6. Cấu trúc luận án
1.3.2. Vấn đề TrươngTửu trong tiến trình văn xuôi hiện đại
Trước Cách mạng Tháng Tám, Trương Tửu viết 13 tác phẩm văn xuôi. Từ
sáng tác đầu tiên Thanh niên S.O.S (1937) đã để lại dấu ấn khiến người đọc phải
băn khoăn, suy nghĩ bởi chất hiện thực của tác phẩm về sự tha hóa của thanh niên. Các nhân vật là những thanh niên ở thành thị có học thức được nhà văn quan sát, miêu tả. Điều này phù hợp với hoàn cảnh của nhà văn, vì ông có cuộc sống ở thành thị nên ông cảm nhận được những đổi thay rõ rệt trong tư tưởng, hành động của thanh niên trong giai đoạn giao thời. Ở tác phẩm này, nhà văn đã chỉ ra mặt trái của đô thị Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX với sự tỉnh táo và khách quan.
Thanh niên trí thức được Trương Tửu xây dựng trong 5/13 tác phẩm, với đủ
hoàn cảnh như từ quê lên thành thị trong Một chiến sĩ (1938), Trái tim nổi loạn
(1940), các trí thức nghèo ở thành thị với gánh nặng cơm, áo như trong Một cổ đôi
ba tròng (1940), Cái tôi của ai (1941). Trong các tác phẩm, nhà văn chú ý miêu tả tâm lý nhân vật và kết thúc tác phẩm thường không có hậu. Ở thời kỳ này, không chỉ có Trương Tửu đề cập đến vấn đề này mà Nam Cao, Vũ Trọng Phụng cũng viết
nhiều về hình ảnh thanh niên trí thức như trong Đời thừa, Giăng sáng của Nam
Cao, Giông tố của Vũ trọng Phụng. Với những tác phẩm này hai nhà văn tiêu biểu
cho khuynh hướng hiện thực đã sử dụng kết cấu mới mẻ và nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật rất điêu luyện để khắc họa nên hình ảnh người trí thức luôn bị giằng xé bởi miếng cơm manh áo, bởi bi kịch trong tình yêu, gia đình và căn nguyên chỉ vì họ là những trí thức trong những năm đầu thế kỷ XX. Như vậy, cùng với Trương Tửu còn có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với thanh niên trí thức: Hãy giữ lấy nhân cách của người trí thức đang bị những những mặt trái của buổi giao thời cám dỗ, bủa vây. Tài năng của nhà văn là ở chỗ nhìn thấy ý nghĩa sâu xa ẩn trong những con người đời thường và chú ý đến những cái vụn vặt của đời sống nghèo hèn như phải lo tiền làm ma cho mẹ, làm ma cho vợ, lo từng bữa cơm trong cái đói cái rét, lo từng đồng, từng hào để trả tiền nhà trọ như
trong Khi chiếc yếm rơi xuống (1939), Khi người ta đói (1940)…Cuộc sống khốn
khổ, đói khát bám lấy thân phận người lao động. Đề tài này gặp nhiều trong tác
phẩm của Nam Cao với Một bữa no, Tư cách mõ…, Ngô Tất Tố với Cái bánh
chưng, Tắt đèn…, Kim Lân với Vợ nhặt, Tìm em …Sự khốn khổ nghèo đói trong tác phẩm của ba nhà văn hiện thực tiêu biểu này khiến người đọc xót xa, thương cảm còn với tác phẩm của Trương Tửu khiến người đọc nghèn nghẹn bởi cơ sự nghèo khổ cùng với uất ức, tủi nhục của nhân vật. Căn nguyên là do nghèo khổ nên
Hậu trong Khi chiếc yếm rơi xuống không có tiền làm ma cho mẹ, mẹ chết nằm đấy
mà bất lực không thể làm được gì và cũng không thể cứu được bản thân khỏi cuộc
đời khốn khổ, tủi nhục đang chờ đợi phía trước. Trong Khi người ta đói, căn nguyên
của nghèo khổ mà Thanh phải chết trong uất ức, Thiện rơi vào vòng lao lý, và người tốt như Mỹ cũng chết thảm thương…Trương Tửu đã làm nổi bật số phận thê thảm của những con người thấp cổ bé họng trong xã hội đương thời. Những trang viết của Trương Tửu thấm đậm chất nhân văn, đồng thời cho thấy Trương Tửu có vị trí trong dòng văn học hiện thực khi xét từ thời điểm sáng tác và những cách tân khá mới mẻ của ông về nội dung và hình thức so với văn xuôi thời kỳ những thập niên hai mươi. Vị trí của nhà văn được khẳng định hơn nữa với những tác phẩm về lịch
sử dã sử như Tráng sĩ Bồ Đề (1942), Năm chàng hiệp sĩ (1942) với dung lượng khá dài và số lượng nhân vật đông đảo, nghệ thuật trần thuật sử dụng nhuần nhuyễn, nội dung xoay quanh vấn đề lịch sử nhưng có sự cách tân tạo nên sức hấp dẫn đối với người đọc. Trương Tửu để lại một số lượng tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn không nhiều nhưng với hơn một nghìn trang cũng đủ cho thấy ông là nhà văn say sưa, tâm huyết. Mặc dù những tác phẩm của ông chưa đạt đến sự suất sắc, chưa đạt đến mức là những tác phẩm điển hình với nhân vật điển hình nhưng ngòi bút của Trương Tửu đã thể hiện tinh thần tranh đấu cao và luận đề trong sáng tác của ông
luôn mang tính xã hội dù ở bất kỳ giai đoạn xã hội nào. Các tác phẩm Tôi nguyền
rủa mãi người cha ấy, Đục nước béo cò của Trương Tửu phản ánh rõ sự phê phán những tư tưởng bảo thủ, hủ tục khiến con người trở thành nạn nhân phải chịu đau khổ về thể xác và tinh thần.
Như vậy, ngoài lý luận phê bình Trương Tửu còn là cây bút văn xuôi có phạm vi nội dung trong tác phẩm khá rộng. Thời gian trôi qua, những tác phẩm của ông cũng chịu chung số phận với người sáng tác, phải chịu sự thăng trầm nhưng hôm nay đã được các nhà nghiên cứu đánh giá khách quan để trả tên tuổi và tác phẩm của ông về đúng vị trí xứng đáng trên văn đàn cũng như trong tiến trình văn học. Những tác phẩm của ông nếu chỉ đọc một lần có thể chưa gây được ấn tượng với người đọc và công chúng, nhưng khi suy ngẫm và trăn trở sẽ không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể của ông vào sự phát triển văn xuôi hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Tiểu kết
Trương Tửu có những đóng góp đáng ghi nhận đối với văn học Việt Nam hiện đại cả về lý luận và thực tiễn sáng tác văn xuôi. Quá trình nghiên cứu về ông được khởi đầu từ trước Cách mạng tháng Tám, khi những tác phẩm đầu tay của nhà văn vừa đến với độc giả. Đặc biệt, những năm gần đây, ý kiến nhận xét, đánh giá và kết luận về sự nghiệp văn chương của Trương Tửu ngày càng khách quan, khoa học; những nhận định trái chiều về một số phương diện cũng dần đi đến thống nhất. Một
số kết quả nghiên cứu đã khẳng định những đóng góp của Trương Tửu đối với nền văn học Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những điểm còn hạn chế trong tác phẩm của ông. Điều đáng lưu ý, trong số những bài viết và những công trình nghiên cứu về văn xuôi Trương Tửu, chưa có công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Từ thực tế đó, chúng tôi thấy rằng việc nghiên cứu đề tài này là việc làm cần thiết trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, góp phần phục dựng và vinh danh chân dung một nhà văn có những đóng góp thiết thực về thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn đối với nền văn học Việt Nam hiện đại.
Chương 2
CƠ SỞ VĂN HOÁ, VĂN HỌC NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VÀ SỰ XUẤT HIỆN TÁC GIẢ TRƯƠNG TỬU