Đường làng, giếng làng, ao làng

Một phần của tài liệu Văn hóa làng Quảng Xá truyền thống và hiện đại (Trang 50)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3.3. Đường làng, giếng làng, ao làng

- Hệ thống đường làng (dù đường ngang hay đường dọc) đều được lát bằng đá liếp. Qua lời kể của các già làng thì không ai còn nhớ cụ thể thời gian đường làng được lát đá mà chỉ biết là có từ trước năm 1945. Ngày xưa đường làng chỉ là đường đất bình thường, đi lại rất lầy lội. Nhưng từ khi có đường lát đá, vị trí ở của làng nhìn rất sạch sẽ, vuông vắn như một “ô bàn cờ”. Những phiến đá dùng để lát đường được quy định về kích thước. Đá ở trôổng (đường cái) có bề rộng 80cm, đá

52

từ đường vào nhà có bề rộng 60cm, còn chiều dài bao nhiêu cũng được. Người làng kể dí dỏm rằng những phiến đá lát đường có được là nhờ sự đóng góp của những chàng rể ngoài làng Quảng Xá đến tặng làng, hay nộp theo lệ làng để cưới vợ. Nhưng qua tìm hiểu chúng tôi mới biết: con đường xưa làng lát đá chạy suốt từ đầu làng đến cuối làng thẳng tắp là sáng kiến của dân làng. Điều đó được thể hiện rõ trong hương ước của làng, cứ mỗi suất đinh đóng góp 10 viên đá để xây dựng đường làng. Đá liếp được khai thác từ vùng bến Tiêm, cách xa làng chừng 30km. Năm 1945 làng Quảng Xá đã có tuyến đường đá dài 710m rộng 0,8m. Dân làng Quảng Xá rất tự hào về hệ thống đường làng của mình:

“Nước Long Đại vừa trong vừa mát Đường Quảng Xá lát đá dễ đi”

Để đường lát đá luôn sạch sẽ và bền lâu, lệ làng quy định rõ “Đường mới đắp cấm trâu bò qua lại”. Có một lý trưởng của làng nghĩ ra biện pháp quản lý chặt chẽ bằng cách: ông cho một con trâu trong bầy trâu nhà ông đi qua đường làng. Một người dân trong làng phát hiện được tâu trình với vị lý trưởng này. Ông lý trưởng đã ra lệnh giết thịt con trâu vi phạm quy ước. Và sau đó quy định cấm trâu bò qua lại đường mới đắp của làng được duy trì rất nghiêm.

Đường làng lát đá liếp là một trong những nét độc đáo của làng Quảng Xá so với các làng xung quanh (làng Trần Xá, làng Đại Hữu chỉ có một đoạn đường ngắn lát đá). Điều đó nói lên được nếp nghĩ cũng như nề nếp sinh hoạt văn minh của một làng quê vùng chiêm trũng. Theo đà công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những tấm đá liếp đã được thay bằng đường bê tông chắc chắn. Dù không còn như xưa nữa nhưng trong lòng mỗi người dân nơi đây vẫn luôn hoài niệm về một di sản độc đáo của làng Việt cổ: đường lát đá liếp.

- Làng cổ Đặng Xá lúc hình thành dân cư mới dưới ngàn người nhưng trên các trục đường chạy ngang, có một hệ thống giếng nước như được bài trí sắp đặt theo một qui mô chung 3 giếng họ, 15 giếng “trôổng”, 1 giếng nước ngọt, 2 giếng trâu bò uống, 1 giếng tắm giặt chung của làng. Qua điền dã tìm hiểu và quá trình phân loại, chúng tôi thấy giếng nước ở Đặng Xá có từ rất lâu, giếng được đào và

53

phân bố rất cụ thể. Giếng có thời gian cổ nhất từ lúc lập làng gần 400 năm như Giếng Làng, Giếng Xoài, giếng có thời gian ít nhất cũng gần 300 năm. Vậy là giếng nước có ở đây cũng đã trên 12 đời. Làng Đặng Xá dân di tán chủ yếu từ Bắc vào nên vẫn giữ được nếp sinh hoạt bằng giếng nước. Cả làng có một giếng nước để uống chung, ở trục đường ngang thứ 7, được tính từ đầu làng đi xuống. Giếng nằm ngang giữa làng như một sự bố trí vì đây là giếng nước ngọt độc nhất, vốn có tên gọi là Giếng Xoài. Hễ ai cần thì quảy quang gánh đến múc về dùng. Giếng này được xây bằng đá sét xanh trên to dưới nhỏ dần, đường kính giếng ở miệng chừng 7m. Đáy có một khung thùng gỗ Trai ổn định vị trí tập trung mạch nước. Khung có cạnh và chiều đứng một nét. Xung quanh bờ giếng có trồng những trụ gỗ chắc, cách nhau 2m, trụ có đục lỗ để xuyên con sào tre qua làm giới hạn cho người đứng vòng ngoài bật cần gàu mức nước ở giữa khung giếng. Làm vậy, vừa tránh người khỏi lộn nhào xuống, vừa để giữ vệ sinh chung. Giếng nước ngọt có nội qui cụ thể, ai vi phạm sẽ bị làng phạt. Chẳng hạn như vô ý để khăn, áo rơi xuống thì buộc phải vét hết nước lấy mạch mới. Những qui định nghiêm ngặt nhưng mọi người đều chấp hành, gìn giữ giếng cẩn thận, không mấy ai vi phạm. Ngoài Giếng Xoài uống chung của làng, trên 15 trục đường ngang đều có 15 giếng cho xóm, xóm nào dùng giếng xóm ấy không gây cảnh lộn xộn. Ngoài giếng xóm còn có giếng các họ và giếng miếu đền. Những giếng này tuyệt nhiên không được dùng bừa bãi, được chủ từ rào chè cẩn thận, chỉ cho múc dùng trong những ngày cúng tế, giỗ lạt như mổ bò, mổ heo, vo nếp, rửa bàn thờ, giặt tàn lọng, giặt áo quần tế lễ. Các giếng này không ngọt như giếng Xoài, nước cứng nhưng đều được xây bằng đá theo qui cách chung. Đường kính giếng chừng 3m, các bờ giếng cũng được đóng cọc khung viền cẩn thận. Nguyên tắc chung của múc nước giếng là dùng cần tre, dây bện và mo cau chằm lại. Người múc đứng xa thả gàu bằng cần rồi dồn sức gồng cho bật gầu nước lên. Múc nước giếng cũng phải có kỹ thuật. Người nào chưa quen, nhất là con gái về Đặng Xá làm dâu phải tập múc nước giếng bằng cần.

Ngoài giếng cho người sinh hoạt, giếng cho thờ cúng còn có giếng dành riêng cho trâu bò uống, như ở Huyền Vũ Nương Bòn có giếng cho trâu bò, mùa hè

54

đến hạn khô giếng Nương Bòn đặc biệt dành cho các chủ nuôi trâu dùng. Trâu nhà nào có chậu riêng nhà nấy.

Tìm mạch nước, đào giếng khơi trong quan niệm dân gian là rất hệ trọng. Người ta quan niệm đào tìm nước là chạm đến long mạch nên giếng ở Đặng Xá trước đây đều nằm ở các vị trí công cộng. Khi đào giếng có lễ cúng để thầy địa tìm mạch chọn chỗ. Một thực tế là, đã từ lâu đời, Đặng Xá có 2 mạch nước khác biệt nhau dù chung một thổ cư. Những giếng nước phía nửa làng phía Tây thì trong ngần, những giếng nước phía nửa làng phía Đông thì ngầu đỏ, vì không giải thích được hiện tượng địa chất ấy nên dân làng luôn xem nước như là một đấng thần linh huyền diệu, thiêng liêng nhất và đã xây dựng lên một ngôi Miếu thờ “Thần Giếng”.

Cũng tận dụng nguồn nước trời phục vụ dân sinh, làng quê này còn có hệ thống chứa nước như Bàu Thâm Ứ, Hồ Sao Sa. Hồ Sao Sa là tên gọi từ rất lâu đời của một hồ nước hình thành ngay giữa hai làng Quảng Xá và làng Thế Lộc (thuộc xã Tân Ninh). Tương truyền: “Chỗ đất ấy đã lâu lắm, lâu lắm từ mấy kiếp mấy đời trước có một mảnh thiên thạch từ trên trời cao rơi xuống làm cho đất trũng sâu một vùng rộng mênh mông. Nhưng trải qua thời gian, do hàng năm có nhiều cơn lũ tràn về mang phù sa khi thì sông Kiến Giang, khi thì sóng Đại Giang tràn về lấp dần nay một ít mai một ít. Cuối cùng chỉ còn lại vùng hồ ấy là rốn của mảnh thiên thạch chui sâu vào lòng đất là không lấp cạn được” [49;20].

Hồ được xây thành quách bảo vệ rất cẩn trọng, có cửa ra vào, có xây những bậc cấp để mọi người đứng thả cần dài cất nước lên không làm tràn nước đục, nước bẩn xuống hồ. Mỗi khi nắng hạn tất cả nguồn nước khô cạn thì Hồ Sao Sa vẫn rất đầy nước cho bốn ngàn dân quanh vùng đến gánh nước về dùng.

Ngày nay, Quảng Xá nhà nào cũng đã có một giếng nước riêng và dùng “nước sạch”. Đó là một biểu hiện tốt của đời sống đi lên, nhưng tìm về lại với sử sách, một làng ở vùng chiêm trũng mà cách đây 400 năm dân cư đã biết khơi mạch tạo ra được một hệ thống giếng nước công cộng để dùng cho sinh hoạt, cho cúng

55

tế, cho trâu bò dùng thì đó là một biểu hiện của sự tiến bộ xã hội vượt sớm thời gian cũng như chống lại mê tín dị đoan.

Tiểu kết

- Giống các làng Việt ở Bắc Bộ, làng xã Quảng Bình nói chung, Quảng Xá nói riêng có đầy đủ các yếu tố cấu thành đời sống vật chất (như ăn, ở, mặc, sinh hoạt cộng đồng...) nhưng cái riêng của Quảng Xá so với một số làng lân cận là đã kế thừa có chọn lọc từ quá trình di dân lập ấp (chủ yếu là Thanh Nghệ vào) những nét văn minh phù hợp. Chẳng hạn như hệ thống giếng nước trong làng. Ở nông thôn xứ Thanh Nghệ, mỗi làng không chỉ có một giếng chung mà có rất nhiều giếng, nhiều loại giếng, một giếng có một tên gọi...Vào đến Quảng Xá, kiến trúc đó được lưu giữ, kế thừa và được xem là một trong những yếu tố cấu thành nên quần thể kiến trúc văn hóa, không gian văn hóa của làng.

- Với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, con người nơi đây đã có những cách xử lý sáng tạo trong nếp sống của mình. Điển hình là kiến trúc nhà rường có chái chịu được bão và gió xoáy cả bốn hướng, có chiều sâu, chống được ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu, thời tiết (vừa chống được rét, vừa chống được nóng), có kết cấu vững chắc có thể làm sàn, gác (tra) để cất giữ tài sản, dự trữ lương thực và là nơi ở khi ngập lụt; nếu đường làng phía Bắc chủ yếu lát bằng gạch thì đường làng Quảng Xá lát bằng đá liếp. Tính sáng tạo đó không chỉ có ý nghĩa phù hợp

56

với điều kiện thiên nhiên mà còn mang lại hiệu quả trực tiếp cho sự sinh tồn của chính cư dân nơi đây.

Chương 3. Văn hóa tinh thần làng Quảng Xá 3.1. Tín ngưỡng và tôn giáo

3.1.1. Tín ngưỡng

Thờ cúng tổ tiên

Giống như các làng Việt khác, ở Quảng Xá việc thờ cúng tổ tiên được coi là hình thức tín ngưỡng sâu sắc nhất, bền vững nhất.

Với quan niệm lúc còn sống cha mẹ, ông bà là những người có công sinh thành, công dưỡng dục, lúc mất đi họ về với tổ tiên nơi chín suối nhưng vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu nên đối với con người Quảng Xá việc thờ cúng cha mẹ, tổ tiên có ý nghĩa thiêng liêng. Ngoài việc cúng giỗ (ngày mất) thì việc thờ cúng tổ tiên còn được tiến hành đều đặn vào các ngày mồng một, ngày rằm, dịp lễ, Tết và bất kì khi nào trong nhà có việc dựng vợ, gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử,... đều thắp hương tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên cầu mong phù hộ mọi việc đều tốt đẹp. Sự kính trọng tổ tiên còn được thể hiện ở chỗ bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được đặt ở gian giữa, nơi trang trọng nhất và trên các bức án của nhiều nhà thờ họ thường có câu “ân đức lưu truyền”. Ngoài ra, nhà nào cũng có “cột thờ Trời” (bàn thờ ngoài trời) với quan niệm rằng: người

57

chết “lộ đồ không được vào nhà nên gia đình phải thờ cúng ở ngoài trời, chủ yếu là vào ngày Rằm tháng 7 (Tết Trung nguyên, ngày “xá tội vong nhân”). Nay nhiều nhà làm thêm bình phong, hồ phong thủy vừa có ý nghĩa tâm linh vừa thể hiện tính thẩm mỹ và thế vững chãi. Việc chăm sóc, trông coi mồ mả của những người trong dòng họ cũng được con cháu thường xuyên quan tâm.

Việc cúng giỗ tổ tiên ngoài việc bày tỏ lòng thành kính của người sống đối với người đã chết, thực chất nó còn là ngày kỷ niệm. Trong ngày này con cháu thường tụ hội đông đủ tại nhà gia trưởng để ôn lại những hành trang và công đức của người quá cố, giáo dục con cháu học tập và noi gương người đã khuất. Đồng thời cũng là dịp để chú bác, anh em, con cháu nội ngoại ngồi bên nhau, kết chặt thêm tình thân ruột thịt, cho nên việc cúng tế cũng tuỳ, con cháu cũng thế, đến ngày thì con cháu có gì thì đem lại gửi giỗ cho nhà người gia trưởng, lấy lòng thành làm chính chứ không ai bắt bẻ gì, xuất phát từ lòng thành nên cúng giỗ không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà quan trọng là con cháu, anh em trên dưới một lòng hoà thuận, thương yêu nhau, mượn ngày kỵ nhật làm ngày họp mặt chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau trong một gia đình. Cho đến nay, tục thờ cúng tổ tiên ngày càng chứng tỏ ý nghĩa sâu sắc của việc giáo dục truyền thống đối với các thế hệ tương lai ở Quảng Xá.

Thờ Thành hoàng

Thành hoàng là thần tượng được tôn vinh nhất trong một làng. Các vị là thiên thần hoặc nhân thần, đều là thần có công đem lại độc lập cho quốc gia, an ninh cho thôn xóm, mùa màng bội thu, là người khai cơ lập ấp dựng xây đất nước Việt Nam, tuyệt đại là những vị “bảo quốc, hộ dân” [12;16]. Đối với làng Quảng Xá, thờ Thành hoàng chính là thờ những người có công khai khẩn trong việc thành lập làng, cụ thể là các vị của ba dòng họ Dương, Nguyễn, Trần. Thờ Thành hoàng ở làng Quảng Xá được coi là biểu tượng khởi nguyên của làng với những nghi lễ trọng thể nhất. Ngày xưa, nghi lễ thờ cúng Thành hoàng làng được tổ chức ở đình làng nhưng nay do đình làng không còn nên lễ cúng diễn ra tại các nhà thờ họ vào ngày 15 tháng 2 âm lịch.

58

Thờ các thần khác

Ngoài thờ Thành hoàng, làng còn tổ chức thờ một số thần khác: thờ thần tự nhiên: thần Đất, thần Lửa, thần Trời, thần Giếng, thần Nông,...; thờ nhân thần như: thờ Trần Hưng Đạo, thờ Bà Trưng-Bà Triệu; thờ Thổ Công, thờ Táo quân,...; đặc biệt làng còn có am thờ ông Dương Văn Thành - một chiến binh Văn Thân của phong trào Cần Vương. Theo gia phả họ Dương Văn, Dương Văn Thành chính là thầy Mười - người có công lao rất lớn trong hoạt động cách mạng được dân làng kính trọng. Am được làm vào khoảng năm 1890 đến nay đã hơn trăm năm. Dù là một cái am thờ nhỏ nhoi ở góc làng quê nhưng nó minh chứng cho tinh thần yêu nước, trách nhiệm của dân làng với cha anh trong việc giữ gìn nâng niu hồn thiêng của một chiến binh yêu nước, đó cũng là tinh thần giữ gìn một di sản văn hoá quá khứ có ích cho lịch sử.

Tóm lại, tín ngưỡng thờ thần ở làng Quảng Xá nặng về nhân thần, tức là nặng về sùng bái con người hơn là thờ thần theo giới tự nhiên (thiên thần). Qua đó chúng tôi thấy được việc thờ cúng ở làng Quảng Xá chủ yếu là đề cao lòng kính trọng thiêng liêng của con người trong các hiện tượng của cuộc sống một cách sâu sắc hơn.

3.1.2. Tôn giáo

So với các địa phương khác, ảnh hưởng của tôn giáo ở các làng xã Quảng Bình không nhiều. Cũng theo đó, tôn giáo đến với cư dân ở làng Quảng Xá không sâu sắc và đến mức tôn sùng như nơi khác. Đa số cư dân trong làng theo đạo Phật. Mộ đạo nhưng không có thầy tu. Chùa Phật chỉ có một ông Từ, nhà ở riêng, sớm hôm đến thắp hương, quét dọn làm vệ sinh. Dân làng tu Phật chủ yếu là “tu tại tâm”, “tu tại gia”. Cứ đến dịp lễ tết, rằm, mồng một hay lúc gặp khổ gặp nạn cũng như may mắn, dân trong làng đến chùa dâng hương (chứ không đọc kinh, niệm Phật). Nho giáo chủ yếu được thể hiện trong đạo lý “Tam cương”, “Ngũ thường”, “Tam tòng”, “Tứ đức”, đặc biệt là mảnh đất hiếu học nên người làng rất coi trọng giáo lý giáo dục của Nho giáo và đã lập nên điện văn thánh thờ Khổng Tử. Trước năm 1954, một số làng xung quanh có nhà thờ Công giáo nhưng sau đó do di cư

59

vào Nam và chiến tranh phá hoại nên các nhà thờ hoàn toàn bị hư hại. Sự ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa giáo đối với cư dân làng Quảng Xá rất mờ nhạt.

Có thể thấy, trong tâm thức cư dân làng Quảng Xá nói riêng, Quảng Bình

Một phần của tài liệu Văn hóa làng Quảng Xá truyền thống và hiện đại (Trang 50)