Tăng quy mô nguồn vốn và khả năng thu hút vốn

Một phần của tài liệu chiến lược thâm nhập của các tập đoàn nước ngoài vào thị trường bán lẻ việt nam. cơ hội và thách thứ (Trang 82)

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP KIẾN NGHỊ

2.2.1 Tăng quy mô nguồn vốn và khả năng thu hút vốn

Đây là vấn đề thực sự đáng lo ngại của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh có xu hướng tăng lên mạnh mẽ hiện nay. Số lượng nhà bán lẻ có quy mô vốn nhỏ thì rất nhiều trong khi số có quy mô vốn lớn thì quá ít. Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần chú trọng các vấn đề sau:

Tăng quy mô nguồn vốn

Rất khó có thể để tăng quy mô vốn một cách nhanh chóng nếu tự thân mỗi doanh nghiệp vận động lấy do đó các doanh nghiệp trong nước cần phải liên kết các doanh nghiệp nhỏ tạo thành các doanh nghiệp lớn. Thực tế thì ở Việt Nam đã xuất hiện hai liên kết lớn đó là Hiệp hội bán lẻ Việt Nam (AVR) và Công ty Đầu tư và Phát triển Hệ thống Phân phối Việt Nam(VDA) . Hiệp hội bán lẻ Việt Nam ra đời vào cuối năm 2009, đến nay có hơn 200 thành viên là các doanh nghiệp, các nhà bán lẻ trên toàn quốc. AVR được xem là nhân tố chính liên kết các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lại, cùng phát triển và cạnh tranh lành mạnh để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên toàn quốc. VDA lại ra đời vào giữa năm 2007 và là kết quả hợp tác của 4 đại gia bán lẻ Việt Nam là Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái (Phu Thai Group). VDA hiện nay là doanh nghiệp bán lẻ có số vốn lớn nhất với hơn 600 tỷ đồng và là cánh chim đầu đàn trong giới bán lẻ Việt Nam. Nhưng hiện tại mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa còn lại vẫn còn rất thấp, các doanh nghiệp vẫn “mạnh ai nấy lo” do đó cần nhiều hơn nữa những liên kết như thế ra đời trong thời gian sắp tới.

Tăng khả năng thu hút vốn

Hiện nay có một số kênh mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để huy động vốn như sau:

- Mở rộng hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính, tín dụng. Hiện nay, hoạt động của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp hoạt động. Do

đó, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng là thực sự cần thiết cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp bán lẻ. Có rất nhiều hình thức hợp tác giữa hai đối tượng này chẳng hạn như giới thiệu hình ảnh của ngân hàng, tổ chức tài chính thông qua kênh quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp bán lẻ, hay kết hợp giữa phát hành thẻ ngân hàng với thẻ vip dành cho các khách hàng mua sắm với số lượng lớn và thường xuyên mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn…

- Huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường tài chính nước ta hiện nay đang phát triển rất nhanh chóng với sự phát triển của thị trường chứng khoán từ những năm 2007. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều tiến hành cổ phần hóa, các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài cũng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc phát hành cổ phiếu trở thành một kênh huy động vốn rất hữu hiệu cho các doanh nghiệp nói chung do đó sau khi liên kết lại với nhau để mở rộng quy mô doanh nghiệp thì các doanh nghiệp bán lẻ nên tiến hành niêm yết tài tài sản công ty trên sàn chứng khoán để có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn từ trong nhân dân và các doanh nghiệp khác.

2.2.2 Cải thiện công tác hậu cần và xây dựng chuỗi logistics

Để giải quyết vấn đề này các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện những việc sau:

Tạo mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung ứng và các doanh nghiệp vận tải

Nhà cung cấp là một nhân tố quan trọng trong hệ thống hậu cần do đó các doanh nghiệp cần phải tạo lập mỗi quan hệ chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo nguồn hàng cho doanh nghiệp luôn luôn ổn định và các doanh nghiệp có thể được hưởng một phần chiết khấu nếu tạo được mối quan hệ tốt. Tuy nhiên doanh nghiệp không nên trung thành với một nguồn hàng duy nhất mà phải mua từ nhiều nguồn cung khác nhau, tránh rủi ro thiếu hàng khi gặp trục trặc trong kinh doanh và dễ bị ép giá khi có biến động giá cả thị trường. Khi làm việc với các nhà cung cấp

cần học tập các doanh nghiệp nước ngoài cần có chính sách rõ ràng quy định các điều kiện thay đổi giá cả, các nhà cung cấp không được tự ý tăng giá hàng nhằm giữ sự ổn định giá cả trên thị trường.

Các doanh nghiệp vận tải đóng vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Do đó, các nhà bán lẻ cần lựa chọn các hãng vận tải có uy tín, hệ thống phương tiện vận tải mạnh,có trách nhiệm, đảm bảo thời gian cung ứng hàng hóa đến địa điểm bán lẻ cũng như giao hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Nâng cao chất lượng thu mua và quản lý hàng hóa

Các doanh nghiệp nên thành lập một trung tâm mua hàng chung, có chức năng mua hàng hóa và cung cấp cho các thành viên. Giải pháp này cho phép mua với số lượng lớn trực tiếp từ nhà sản xuất, không phải mua qua trung gian vừa nhanh chóng lại vừa hạ được giá thành sản phẩm do được hưởng chiết khấu từ nhà sản xuất. Bên cạnh đó, học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài, để việc thu mua hàng hóa đảm bảo chất lượng thì các doanh nghiệp nên đưa ra những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng đối với từng loại hàng. Như vậy, các nhà sản xuất và cung ứng có thể hiểu rõ yêu cầu của doanh nghiệp mà việc thu mua cũng không mất nhiều thời gian tìm kiếm và đàm phán.

Bộ phận mua hàng và bán hàng cũng là những bộ phận cần chú trọng để nâng cao tính chuyên nghiệp. Bộ phận mua hàng phải luôn nắm bắt được những nhu cầu thị hiếu thay đổi thường xuyên của người tiêu dùng và phải có kỹ năng đàm phán, thương thảo với các nhà sản xuất, nhà cung ứng về giá cả, chất lượng, mẫu mã, quy cách bao bì sản phẩm. Bộ phận bán hàng cần chú ý quan sát, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để trở thành một người tư vấn tốt cũng như định hướng được xu hướng tiêu dùng cho khách hàng. Bộ phận này cần chú ý xây dựng các chương trình quảng bá hình ảnh sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu của kênh phân phối

Các doanh nghiệp nên học tập xây dựng hoặc liên kết xây dựng mô hình trung tâm logistics như của Saigon Co.op với một chuỗi hoàn chỉnh từ việc đặt hàng của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đến tập trung dự trữ, phân loại, chỉnh lý, bao gói, cho đến khâu vận chuyển hàng đến các địa điểm bán lẻ nhiều khi là giao hàng cho người mua. Việc xây dựng chuỗi logistics sẽ nâng cao được hiệu quả của hệ thống hậu cần và tạo ra tính chuyên nghiệp trong công tác phân phối hàng hóa cho các doanh nghiệp trong nước do đó đây là vấn đề các nhà bán lẻ cần chú ý để thực hiện nhanh chóng.

2.2.3Khắc phục tính thiếu chuyên nghiệp

Sự thiếu chuyên nghiệp là nhược điểm tồn tại từ rất lâu của hệ thống bán lẻ Việt Nam, có ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động của hệ thống phân phối. Do đó các doanh nên khắc phục yếu điểm này theo hướng sau:

Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hơn, chú trọng hoạt động nghiên cứu thị trường

Việc xây dựng chiến lược dài hơn sẽ làm cơ sở cho việc xác định các kế hoạch dự trữ và mua hàng từ các nhà cung ứng, có những dự trù về tài chính cho phù hợp và đưa ra các chiến lược marketing nhằm xúc tiến bán hàng và phát triển thương hiệu.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu thị trường về nhu cầu, tâm lý, hành vi người tiêu dùng và định vị khách hàng mục tiêu để tìm ra những phân đoạn thị trường trọng điểm, tránh được đầu tư dàn trải gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn. Những mảng thị trường này về cơ bản phải là những thị trường mà nhu cầu lớn, còn bỏ ngỏ hay các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có lợi thế trên thị trường đó.

Cải thiện chất lượng dịch vụ đặc biệt là công tác hậu mãi theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Điểm yếu của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và cũng là điểm mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đó là chất lượng dịch vụ và các giá trị gia tăng đi kèm. Do vậy các doanh nghiệp cần phải tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, các chương trình hậu mãi, nâng cao sự tiện lợi và làm hài lòng khách hàng.

Các doanh nghiệp nên học hỏi kinh nghiệm của các tập đoàn nước ngoài về các dịch vụ hậu mãi như trả hàng, đổi hàng, miễn phí giao hàng, hay miễn phí gói quà. Đề ra những slogan cho hoạt động của cả hệ thống như: “ Hướng đến việc làm cho khách hàng hài lòng với những ý tưởng bán lẻ mới mẻ” của tập đoàn Dairy Farm hay “Làm vui lòng khách hàng bằng giá trị và sự tiện nghi lớn lao” của tập đoàn Coles Myer.

Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng khoa học công nghệ và các phương thức quản lý hiện đại.

Để hoạt động bán lẻ hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn, các doanh nghiệp cần phải đầu tư nâng cấp, bổ sung mới cơ sở vật chất và hệ thống công cụ hỗ trợ việc ra quyết định và hỗ trợ kinh doanh, bán hàng như ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý hiện đại của các tập đoàn nước ngoài, tận dụng cơ hội hợp tác kinh doanh để học hỏi kinh nghiệm trong quản lý cũng như các phương thức kinh doanh mới từ các nước.

KẾT LUẬN

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng hàng đầu trên thế giới và trở thành điểm đến hấp dẫn của tập đoàn bán lẻ trên thế giới.Trước thời điểm Việt Nam mở cửa thị trường đã có khá nhiều các tập đoàn lớn thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng phương thức liên doanh và thành lập các chi nhánh sở hữu toàn bộ. Sự thâm nhập này đã khiến cho thị trường Việt Nam có những sự thay đổi mạnh mẽ đồng thời khiến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước bừng tỉnh trước áp lực cạnh tranh khốc liệt do các tập đoàn nước ngoài mang đến.

Sau 4 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng mở cửa sâu rộng hơn, đầy đủ hơn, hội nhập nhanh hơn vào thị trường khu vực và thế giới theo lộ trình cam kết khi chính

thức gia nhập WTO. Việc mở cửa thị trường đã được Chính phủ thực hiện theo đúng lộ trình cam kết. Từ thời điểm chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho đến nay đã hai năm nhưng các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam không nhiều như dự đoán và chủ yếu bằng phương thức liên doanh và nhượng quyền thương mại. Tuy vây, sự xuất hiện của làn sóng các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, đe dọa đến sự tồn tại của các kênh phân phối truyền thống.

Qua nghiên cứu thị trường bán lẻ Việt Nam và các tập đoàn bán lẻ nước ngoài trong thị trường hiện nay, khóa luận đã làm rõ những vấn đề sau:

- Làm rõ vấn đề lý luận liên quan đến thị trường bán lẻ và các phương thức thâm nhập thị trường thế giới đồng thời chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn phương thức thâm nhập.

- Đánh giá tổng quan về thị trường bán lẻ Việt Nam qua đó phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn phương thức thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam

- Chỉ ra các phương thức thâm nhập của các tập đoàn nước ngoài vào thị trường Việt Nam trước và sau thời điểm WTO, giải thích một vài nguyên nhân cho sự lựa chọn đó, đánh giá sự thâm nhập của các tập đoàn nước ngoài đối với bản thân các tập đoàn nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng Việt Nam

- Đề ra một số giải pháp giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển trước những cơ hội và thách thức khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Với việc chọn đề tài “ Chiến lược thâm nhập của các tập đoàn nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam” khóa luận hy vọng sẽ đem lại cho người đọc cái nhìn tổng quan về thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh mở cửa thị trường cũng như phương thức thâm nhập mà

các tập đoàn nước ngoài đã lựa chọn. Tuy nhiên, do thời gian và năng lực nghiên cứu có hạn nên khóa luận chắc chắn không tránh khỏi những sai sót, em rất mong nhận được sự góp ý chỉ bảo của các thầy cô và bạn đọc. Em xin chân thành cảm ơn Ths.Phạm Thị Mai Khanh đã nhiệt tình hướng dẫn trong suốt quá trình nghiên cứu.

Một phần của tài liệu chiến lược thâm nhập của các tập đoàn nước ngoài vào thị trường bán lẻ việt nam. cơ hội và thách thứ (Trang 82)