6. Cấu trúc luận án
4.1.1. Phương thức trần thuật khách quan với những nhân vật tượng trưng
Quá trình tìm hiểu về loại hình tự sự, phương thức trần thuật khách quan là phương thức nghệ thuật xuất hiện từ khá sớm. Đây là phương thức trần thuật mà người kể không can dự vào câu chuyện. Theo Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phưng chỉ ra: “Trong phương thức khách quan, sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn của một người quan sát đứng ở một góc độ nhất định nào đó. Trong trường hợp này, người trần thuật là người chứng kiến tất cả những gì mà người ấy kể lại. Chỉ những hành động và sự kiện nàođược người trần thuật tiếp cận từ phía của mình nmới được miêu tả” [45, tr 202]. Trong hầu hết 13 tác phẩm đều được nhà văn sử dụng phương thức trần thuật khách quan này.
Các nhà văn khi xây dựng tác phẩm văn xuôi đều rất chú trọng nhân vật, coi nhân vật như cái “cốt” để tác phẩm tồn tại. Do đó, nhân vật là yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn xuôi. Thông qua ngôn ngữ trần thuật, nhân vật bước ra từ tác phẩm mang trọng trách là sứ giả của nhà văn đến với độc giả.
Đến với văn xuôi Trương Tửu, người đọc sẽ thấy được nhà văn là người có tài quan sát, phản ánh những vấn đề của cuộc sống hiện đại trong bối cảnh “Âu hóa”. Không hiếm thấy điều này trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố... Mỗi nhà văn có một cách riêng để miêu tả và gửi gắm tâm tư, tình cảm vào nhân vật của họ. Trương Tửu xuất hiện trên văn đàn vào những năm đầu thế kỷ XX, nhưng không quá sớm như Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh. Tác phẩm văn xuôi đầu tiên của Trương Tửu ra đời vào năm 1937 khi xã hội
đang dần bước vào thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936 -1939, trước nhiều biến thiên của nền kinh tế, chính trị, xã hội cùng với tư tưởng mới của một trí thức tự học nên qua ngôn ngữ trần thuật trong sáng tác ông đã xây dựng khá thành công kiểu nhân vật tượng trưng trong xã hội đầu thế kỷ XX.
Với những nhà văn giai đoạn trước như Nguyễn Trọng Quản, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách đã có những bước tiến mới trong nghệ thuật xây dựng kiểu nhân vật tượng trưng cho lớp người mới. Tuy nhiên, qua phương thức trần thuật, lớp nhân vật này của các nhà văn được xây dựng dựa trên những công thức nhất định và bị áp đặt bởi những giáo huấn về đạo đức lễ giáo truyền thống khiến hầu hết nhân vật trong các tác phẩm của họ chưa thể hiện được hết cá tính, chưa thể hiện được bản chất con người trong đời sống hiện thực.
Xung quanh vấn đề xây dựng kiểu nhân vật tượng trưng cho lớp người mới trong xã hội những năm đầu thế kỷ XX, các nhà tiểu thuyết trong Tự lực văn đoàn đã gặt hái được những thành công nhất định. Nhân vật được Nhất Linh, Khái Hưng xây dựng khá phong phú, đa dạng. Họ xây dựng nhân vật dựa trên vốn kinh nghiệm tích lũy trong xã hội tư sản, tiểu tư sản và tàn dư phong kiến nên qua phương thức trần thuật lớp nhân vật này trở nên sống động với tính cách phong phú. Các nhà văn thuộc khuynh hướng này rất chú ý đến đời sống nội tâm của nhân vật. Từ hành động đến suy nghĩ, lời nói của kiểu nhân vật này đều được các tác giả miêu tả khá tỉ mỉ, cụ thể với tư tưởng giải phóng con người cá nhân.
Trở lại với văn xuôi Trương Tửu, phương thức trần thuật của nhà văn rất khách quan. Bằng phương thức trần thuật khách quan, nhà văn như một thư ký ghi lại toàn bộ những quan sát về lớp người mới trong xã hội thông qua nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nghệ thuật xây dựng kiểu nhân vật tượng trưng cho lớp người mới chính là nghệ thuật xây dựng về một thế hệ thanh niên trí thức trẻ tuổi đang cựa mình sống trong chế độ xã hội với nhiều đổi thay. Trong xã hội ngày càng đô thị hóa và chịu ảnh hưởng của sự du nhập nền văn hóa phương Tây nhưng lại chưa hoàn toàn thoát khỏi tàn dư phong kiến, lớp người mới này được Trương Tửu xây dựng như thế nào? Họ vượt lên đấu tranh hay thuận theo quy luật tất yếu của xã hội tư sản? Qua phương thức trần thuật
khách quan, nhà văn đã xây dựng nhân vật thanh niên trí thức trẻ tuổi trong Thanh niên S.O. S như Liêu, Văn, Thịnh, Hòa là những sinh viên; trong Một chiến sĩ, Hiền là trí
thức làm tại tòa báo, Hảo là gia sư; trong Trái tim nổi loạn với Thông là một thầy giáo,
Thúy đã từng là sinh viên. Bằng phương thức trần thuật khách quan người trần thuật đứng ngoài nhân vật nhưng vẫn khéo léo khắc họa kiểu nhân vật này. Với biện pháp nghệ thuật này, nhà văn xây dựng nhân vật thường thông qua những đoạn đối thoại liên tiếp trong tác phẩm khiến cho lớp nhân vật này thể hiện rõ nét tính cách rất tự nhiên qua từng chặng đường của cuộc đời con người. Ở những tác phẩm này chủ thể luôn giữ một khoảng cách nhất định với câu chuyện. Trong Tự lực văn đoàn, kiểu nhân vật
này xuất hiện khá nhiều, trong Gánh hàng hoa với nhân vật Minh là nhà báo, trong Đời
mưa gió nhân vật Chương là giáo viên trường tư thục...Họ là những người của thế kỷ XX, họ tiếp thu nhiều cái mới mẻ trong thời đại mới nên dưới ngòi bút và tư tưởng của các nhà văn họ là những nhân vật dám tranh đấu cho tình yêu, hạnh phúc và đặc biệt cho quyền của người phụ nữ trong gia đình, xã hội. Không khó để nhận ra tư tưởng đồng nhất giữa Trương Tửu và các nhà văn Tự lực văn đoàn trên phương diện này.
Nhân vật Sâm trong Thanh niên S.O.S cũng không muốn kết hôn với vị hôn phu được
cha mẹ định sẵn. Sâm chán nản tâm sự với bạn và bày tỏ quan điểm về hôn nhân, hạnh phúc “Như cái việc của em chẳng hạn. Em thấy nó vô lý quá. Em hết sức phản đối cách hôn phối nài ép đó. Mà rút cục cũng chẳng có hiệu quả gì” [120, tr. 64]. Nhân vật Hảo
trong Một chiến sĩ mặc dù có tình yêu với Như Lan nhưng chàng thấy cuộc đời còn
nhiều việc phải làm, nên trong lòng dù rất mâu thuẫn nhưng đấu tranh và giải phóng chính bản thân thoát ra khỏi những tù túng để theo đuổi lý tưởng hoài bão khiến một nhà báo như chàng cảm thấy có ý nghĩa với xã hội chàng bộc bạch suy nghĩ: “Tranh đấu! Chỉ có tranh đấu. Chỉ nghĩ đến tranh đấu. Cái gì làm ngừng tranh đấu là thù nghịch. Phải khu trù tất cả những thù nghịch bất kỳ ở mặt trận nào. Khu trừ rất tàn nhẫn, rất cương quyết, rất độc đoán. Không được lý luận, không được lưỡng lự, không
được tiếc” [120, tr. 190]. Nhân vật Thông là thầy giáo trong Trái tim nổi loạn đã trả lời
cha mẹ chàng “theo ý con thì bất kỳ cuộc hôn nhân nào muốn có kết quả tốt cũng phải được thành lập do sự ưng thuận của cả hai người, bên trai và bên gái. Mà muốn cả hai
người ưng thuận lấy nhau thì ít nhất hai người đó cũng phải biết nhau và yêu nhau” [120, tr. 294]. Đỉnh điểm của việc bảo vệ cho tình yêu hạnh phúc cá nhân Thông đã thẳng thắn trả lời cha trong không khí căng thẳng. Ông Tú muốn Thông lấy con gái ông Chánh, nhưng Thông muốn kết hôn với Thúy là cô gái ở ngoài Hà Nội. Chàng quyết bảo vệ ý kiến cá nhân về tình yêu hôn nhân đến cùng cho dù gặp phải sự phản đối kịch liệt của cha mình.
Như vậy, kiểu nhân vật tượng trưng cho lớp người mới trong sáng tác của Trương Tửu, trong tác phẩm của Tự lực văn đoàn họ đều đấu tranh để giải phóng con người cá nhân, để bảo vệ tình yêu hạnh phúc tự do, để bảo vệ lẽ sống và lý tưởng riêng. Mỗi nhân vật có cách đấu tranh riêng, cho dù bằng hành động, lời nói hay sâu thẳm trong tư tưởng họ cũng đều thể hiện một cách đầy đủ nhất về lớp trí thức mới trong những năm đầu thế kỷ XX.
Trương Tửu sử dụng khá thành công phương thức trần thuật khách quan để xây dựng kiểu nhân vật tượng trưng cho lớp người mới trong xã hội đầu thế kỷ XX. Kiểu nhân vật này trở nên sống động trong đời sống sinh hoạt. Qua sự vận dụng biện pháp nghệ thuật này, cho thấy Trương Tửu có một sự cách tân sáng tạo trong văn xuôi hiện đại.
Văn xuôi Trương Tửu đã mang màu sắc hiện đại, tuy nhiên phảng phất trong khá nhiều tác phẩm của ông vẫn tồn tại những thế lực bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của con người cá nhân cũng như của cộng đồng nói chung. Đó là những tư tưởng về “môn đăng hộ đối” trong hôn nhân, tư tưởng “mua quan bán quyền”, tư tưởng phải “khao làng” để được lên lão.Tất cả những tư tưởng hủ tục xưa cũ đó, trở thành công cụ sử dụng cho bọn thực dân Pháp và tay sai trong chính quyền nhà nước thực dân phong kiến nhằm vào việc cai trị nhân dân ta. Mục đích tàn độc của chúng mong muốn người dân đất An Nam chìm đắm trong mịt mờ tăm tối .
Thực dân Pháp tận dụng tàn dư phong kiến còn sót lại để thực hiện những chính sách văn hóa nô dịch, chúng muốn dân ta chìm ngập trong đêm dài mông muội để dễ dàng cai trị. Tuy nhiên, khi sử dụng hạ sách này bọn chúng đã vấp phải sự phản kháng không nhỏ của những nhà văn dùng cây bút làm vũ khí thay cho
gươm, mác, súng để lên án chế độ thực dân, lên án những tàn dư phong kiến còn sót lại khiến nhân dân lao động rơi vào hoàn cảnh bi đát, đáng thương. Những nhà văn đã xây dựng kiểu nhân vật tượng trưng cho những tàn dư phong kiến như trong Tự
lực văn đoàn với những bà Án trong (Gia đình, Thừa tự, Nửa chừng xuân) bà Phán
trong (Đoạn tuyệt, Lạnh lùng). Trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao,
Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng những nhân vật như lão Bá Kiến, ông Huyện, ông Nghị hiện ra thật rõ nét. Đến với văn Trương Tửu, ông đã không miêu tả một cách chi tiết vào từng con người cụ thể, mà nhà văn đã dùng phương thức trần thuật khách quan để tái hiện chân thực cả một nền luân lý, lễ giáo luôn ghì chặt lấy con người, kiềm tỏa sự phát triển của con người và xã hội. Nhà văn viết vài ba câu đối thoại giữa nhân vật Sâm và Quế Hương mà hình ảnh những kẻ tri huyện trong bối
cảnh đương thời hiện ra thật bẩn thỉu trong Thanh niên S.O.S: “Hắn cố chạy ra tri
huyện là để mua lấy cái danh.Vả lại tri huyện dễ đục khoét”; “Chào, giàu thế thì sướng nỗi gì. Xương máu của đám dân hèn đem mà chắt bóp ra tiền thì đồng tiền ấy em cho là phi nghĩa”; vì muốn được làm tri huyện mà đức anh chồng của cô Tố Nữ chủ hiệu may đẹp nhất Hà Thành sẵn sàng nghĩ đến kế sách hiến vợ. Vẫn tiếp tục câu chuyện, Sâm càng thêm đau khổ vì bị ép gả cho một kẻ sắp ra làm tri huyện mà cô không hề có tình yêu, cô sợ mình sẽ là nạn nhân giống như cô Tố Nữ kia. Một xã hội trong đó người phụ nữ luôn chịu những thiệt thòi được nhà văn khách quan bộc bạch “Thế mới biết làm đàn bà ở xã hội này khổ thật”. Hình ảnh ông Tú là cha của
thầy giáo Thông, cùng với ông Xã, ông Chánh được nói tới trong Trái tim nổi loạn là
kiểu nhân vật tượng trưng cho lễ giáo phong kiến. Bằng phương thức trần thuật khách quan, nhà văn gián tiếp khắc họa về tính cách của nhân vật ông Tú qua nỗi lo sợ của bà Tú về cuộc xung đột gia đình xảy ra giữa chồng và con trai: “Bà thương con trai gặp phải một người cha nghiêm khắc. Bà lại thương chồng gặp phải một đứa con ngang ngạnh. Bà biết rằng nếu xảy ra việc gì không hay cho sự yên ấm của gia đình thì ông Tú sẽ đau đớn hơn cả. Ông vốn là người sợ tai tiếng lắm, nhất là tai tiếng trong tộc họ, xóm làng. Ông cho là nhà vô phúc, mình hèn kém, nên con cái mới dám kháng cự lại. Ông sẽ xấu hổ với bà con về sự hèn kém của mình. Người ta sẽ lên án ông không biết dùng cái phụ quyền oai nghiêm mà lễ giáo đã trao, để điều khiển gia đình” [120, tr. 292]. Theo nhân vật Thông thì cha chàng là người bảo thủ: “Từ sau
hôm ở quê ra, Thông không còn nhìn nhận cái oai quyền khắc nghiệt của người cha bảo thủ kia nữa” [120, tr. 296]. Ông Tú muốn chủ động sắp xếp cuộc hôn nhân của con trai mà không cần có sự bàn bạc. Tất cả được ông lên kế hoạch như một điều hiển nhiên mà con trai ông chỉ có bổn phận thực hiện: “Ông Tú điềm nhiên trả lời:
- Thưa bác, tôi đã coi lịch rồi, định đến mùng bốn sang tháng thì đi trầu cau dạm ngõ, rồi độ cuối tháng xin luôn cả ăn hỏi và rước dâu cho tiện” [120, tr. 293]. Cuộc trò chuyện giữa người bác và cha Thông diễn ra như không hề có sự liên quan tới anh. Trong khi việc hôn nhân và hạnh phúc là vấn đề của bản thân Thông, vậy nhưng Thông chỉ được ngồi nghe, cha anh không hỏi xem thái độ, tình cảm của anh ra sao trước mối lương duyên này.
Trong Khi chiếc yếm rơi xuống, vẫn là sự điềm tĩnh trong phương thức trần
thuật khi xây dựng nhân vật lý trưởng sau là chánh tổng của một làng ở Hưng Yên bị “huyền chức”, chính là “thầy”- cha của Hậu, cô gái mang cuộc đời ca kỹ hẩm hiu. Cũng chỉ với một đoạn văn ngắn hai mươi dòng “Em là dòng dõi một nhà quan cách...”[120, tr. 235] mà nhà văn dựng nên cảnh quan chức ở chốn làng quê thật lắm éo le. Cha của Hậu bỏ hết tài sản của nhà để chạy chức nhưng bổng lộc chưa thấy mà cuối cùng là cảnh gia đình phân ly, tiễn biệt trong cùng quẫn tang tóc. Cha Hậu được nhà văn xây dựng bằng đôi nét phác họa qua lời kể của Hậu với nhân vật “tôi” vừa là nạn nhân, nhưng cũng là nhân vật được nhà văn xây dựng tượng trưng cho tàn dư phong kiến đang nhào nặn tư tưởng “làm việc quan thì bổng lộc chẳng bao lâu sẽ kiếm lại được số tiền bỏ ra”. Và rồi tàn dư phong kiến để lại cuộc đời của Hậu, cuộc đời đau khổ chất chứa bao buồn tủi, cực nhục. Đó lại là một phụ nữ là nạn nhân của tàn dư đó.
Đến tác phẩm Đục nước béo cò, nhân vật mà nhà văn xây dựng tượng trưng
cho tàn dư phong kiến thông qua nhân vật cụ Đội. Vẫn bằng phương thức trần thuật khách quan qua câu chuyện giữa cụ Đội và cụ Hương bàn về việc lên lão của cụ Đội, về vấn đề phải có “chục bạc” để “khao làng” nếu không sẽ không được ngồi “chiếu lão”. Miêu tả về câu chuyện của hai người già trong làng nhưng là cả nội dung lớn mà nhà văn muốn nói đến trong đó. Chỉ có việc “khao làng” nhưng cụ Đội gần như đã bán con gái làm lẽ cho anh con rể, làm phận lẽ mọn và người giúp việc cho chính người chị gái. Tủi nhục nhưng Tuất không thể phản kháng, cô chấp nhận
cuộc sống hiện tại để rồi cuộc đời cô lại rơi vào vòng luẩn quẩn của nhà thổ, cô đầu. Trong làng xã Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX vẫn tồn tại những tập tục phong kiến vô hình đè nặng lên cuộc sống của người nghèo, những tập tục đó được cụ thể hóa dưới ngòi bút nhà văn khi xây dựng nhân vật cụ Đội là tượng trưng cho những tàn dư phong kiến còn sót lại như những đốm lửa tàn chưa thể dập tắt, tàn dư đó khiến cuộc đời của Tuất bị vùi dập, tàn dư đó một lần nữa thấy trong trang văn của Trương Tửu là nguyên nhân khiến cuộc đời của người phụ nữ trở nên đen tối, mịt mờ, không lối thoát.
Với nghệ thuật xây dựng kiểu nhân vật này, người đọc dễ dàng bắt gặp trong