Tiếp nhận văn xuôi của TrươngTửu

Một phần của tài liệu văn xuôi trương tửu trong tiến trình văn học việt nam đầu thế kỷ xx (Trang 33)

6. Cấu trúc luận án

1.2. Tiếp nhận văn xuôi của TrươngTửu

Văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930 – 1945 đã nở rộ nhiều thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ca, kịch, lý luận phê bình chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà. Trương Tửu là một trong số nhà văn xuất hiện ở giai đoạn này. Mặc dù phần nghiên cứu về mảng sáng tác văn xuôi của nhà văn tuy còn mỏng nhưng cũng đã có được kết quả bước đầu. Điều này cho thấy sẽ giúp chúng ta có sự đánh giá chuẩn xác hơn về nhà văn TrươngTửu, đồng thời góp phần khẳng định vị trí của nhà văn trong giai đoạn nở rộ trào lưu văn học hiện thực.

Khảo sát những đánh giá nhận xét mang tính hệ thống về nhà văn Trương Tửu qua thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn là hai thể loại tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác văn xuôi của ông sẽ làm sáng tỏ vị trí nhà văn trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

1.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

Tự xác định vị trí trong hàng ngũ những “nhà văn tranh đấu”, với 13 tác phẩm văn xuôi bao gồm cả truyện ngắn và tiểu thuyết xuất hiện trên văn đàn trong khoảng thời gian 1937 - 1942, Trương Tửu đã đóng góp vào sự phát triển của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam.

Bàn về sáng tác văn xuôi của Trương Tửu, trước hết là những ý kiến nhận xét, đánh giá của những người đương thời.

Trong Báo Mai, Sài Gòn, ra ngày 27/10/1938, nhà phê bình Kiều Thanh Quế

có bài viết bàn về quan niệm tình dục trong văn chương Việt Nam. Theo tác giả, ba

cuốn tiểu thuyết Thanh niên S.O.S của Trương Tửu, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng,

Người đàn bà trần truồng của Nguyễn Vỹ đều thuộc dòng văn chương “phóng túng tình dục”. Đầu thế kỉ XX, trong đời sống xã hội Việt Nam, quá trình “Âu hóa” đã làm thay đổi quan niệm thẩm mĩ, đạo đức, lối sống so với giai đoạn trước. Trong đời sống văn chương, nội dung của phong trào “Âu hóa” và những quan niệm mới mà “cơn gió lạ” phương Tây thổi tới cũng được người cầm bút đề cập tới; trong đó có vấn đề tính dục và tình dục. Từ góc nhìn hiện thực của ba cây bút Vũ Trọng Phụng, Trương Tửu, Nguyễn Vỹ, Kiều Thanh Quế đã khái quát vấn đề: “Văn chương Việt Nam tiến bộ. Nhà văn không còn sợ luân lý Khổng - Mạnh nữa”; “họ mạnh dạn mang quan niệm tình dục vào văn chương” [114, tr. 9]. Kiều Thanh Quế

tìm hiểu và diễn giải thuyết Phân tâm học của S. Freud bằng tri thức nghiên cứu khoa

học và đưa ra ý kiến khẳng định ý nghĩa xã hội tích cực của cuốn Thanh niên S.O.S:

“Viết Thanh niên S.O.S, ngoài việc lấy tình dục cắt nghĩa ái tình, Trương Tửu còn

dùng nó “nghiên cứu lịch sử trụy lạc của một tâm hồn (trong truyện là nhân vật Liêu), vạch một con đường đi tới sự giải quyết vấn đề thanh niên, bày ra một thực trạng xã

hội, toát ra một khẩu hiệu tranh đấu” (Rút trong bài tựa Thanh niên S.O.S - KTQ chú)

[114, tr. 9]. Năm 1942, Kiều Thanh Quế (với bút hiệu Mộc Khuê) tiếp tục khẳng định khuynh hướng “xã hội tiểu thuyết” của ngòi bút Trương Tửu qua các tác phẩm:

Thanh niên S.O.S, Trái tim nổi loạn, Một chiến sĩ, Một cổ đôi ba tròng… [59, tr. 52].

Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại (1942)đã xếp tác phẩm văn xuôi

của Trương Tửu mở đầu cho mục “Tiểu thuyết xã hội” (cùng với Nguyên Hồng, Thạch Lam, Đỗ Đức Thu, Nhượng Tống, Thanh Tịnh, Thụy An, Nguyễn Xuân Huy, Ngọc Giao, Nguyễn Vỹ): “Những tiểu thuyết đầu tay của ông đều là tiểu thuyết tranh đấu” [107, tr. 478]. Vũ Ngọc Phan khảo sát và đánh giá từng tác phẩm cụ thể

nổi loạn; Một kiếp đoạ đày; Cái tôi của ai và xác định: “ông là một nhà tiểu thuyết xã hội”; “ông bênh vực người nghèo rõ rệt” [107, tr. 482-491]. Về nghệ thuật thể hiện của ngòi bút văn xuôi Trương Tửu, theo cảm nhận của Vũ Ngọc Phan: “lời văn hùng hồn thống thiết. Những lời ấy nó đánh vào tình cảm người ta hơn vào lý trí người ta. Trong tiểu thuyết của ông, nhiều chỗ văn ông trác luyện, sáng suốt, lối văn thích hợp cho người muốn bênh vực thuyết của mình” [107, tr. 478].

Năm 1944, Trong cuốn Tạp chí Tri Tân 1941 – 1945, “Phê bình văn học”, Trịnh

Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm biên soạn có bài viết của Kiều Thanh Quế: Nhân

quyển Vang bóng một thời tục bản, tác giả đi sâu phân tích, dẫn giải cả về nội dung và

chiều sâu hình thức nghệ thuật khi tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được tái

bản, qua đó nhận diện sự khác biệt về phong cách giữa Tự lực văn đoàn, Nguyễn Tuân, Trương Tửu và Lê Văn Trương: “Nguyễn Tuân trịnh trọng ghi chép lại như một nhà lịch sử ký sự, bằng ngọn bút tỉ mỉ của một nhà tiểu thuyết chơi văn” [32, tr. 203]. Tác giả bài viết đưa ra những nhận định: “ Văn Tự lực văn đoàn mềm mại dịu dàng. Văn Trương Tửu, Lê Văn Trương mạnh mẽ, đột khởi. Văn Nguyễn Tuân dí dỏm như một cô gái làm nũng, có khi lại "đỏng đảnh" như một người đàn bà khó chiều” [32, tr. 207].

Đặc điểm văn phong Trương Tửu được Nguyễn Vỹ ngược dòng thời gian hồi tưởng: “Trương Tửu có khiếu ngôn ngữ và lý luận. Lời nói của anh là một sản phẩm của máy móc, lý luận của anh là một dây truyền ngôn ngữ phối trí chặt chẽ, liên kết mạch lạc và rèn rũa với một nghệ thuật tinh vi, tế nhị. Anh là một nhà hùng biện bẩm sinh không do một trường học nào đào tạo cả” [174, tr.183].

Những nhận xét về một người bạn, người đồng nghiệp luôn thể hiện sự khách quan, nể phục: “Trương Tửu thuộc về loại nhà văn tự học, nhờ đọc sách nhiều. Có lẽ một phần nhờ trường Bách nghệ huấn luyện mà Trương Tửu có sẵn thiên tài văn nghệ lại tự đào tạo được một tinh thần máy móc cứng rắn. Lý luận của anh rất đanh thép, câu văn của anh cũng như búa, như kềm. Lời nói của anh vang ra như tiếng đập sắt trên đe. Lúc nào cũng nẩy lửa, nghe lâu chát cả tai, có khi rùng rợn như tiếng cười trong địa ngục của Dante, có khi xôn xao kinh khủng như lửa cháy thành Roma” [174, tr. 184].

Những tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu cũng được Nguyễn Vỹ điểm

lược: “Truyện dài đầu tiên của Trương Tửu nhan đề Thanh niên S.O.S (1938) là

tiếng kêu cứu của một thế hệ thanh niên đang suy sụp vì phong trào lãng mạn. Kế

tiếp là Một chiến sĩKhi chiếc yếm rơi xuống (1939) cả ba đều do nhà Minh

Phương 15 A, cư xá Văn Tân, phố Hàng Đẫy xuất bản, bắt đầu đệ nhị thế chiến, ba quyển này đều bị Nha thông tin và báo chí Pháp (I.P.P) cấm vì đả kích xã hội An Nam thối nát dưới chế độ thực dân… [174, tr. 190-191].

Như vậy, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi văn xuôi Trương Tửu xuất hiện trên văn đàn, một số cây bút nghiên cứu phê bình đương thời đã trân trọng đón nhận, thẩm bình và giới thiệu với độc giả. Tuy nhiên, ý kiến của “người đương thời” đối với văn xuôi Trương Tửu chủ yếu là những nhận xét về tính khuynh hướng của tác phẩm hoặc những cảm nhận ban đầu về ưu - nhược điểm nổi bật ở từng tác phẩm và nhìn chung không có những ý kiến trái chiều dẫn đến những tranh luận gay gắt, căng thẳng trên diễn đàn văn học.

Đi vào tìm hiểu chúng ta thấy số lượng độc giả dành cho tác phẩm văn xuôi của Trương Tửu trong những năm trước Cách mạng tháng Tám không lớn. Trong thời điểm xã hội đương thời, không chỉ sáng tác của Trương Tửu, mà tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng cũng cùng chung số phận. Bởi giữa lúc, trào lưu văn học lãng mạn nở rộ, công chúng đang chìm đắm trong những chuyện tình nồng thắm trên các trang tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn. Giữa lúc nhiều nhà văn sáng tác theo thị hiếu của độc giả thì trào lưu văn học hiện thực ra đời như một tất yếu phát triển của văn học Việt Nam. Trương Tửu là một trong số nhà văn thuộc trào lưu mới ra đời này, ông đã mạnh dạn đứng trên quan điểm riêng, và góp sức cho nền văn học Việt Nam một lối văn mới: phản ánh, lên án, tố cáo nhưng không quá gay gắt. Như vậy, đối tượng chú ý đến văn xuôi Trương Tửu không nhiều là điều dễ hiểu. Còn các nhà phê bình văn học đương thời đi vào nghiên cứu văn Trương Tửu chỉ dừng lại ở vấn đề thấy đó là một thứ văn mới lạ, nhưng tư tưởng sâu sa mà nhà văn gửi gắm trong đó chưa được nhiều nhà nghiên cứu đương thời nhìn nhận đánh giá một cách thấu đáo.

Một phần của tài liệu văn xuôi trương tửu trong tiến trình văn học việt nam đầu thế kỷ xx (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)