Con người ở làng Quảng Xá

Một phần của tài liệu Văn hóa làng Quảng Xá truyền thống và hiện đại (Trang 31)

6. Cấu trúc của luận văn

1.5.1. Con người ở làng Quảng Xá

Trải qua hàng mấy trăm năm tồn tại, nguời dân Quảng Xá đã tạo dựng cho mình một bản lĩnh mang sắc thái riêng của vùng quê đầy nắng, cát và gió Lào.

Từ buổi bình minh của lịch sử, “vùng đất này đã có sự hiện diện của các

cộng đồng người Việt cổ” [16;9]. Lúc đầu họ sinh sống trong các hang động (phía

dãy núi Trường Sơn), dưới các mái đá cao hoặc các hang ở gần nguồn nước. Từ các hang động gần thượng nguồn, dần dần họ men theo các triền sông có đất đai màu mỡ, vào đồng bằng ven biển khai phá đầm lầy, chinh phục tự nhiên. Cùng với các cuộc Nam tiến từ Bắc vào, ba dòng họ lớn đã dừng chân tại đây, sinh sống với cư dân này tạo lập nên làng bản. Ban đầu họ cũng gặp không ít khó khăn vì đây là vùng “Ô châu ác địa”. Nhưng với mong muốn “an cư lạc nghiệp” nên con người nơi đây đã đồng tâm hợp lực khai phá mảnh đất, tạo lập cuộc sống mới. Công việc làm ăn ngày một thuận lợi, vì thế đã có nhiều cuộc di dân của các dòng họ lại tiếp tục vào đây (họ Dương, họ Nguyễn, họ Trần) để bổ sung lực lượng khai khẩn và trấn giữ, mở mang bờ cõi. Quảng Xá xưa từ một vùng đất ngập nước mênh mông đã vươn mình đứng dậy từ trong luỹ tre làng.

Luôn phải đối phó với phong ba bão táp, hạn hán lũ lụt, để tồn tại và phát triển nên cư dân ở vùng đất này là những người lao động cần cù, chịu thương chịu khó, thông minh sáng tạo, dũng cảm, không chịu khuất phục trước khó khăn. Quá trình khai phá đất đai, mở rộng địa bàn sinh sống, khai hoá những vùng đất hoang dại, đồi núi hiểm trở, bãi bồi ven sông thành những xóm làng trù phú và đồng ruộng xanh tươi của người dân Quảng Xá là một minh chứng nói lên điều đó. Mặt khác, cư dân từ mọi nơi tụ tập về mảnh đất này cùng chịu bao khắc nghiệt của thiên tai, cuộc sống gian nan nghèo khó đã tạo cho họ bản lĩnh kiên cường, kiên trì, bền bĩ, cần kiệm, giản dị, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Để có những cánh đồng màu mỡ tươi tốt, trù phú, các thế hệ cha ông đã phải “một nắng hai sương”, đổ mồ hôi sôi nước mắt và xương máu của mình. Những kết quả đạt được đó lại tạo cho họ biết quý trọng sức lao động, càng thêm yêu quê hương đất nước.

33

Quảng Ninh là “mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều thuần phong mỹ tục, sinh hoạt văn hoá dân gian phong phú được lưu truyền cho đến

ngày nay” [16;20] như: truyền thống ham học-học giỏi, truyền thống kiên cường,

bất khuất, dám hy sinh vì nghĩa lớn,...; trong đó Quảng Xá, là một làng cổ (hơn 450 năm tuổi), còn được biết đến là một “làng xóm vui vầy” với những điệu ca Huế, là cái nôi của văn hoá nghệ thuật, là “làng nghệ sĩ”, “làng thầy”, những lễ hội và trò chơi dân gian đặc sắc. Nét đẹp trong đời sống tinh thần đó đã làm cho con người nơi đây luôn “lạc quan, cởi mở, yêu đời, yêu cuộc sống và hướng đến tương lai với một niềm tin chiến thắng”[26;207].

Khi nhận xét chung về con người Quảng Xá, già làng Dương Viết Thủ đã nói: “Quảng Xá không chịu thua ai và cũng không muốn để ai hơn mình”. Điều đó chứng minh cho những nét đẹp đã bàn đến ở trên nhưng cũng đã chỉ rõ thấy những hạn chế của con người nơi đây. Đó là tính ích kỷ cá nhân, đố kỵ, kìm hãm, phe cánh....Tuy nhiên những hạn chế này chỉ là mặt phụ nhưng cũng cần mạnh dạn nhìn nhận và khắc phục.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng Quảng Xá truyền thống và hiện đại (Trang 31)