanh nghiệp nước ngoài phải thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam và tỉ lệ góp vốn của phía nước ngoài không được vượt quá 49% .
- Kể từ ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/01/2009 các doanh nghiệp nước ngoài phải thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam và không bị hạn chế về tỉ lệ vốn góp của phía nước ngoài.
- Kể từ ngày 01/01/2009 các doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập cơ sở bán lẻ 100% vốn nước ngoài.
Cần phải lưu ý là liên doanh không bị hạn chế về tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài được hiểu là phía nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ vốn góp nhưng tỷ lệ đó không được lên đến 100%. Điều đó có nghĩa là liên doanh không bị hạn chế về tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không đồng nghĩa với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Việt Nam có quyền kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) để cho phép hay từ chối yêu cầu lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi của các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài. Kiểm tra nhu cầu kinh tế có thể hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào một số tiêu chí về tình hình thực tế trong nước để xem xét về việc cấp giấy phép cho cho doanh nghiệp nước ngoài. Hiện có 90 thành viên của WTO đã sử dụng hình thức này và có 253 tiêu chí tuy nhiên không có một tiêu chí nào được xem là chuẩn mực. Ở Việt Nam, Bộ Thương mại đã ban hành Thông tư 09 hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh
vực phân phối. Thế nhưng, thông tư này cũng không đưa ra hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế, ngoại trừ 2 tiêu chí chỉ có định tính, mà thiếu định lượng, đó là “mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở bán lẻ” và “sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của tỉnh, thành phố”.
Nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài được phép phân phối các sản phẩm theo lộ trình thời gian sau đây:
- Từ ngày 11/1/2007: được quyền phân phối tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, ngoại trừ: xi măng và clinke; lốp (trừ lốp máy bay); giấy; máy kéo; phương tiện cơ giới; ô tô con và xe máy; sắt thép; thiết bị nghe nhìn; rượu và phân bón.
- Từ ngày 1/1/2009: Bổ sung thêm quyền phân phối thông qua dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn và bán lẻ đối với các sản phẩm máy kéo, phương tiện cơ giới, ô tô con và xe máy;
- Từ ngày 11/1/2010: Không có bất kỳ hạn chế nào về sản phẩm được phép phân phối (miễn là các sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam hoặc được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam). Cho phép bán hàng qua mạng vào Việt Nam.
Có thể nói rằng phía Việt Nam đã đặt ra một hành lang pháp lý khá thông thoáng đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam với việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ ngày 01/01/2009 cho phép thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và từ ngày 01/01/2010 đã không còn bất kỳ hạn chế nào về sản phẩm được phép phân phối bán lẻ ở Việt Nam. Đây là những điểm tạo ra sức hút cho thị trường bán lẻ Việt Nam tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế nhằm giới hạn việc mở điểm bán lẻ thứ hai cũng đã tạo ra một hàng rào bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước và là một hạn chế đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Độ rủi ro quốc gia của Việt Nam ở mức trung bình
Rủi ro quốc gia ảnh hưởng đến mọi hoạt động khác nhau của một quốc gia, đặc biệt, rủi ro quốc gia tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư, tạo nên sự ổn định
hay tính bất ổn cho môi trường đầu tư của một quốc gia. Vấn đề rủi ro quốc gia của Việt Nam từ trước đến nay chỉ được nhìn nhận theo quan điểm của các cơ quan xếp hạng nước ngoài chứ chưa được chính các cơ quan, chính phủ Việt Nam quan tâm đánh giá và có chiến lược cụ thể để kiểm soát và tiến tới hạ thấp rủi ro quốc gia của Việt Nam. Trong lĩnh vực phân phối bán lẻ thì những kết quả do tập đoàn tư vấn A.T.Kearney của Mỹ đưa ra được các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài coi là có độ tin cậy cao và thường xuyên được dùng để đánh giá sự phát triển cũng như mức độ tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Từ 2001, tập đoàn tư vấn A.T.Kearney đưa ra bảng xếp hạng 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới dựa trên tính toán “chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu” (Global Retail Development Index viết tắt là GDRI) . Chỉ số GDRI được xây dựng trên thang điểm 100 trong đó thị trường nào có điểm số càng cao có nghĩa là có độ hấp dẫn và triển vọng phát triển của thị trường đó càng lớn. Trong đó, các tiêu chí hình thành GDRI được chia làm bốn nhóm lớn, đều có trọng số là 25% và đều được đánh giá theo thang điểm 100 bao gồm:
- Độ rủi ro quốc gia và độ rủi ro kinh doanh, trong đó 0 điểm là mức độ rủi ro cao nhất và 100 điểm là mức độ rủi ro thấp nhất.
- Độ hấp dẫn thị trường, trong đó 0 điểm là mức độ hấp dẫn thấp nhất và 100 điểm là mức độ hấp dẫn cao nhất.
- Độ bão hòa thị trường, trong đó 0 điểm là bão hòa và 100 điểm là không bão hòa.
- Áp lực thời gian gia nhập, trong đó 0 điểm là không có áp lực thời gian gia nhập và 100 điểm là cần khẩn trương gia nhập.
Theo đánh giá của A.T.Kearney thì trong vòng 5 năm 2004- 2008 thì tiêu chí độ rủi ro quốc gia tăng chậm từ 52 điểm lên 57 điểm. Tuy nhiên đến năm 2009 đã chạm “đáy” chỉ còn 34 điểm giảm 40,35% so với năm 2008 và đến năm 2010 lại tăng lên 49,4 điểm. Dựa vào kết quả này có thể thấy rằng mức độ rủi ro quốc gia của Việt Nam chỉ được đánh giá ở mức trung bình thậm chí năm 2009 có thể xem
là môi trường kinh doanh ở Việt Nam là khá bất ổn và mức độ rủi ro khá cao. Các nhà phân tích cũng đã đưa ra một số lý giải cho những đánh giá này của A.T.Kearney. Theo phương pháp đánh giá của A.T.Kearney thì tiêu chí này bao gồm hai hợp phần là rủi ro quốc gia (chiếm 80%) và rủi ro kinh doanh (chiếm 20%). Thực tế thì môi trường chính trị của Việt Nam được xem là khá ổn định , người dân tin tưởng vào khả năng cầm quyền của Nhà nước Việt Nam ở mức độ cao nên yếu tố chính trị không phải là yếu tố gây ra sự mất điểm và có nhiều bất ổn.
Biểu đồ 2: Độ rủi ro quốc gia
49 52 54 43 57 57 34 49.4 0 10 20 30 40 50 60 70 80 90 100 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 Việt Nam Trung Quốc Ấn Độ
(Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu từ 2003- 2010)
Tuy nhiên khi nhìn vào yếu tố kinh tế thì một loạt các yếu tố kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán… cho thấy việc đánh giá như vậy là hoàn toàn có cơ sở. Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao tuy nhiên các chỉ số lạm phát cũng ở mức cao và cán cân thanh toán lại thường xuyên thâm hụt điển hình là trong 2 năm là 2008 và 2009. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống 6,2% tuy nhiên mức độ lạm phát lại rất cao (22,97%), cán cân thanh toán thâm hụt đến 11,8%. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế lại giảm xuống còn 5,3%, mặc dù kiềm chế lạm phát thành công ( dưới mức 12% - 14% theo dự báo) tuy nhiên thâm hụt cán cân ngân sách nhà nước lại lên đến mức kỷ lục 6,9% GDP, cán cân thanh toán tiếp tục thâm hụt 5,1%.
Những năm gần đây Việt Nam thường xuyên nằm ở top 10 nước ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng của tập đoàn tư vấn A.T.Kearney, đặc biệt năm 2008 Việt Nam là nước giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng đó. Tuy nhiên,so sánh với hai đại gia bán lẻ thường xuyên có mặt trong 5 nước đầu tiên ở bảng xếp hạng của tập đoàn tư vấn A.T.Kearney là Trung Quốc và Ấn Độ thì mức rủi ro quốc gia của Việt Nam chỉ cao hơn vào năm 2009 do hai nước này chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua cho thấy so với các nước đạt thứ hạng cao thì mức độ rủi ro quốc gia của Việt Nam thuộc loại cao và thuộc loại trung bình theo cách tính của A.T.Kearney. Với mức độ rủi ro quốc gia như hiện nay thì khi thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam các tập đoàn nước ngoài nên cân nhắc các phương thức có thể giảm bớt được những rủi ro tại thị trường mục tiêu như cấp giấy phép, nhượng quyền thương mại hay liên doanh với một đối tác địa phương.