6. Cấu trúc luận án
3.2.3. Một số nhân vật ảnh hưởng của phân tâm học Freud
Phân tâm học là lý thuyết có nguồn gốc từ y học, do S.Freud, một bác sĩ người Áo gốc Do Thái sáng lập. Phân tâm học trong nghiên cứu văn học “Phân tâm học xem hoạt động sáng tạo nghệ thuật như biểu hiện sự thăng hoa (sublimation) của những xung lực tâm lý khởi thủy và những ham muốn (về cơ bản là ham muốn tình dục tuổi thơ) bị thực tại bác bỏ, phải bù lại bằng cách tìm sự thỏa mãn ở lĩnh vực huyễn tưởng. Phân tâm học vạch ra ở lịch sử văn học một loạt những sơ đồ cốt truyện ổn định, trong đó tác giả tự đồng nhất mình với nhân vật, và mô tả: hoặc là sự thực hành những ham muốn vô thức của mình, hoặc là sự xung đột bi kịch của các ham muốn ấy với những thế lực cấm đoán về mặt xã hội hoặc đạo đức... Những mẫu mực đầu tiên về việc áp dụng phân tâm học vào xem xét văn học, nghệ thuật là do S. Freud đưa ra, tuy vậy chính ông đã cảnh cáo và chống lại việc lẫn lộn nhiệm
vụ của phân tâm học và của nghiên cứu văn học: Phân tâm học chỉ khảo sát văn học như một tài liệu có tính chất minh họa, tự thân nó không có năng lực giải thích sự khác biệt...” [5, tr. 256-257]. Một trong những tác phẩm chủ yếu của Freud trên con
đường xây dựng phân tâm học là Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục". Công trình này
làm rõ cơ sở lí thuyết giải thích nhu cầu dồn nén và những nguồn năng lực xúc cảm nằm dưới vận động và những ứng xử có ý thức và vô thức của con người. Freud gọi năng lực đó là libido. Freud đã xem xét sự loạn dâm, thói phô bày, ác dâm,... hiện
tượng có thật trong đời sống tình dục của con người... Chấm dứt thời kì tiềm ẩn của
đời sống tình dục, chứng minh cho sức mạnh đời sống vô thức.
Dưới sự ảnh hưởng của phân tâm học, một số nhân vật trong tác phẩm của Trường Tửu được tái hiện qua đời sống tình dục, đó là những đam mê xác thịt, nó chi phối mọi hành vi, ý nghĩ. Ông tạo dựng ra những nhân vật nam nữ thanh niên với một ham muốn nhục dục “Phàm một người con gái phải trải qua một thời kỳ mà cơ thể kêu gào một khoái cảm, khoa học gọi là thời kỳ động tình. Trong thời kỳ đó, không gì làm người con gái hoạt bát, có duyên, tươi tỉnh, lẳng lơ bằng đứng trước mặt một người con trai” [120, tr. 69]. Vậy phải chăng quá trình trụy lạc hóa của
những thanh niên nói chung và Liêu nói riêng trong Thanh niên S.O.S còn có những
nguyên nhân từ phía nhu cầu đời sống tình dục cá nhân của con người, cái mà văn chương, giáo dục gia đình và xã hội đương thời thường né tránh, ít dám đề cập tới, thậm chí cho đến hôm nay vẫn còn là điều kiêng khem, cấm kỵ đối với nhiều người? Phải chăng đây là quá trình vật lộn, giằng giật một mất một còn giữa cái The Ego và cái The Id (cái tôi và cái siêu tôi - chữ dùng của Sigmund Freud) ở Liêu. Trong cuộc vật lộn đó, cái siêu tôi luôn tạo nên áp lực ức chế đối với cái tôi. Nhu cầu tình dục là quá trình tìm kiếm những cảm giác khoan khoái nhằm chống lại cái siêu tôi trong đời sống tâm lý cá nhân đã bị xã hội tước đoạt đi một cách vô thức. Mặt khác, trong trường hợp này, cái tôi luôn là kẻ bị trừng phạt và bị bỏ rơi bởi cái siêu tôi. Sự lôi kéo của những người bạn càng làm tăng thêm ham muốn đó trong Liêu. Cũng chính vì ham muốn tình dục mà Thi bất chấp cả những luân thường đạo lý không buông tha cho cả em vợ mình.
Là người thuộc văn phái tả chân, Vũ Trọng Phụng đã đề cập trực tiếp đến khái niệm Tính dục (thời đó gọi là Dâm) và phân định khá rõ nội dung cũng như ý nghĩa xã hội và giá trị nhân bản của khái niệm này. Thái độ chung của nhiều xã hội, Đông hay Tây trước đây, là né tránh mọi sự bàn luận công khai về tính dục, thậm chí về
cơ thể con người. Trong những dòng đầu Lời tựa cuốn Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng đã
nói rõ quan niệm của mình về Tính dục. “…Cái dâm tự nó không xấu, mà nó là cái điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin để Freud cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng là đã đủ. Vậy thì, thưa các ngài. Ôi! Hỡi người đọc ta, phường đạo đức giả mà giống hệt ta! Tại làm sao cái điều ấy, cái điều mà người ta tự cho mình là đúng đắn, đạo đức không dám nói ra miệng bao giờ, thì chính là cái điều mà bất cứ lúc nào người ấy cũng có thể phải nghĩ thầm trong bụng? Cái dâm thuộc về cái quyền sinh lý học, luân lý không kiềm chế nổi”. Ông thường nói về cái dâm và nạn mãi dâm. Chủ nghĩa Freud cho rằng: ý thức bị tiềm thức chi phối và nội dung của tiềm thức là cái Libiđô nghĩa là bản năng nhục dục. Cái Libiđô tình dục đó đã chi phối mọi hành vi hoang dâm, ngoại tình đĩ điếm trong nhân vật của ông. Gần 300 trang, thông qua chủ đề về một cô gái sa ngã, Vũ Trọng Phụng đã đề cập đến nhiều vấn đề xã hội lớn vẫn còn nóng cho tới ngày nay: Trách nhiệm của người cầm bút, nguyên nhân các tệ nạn xã hội và nhất là kêu gọi giáo dục thanh thiếu niên (về mặt giới tính) như là một biện pháp hiệu quả nhất để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của tuổi trẻ.
Cả Trương Tửu và Vũ Trọng Phụng đều ảnh hưởng phân tâm học Freud khi đưa nhục dục ham muốn của con người vào trong tác phẩm của mình, thông qua đó phản ánh cái thối nát của xã hội để thức tỉnh những con người lạc lối, nhằm kêu gọi tầng lớp thanh niên đừng lãng phí thời gian mà hãy đứng lên đấu tranh chống lại những cám dỗ tầm thường, chống lại những âm mưu của kẻ thù dân tộc.