6. Cấu trúc luận án
4.2.3. Kết cấu lồng ghép hai nội dung vấn đề
Trong sáng tác của Trương Tửu, có những tác phẩm ông viết về những
chuyện rất đời thường, những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày nhưng trong đó tác giả lại bộc lộ một nội dung khác có ý nghĩa to lớn đối với con người và xã hội. Vì vậy tác phẩm của nhà văn đã mang kết cấu có hai nội dung. Trong đó một nội dung gắn với đề tài của tác phẩm, một nội dung gắn với tư tưởng của tác giả. Xuyên suốt vào tác phẩm của Trương Tửu, người đọc dễ dàng nhận thấy hai hai nội dung này có sự tương hỗ, bổ sung cho nhau để thể hiện chủ ý của nhà văn.
Xây dựng kiểu kết cấu này, nhân vật trong sáng tác thường bộc lộ những lời
nói, suy nghĩ mang tư tưởng của chính tác giả, nhân vật này có thể là nhân vật chính
hoặc chỉ là một trong số những nhân vật trong tác phẩm. Trong tác phẩm Một chiến
sĩ, nhà văn xác định đối tượng mô tả là những nhân vật trí thức Hiền, Hảo đây chính
là hình ảnh của chính tác giả nên góc độ nhà văn luôn đặt ở hai vị trí đó là đứng ở bên ngoài để quan sát và đứng vào chính nhân vật để tự thuật.
Khi đứng ở bên ngoài quan sát, nhà văn để Hảo thể hiện những suy nghĩ rất
chân thật của một trí thức nhưng những lời anh đã thốt ra lại mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về cuộc sống xã hội:
“Nhà văn muốn tìm cảm hứng và tài liệu để viết thì không còn cái nguồn nào
dồi dào hơn đời sống đâu thương của anh chị em cùng khốn. Ở địa hạc ấy, sự thống khổ mới xác thực vì nó trần truồng không bị những ước lệ giả dối bao phủ như ở giai cấp trưởng giả. Anh thử bước chân vào chợ Đồng Xuân hay chợ Cửa Nam; anh thử vào một xưởng máy, anh thử dừng bước bên túp lều của một nông phu, anh thử dạo quanh các vỉa hè Hà Nội trong một đêm đông...Anh sẽ thấy được cả một cái xã hội lầm than bị đày ải trong nghèo đói. Cái xã hội ấy đông đúc gấp trăm gấp nghìn cái xã hội giàu sang mà anh thường thấy phô bày ra giữa ánh sáng của thị thành. Bao nhiêu người đàn ông khỏe mạnh đem bán sức lao động trong xưởng máy, ngoài đồng, đầu tắt mặt tối mà chỉ để đổi lấy một số lương chết đói. Bao nhiêu người đàn
bà nai lưng buôn bán từ sớm đến chiều, mà vẫn thiếu cơm ăn áo mặc. Bao nhiêu trẻ con vì sinh ở cảnh nghèo nàn mà hóa ra tội lỗi, chết non chết yểu ở đầu hè xó chợ. Bao nhiêu con gái ngây thơ vì đói mà đi làm đĩ. Anh thử nhắm mắt tưởng tượng những tấn kịch thê thảm này đến hàng ngày cho những số kiếp khốn cùng ấy. Thì anh phải nhận với tôi rằng kẻ nào cầm bút mà có thể quên bẵng được gai cấp nghèo khổ ít ra cũng phải là kẻ vô lương tâm, lòng dạ thối nát” [120, tr. 132].
Đến với những suy nghĩ và lời nói của Hiền cũng mang tính triết lý “Đấy cái
xã hội này chín phần mười là sống chật vật như thế hết. Có được mấy nhà giàu. Bao nhiêu người đổ mồ hôi nước mắt mà vẫn không đủ ăn. Những công lao của họ chỉ càng làm giầu thêm cho những người có vốn sẵn... ”[120, tr. 206].
Như vậy, với tư cách là người đứng ngoài quan sát cuộc đối thoại giữa
Hảo và Hiền, Hiền với Như Lan, Trương Tửu đã đưa vào tác phẩm văn xuôi cách xét đoán của người cầm bút nhằm nhấn mạnh về dự đồ sáng tạo ra tác phẩm mang tính tranh đấu. Còn khi nhà văn đứng ở vị trí của nhân vật, ông đặt bản thân vào hoàn cảnh của Hiền để luôn đấu tranh với bản thân để “chọn con đường chiến sĩ”, vượt lên những tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, chấp nhận hy sinh từ bỏ cuộc sống an nhàn đầy đủ.
Trong tác phẩm Một cổ đôi ba tròng, để lý giải việc ông ký Thảo từ chỗ có
gia đình vợ con, công việc nhưng kết thúc là cái chết thương tâm. Trương Tửu đã đưa vào truyện về cuộc sống sinh hoạt của đại gia đình thầy ký Thảo. Đồng thời ông cũng đưa ra lời nhận xét về sự tất yếu dẫn tới cái chết của thầy ký vì “Kẻ nào sống lấy một mình là kẻ hèn nhát. Đời người có giá trị nhất ở chỗ quên thân mình để làm phận sự đem hạnh phúc đến cho người khác, huống hồ người khác ấy lại là cha mẹ, chị em...phải hy sinh đi để phụng sự gia đình: đó mới là hành vi của người có giáo dục và tâm huyết” [120, tr. 374]. Nhà văn đã đứng ở vị trí bên ngoài để quan sát diễn biến trong đời sống sinh hoạt của gia đình thầy ký Thảo. Tất cả gần mười thành viên gồm cha mẹ, vợ con, chị em của thầy ký Thảo đều sinh sống trong cùng một căn nhà và trông vào đồng lương của ông ký. Ở vị trí này nhà văn
nhận thấy cái chết của thầy ký Thảo như kết cục tất yếu logic vì một người bị bệnh lao yếu đau và với đồng lương như thầy ký không thể cáng đáng nuôi nổi đại gia đình là lẽ hiển nhiên. Một triết lý được nêu ra ở đây chính là trong gia đình cần có sự sẻ chia về công việc cũng như về đời sống tinh thần. Mỗi người cần tránh cách sống ích kỉ, dựa dẫm, trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội. Khi nhà văn đặt mình vào vị trí của nhân vật, Ông ký Thảo “phân vân, bối rối không biết giải quyết bài toán cuộc đời ông ra sao. Ông nằm cân nhắc những lý luận để tìm ra một lời giải xác đáng” [120, tr. 373]. Nhà văn như nhập thân mình vào với những trăn trở băn khoăn của nhân vật, trước những mâu thuẫn giằng xé của nhân vật về cách cư xử và quan hệ với mọi người trong đại gia đình.
Có thể nói, không chỉ Trương Tửu vận dụng kết cấu này trong tác phẩm. Đối
với một số nhà văn cùng thời với ông như Nam Cao đã sử dụng kết cấu lồng ghép
trên hai nội dung vấn đề như trong truyện Lão Hạc, truyện Nhỏ nhen, ở những tác
phẩm này Nam Cao đã vận dụng và đem lại cái nhìn sâu sắc đối với người đọc. Như vậy về mặt kết cấu, giữa Nam Cao và Trương Tửu có điểm chung trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, chính điều này cho thấy tên tuổi của Trương Tửu ngày càng được đánh giá khoa học và khách quan.
Khi Trương Tửu sử dụng kết cấu lồng ghép hai nội dung vấn đề đã tạo sức thuyết phục cho tác phẩm của ông. Với kiểu kết cấu này, nhà văn đã tạo nên một nội dung cho tác phẩm đồng thời thể hiện nội dung thứ hai phản ánh đời sống xã hội về tầng lớp trung lưu ở thành thị những năm đầu thế kỷ XX. Điều quan trọng hơn cả nhà văn đã lựa chọn đúng đắn phương thức kết cấu để thể hiện những suy ngẫm về nhân tình thế thái của người viết văn, của một trí thức luôn được tác giả đặt thành vấn đề để hướng tới cuộc đấu tranh cải biến xã hội.