6. Cấu trúc luận án
4.3.3. Tiếng Pháp được TrươngTửu sử dụng trong các tác phẩm
Khảo sát tác phẩm trong cuốn Trương Tửu - Tuyển tập văn xuôi, năm 2009, do
Nguyễn Hữu Sơn, sưu tầm biên soạn:
TT Tên tác phẩm Tổng số trang Số lần xuất hiện
1 Thanh niên S.O.S 93 32
2 Một chiến sĩ 98 39
3 Khi chiếc yếm rơi xuống 21 11
4 Trái tim nổi loạn 104 12
5 Một cổ đôi ba tròng 22 2
6 Tôi nguyền rủa mãi người cha ấy 14 2
7 Khi người ta đói 95 11
8 Đục nước béo cò 25 1
9 Một kiếp đọa đày 33 0
10 Thằng Hóm 167 14
11 Cái tôi của ai 37 14
12 Tráng sĩ Bồ Đề 152 0
13 Năm chàng hiệp sĩ 129 0
Qua bảng khảo sát 13 tác phẩm với tổng 943 trang in trên khổ 16 x 24 cm. Trong đó có 10/13 tác phẩm sử dụng tiếng Pháp. Đây là một nét mới trong sáng tác nghệ thuật của Trương Tửu. Trong10 tác phẩm với 629 trang văn đã xuất hiện 138 từ Pháp.
Qua sự ảnh hưởng văn hóa, văn học phương Tây nói chung và của Pháp nói riêng đã đưa đến cho văn học Việt một tinh thần mới với lớp từ mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Có lẽ sự xuất hiện từ Pháp trong sáng tác là bằng chứng để thấy rằng nhà văn có ảnh hưởng rất lớn của văn hóa, văn học Pháp trong quá trình sáng tác. Hệ thống từ Pháp xuất hiện khá đa dạng trong sáng tác của Trương Tửu, thể hiện những quan điểm hay tư duy của nhà văn.
Hầu hết nhân vật trong văn xuôi Trương Tửu là lớp thanh niên, họ thường là tầng lớp trí thức trẻ, tiếp thu văn hóa phương tây, nhất là văn hóa Pháp. Ngôn từ Pháp trong tác phẩm Trương Tửu góp phần thể hiện con người nhân vật nói riêng đồng thời thể hiện con người trong đời sống xã hội đương thời nói chung. Các nhân vật chào hỏi, giao tiếp thường dùng một số từ ngữ tiếng Pháp
như một thói quen của những người trí thức. Ở tiểu thuyết Thanh niên S.O.S
hay Trái tim nổi loạn,… các thanh niên như Văn, Liêu, Thông đều sử dụng
ngôn từ Pháp, dùng như một trào lưu. Mật độ từ Pháp trong Thanh niên S.O.S,
cứ mỗi trang tiểu thuyết đều xuất hiện ít nhất một đến hai từ Pháp. Hầu hết là những từ xưng hô, chào hỏi (“Bonjour”, “Ô voa”…), những tên nhà văn Pháp như Lamartine, André Gide, Victor marguerite, Musset… tên nhân vật, tên tác phẩm (Nouvelles nuorritures, La Cour de Néron, Nouvelles littéraires, Le Couple,…) hay những từ nói về thú vui, giải trí như (sex- appeal: Vẻ khêu gợi; dancing: Đi nhảy; ciné: Xem phim), hoặc những danh từ, tính từ, động từ được sử dụng khá phổ biến như Carte postale: Bưu thiếp, ảnh bưu thiếp; Insonie: Mất ngủ; chimie: Môn hóa học, bài hóa học; reponse: Lời giải, kết quả, bài làm; tremplin: phương tiện, bàn đạp; Caisse: Quầy bán vé; Caissière: Hàng bán vé; abonner: Thuê, đặt mua; plage: Bờ biển; Pais Magazin: Tạp chí Paris; Mouvenment respiratiore: Động tác hô hấp, hô hấp nhân tạo…).
Những câu nói hoàn toàn bằng tiếng Pháp như -“Oui! C’est un phénomène”: Vâng, một hiện tượng. -“C’ est cà! Dix points!”: Được đấy, mười điểm. - “Bonne nuit”: Chúc ngủ ngon, ngủ ngon nhé.
- “Ah ! Bonjour mon cher Hiền. Asseyer vous. Une cigare s’il vous plait”: Chào ông Hiền thân yêu của tôi. Mời ông ngồi xuống đây. Ông vui lòng dùng một điếu xì gà.
Sự du nhập ngôn ngữ đã thể hiện những tác động của văn hóa Pháp sớm ảnh hưởng đến tầng lớp thanh niên trí thức trong xã hội. Không chỉ trong văn Trương Tửu mà một số nhà văn như Vũ Trọng Phụng cũng sử dụng từ Pháp nhưng không nhiều như trong tác phẩm của Trương Tửu. Khảo sát một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng
trong cuốn Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, (tập I, II), năm 2005, do Nguyễn Đăng
Mạnh, Trần Hữu Tá sưu tầm, tuyển chọn:
TT Tên tác phẩm Tổng số trang Số lần xuất hiện
1 Giông tố 304 20
2 Số đỏ 204 45
3 Trúng số độc đắc 49 4
4 Vỡ đê 219 0
5 Bộ răng vàng 46 0
6 Hồ sê líu hồ líu sê sàng 4 0
7 Người có quyền 5 0
8 Một đồng bạc 8 0
9 Gương… tống tiền 14 0
10 Người tù được tha 48 0
Qua khảo sát 10 tác phẩm tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng có tổng số 682 trang in trên khổ 14,5 x 20,5 cm. Trong đó có 3/10 tác phẩm xuất hiện tiếng Pháp, 3 tác phẩm với tổng số 557 trang có 69 từ tiếng Pháp. Việc sử dụng từ Pháp và một số cụm từ tiếng Pháp trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng có sự tương đồng với nhà văn Trương Tửu.
Trong số 10 tác phẩm trên, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng sử dụng từ Pháp nhiều
hơn cả. Tác phẩm ra đời vào lúc xã hội Việt Nam chạy theo trào lưu Âu hóa, ngôn ngữ sử dụng ở đây cũng được chuyển biến rõ nét, mỗi tình tiết, mỗi nhân vật đều thể hiện sự tha hóa của con người trước xã hội du nhập văn hóa phương Tây tràn vào. Đồng tiền lên ngôi, con người chạy theo vị thế muốn trở thành dân Tây chuyên
nghiệp, các nhân vật đều muốn âu hóa, họ cho mình là những “Me xừ” chính hãng mà không biết rõ nó có nghĩa gì, hàng loạt các từ “xanh ca - xanh xit” (năm đều - năm sáu), những cái tên rất “âu”: (Bà phó đoan, Min đơ, Min toa, ông Tip phờ nờ, joseph Thiết, Phán mọc sừng, me sừ Xuân, Victor Ban,… ). Ngay cả trong đối thoại
các nhân vật cũng học theo lối tây như Bà Phó đoan gọi con mình, “ - À, cậu tắm!
Cậu của Me ngoan” hay “Me xin lỗi cậu vậy, Me thơm cậu vậy”. Cụ cố Hồng xưng “toa moa với con” hoan nghênh cử chỉ theo lối tây tàu của con, “thế Toa đến đây từ bao giờ hở Toa?”, “Moa đi tìm Toa có việc cần”, một số cụm từ Pháp Dernières créations! (Những sáng tạo cuối cùng) [89 (II), tr. 285], La guèrre! La guèrre! (Chiến tranh! Chiến tranh!) [89 (II), tr. 417], A bas Xuân! A bas Xuân!
Desexplications [89 (II), tr. 419]. Trong Giông tố có các cụm từ Santan couduit ball
[88 (I), tr. 450], hoặc A la santé de tous! (Chúc sức khỏe tất cả!) [89 (I), tr. 451],... Mỗi nhà văn sử dụng từ ngữ nước ngoài trong tác phẩm đều có mục đích riêng. Ở đây luận bàn đến mục đích của Trương Tửu khi ông sử dụng ngôn từ Pháp trong sáng tác. Không khó khăn để thấy nhà văn muốn thể hiện hai mục đích rõ ràng. Thứ nhất, Trương Tửu nêu lên hiện tượng một số bộ phận người dân nước ta lúc bấy giờ thích sử dụng ngôn ngữ ngoại lai. Giai đoạn đầu thế kỷ XX, quá trình Âu hóa diễn ra trên nhiều phương diện của đời sống, văn hóa giao tiếp của nhóm người này hình thành quy định bất thành văn khi giao tiếp phải nói được vài ba từ Pháp mới thể hiện là người có trình độ học vấn cao. Bộ phận người này sử dụng ngôn ngữ ngoại lai như một cái “mốt” mà quên đi giá trị trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt. Như vậy, Trương Tửu đã phản ánh thực trạng xã hội về việc dân ta ưa chuộng ngôn ngữ nước ngoài lúc đó. Mục đích thứ hai ẩn dưới ngòi bút của một nhà văn, trên cơ sở của sự du nhập văn hóa, văn học ông thấy cần tạo nên một giá trị thẩm mỹ mới trong sáng tác nghệ thuật. Ngôn ngữ Pháp được sử dụng nhiều trong 10/ 13 sáng tác có chữ Pháp, nhưng việc kết hợp tiếng Việt và tiếng Pháp đã không ảnh hưởng tới nội dung tác phẩm, mà nhà văn vẫn thể hiện được mong muốn phản
ánh của người sáng tạo. Đây cũng là một nghệ thuật nhằm thu hút người tiếp nhận đồng thời cũng góp phần thể hiện phong cách của Trương Tửu.