Đình, chùa, miếu, điện, nhà thờ họ

Một phần của tài liệu Văn hóa làng Quảng Xá truyền thống và hiện đại (Trang 46)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Đình, chùa, miếu, điện, nhà thờ họ

Là mảnh đất chịu nhiều mưa bom, bão đạn và sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên con người Quảng Xá phải luôn biết khắc phục, ứng phó để tồn tại. Tôn thờ các đấng thần linh cũng là một trong các biện pháp (dẫu mang tính thần bí) để ứng phó trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Bởi vậy, từ khi lập làng, dân làng đã nghĩ ngay đến việc dựng đình, chùa, miếu điện của làng, các dòng họ đã lập nhà thờ họ để thờ phụng tổ tiên.

* Đình “là nơi thiêng liêng – nơi thờ thành hoàng làng – người đại biểu tinh thần cho cả làng” [61;231] và cũng là nơi sinh hoạt của cộng đồng mỗi khi có hội họp, hội hè, văn nghệ. Đây được coi là một trung tâm sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá –xã hội của cộng đồng làng. Với ý nghĩa đó, đình làng Quảng Xáđã được xây dựng vào năm 1943.

Đình làng Quảng Xá đặt ở cuối làng, gần bờ sông Kiến Giang, xoay mặt theo hướng Bắc-Nam. Về cơ bản kiến trúc của đình làng Quảng Xá giống đình các làng quê phía Bắc. Đình là một kiến trúc có quy mô to nhất, cao nhất ở trong làng bởi vì theo ý nghĩ của người dân nơi đây thì đình có tầm quan trọng, ảnh hưởng tới sự thịnh vượng và sức khoẻ của cả làng. Đình làng có kết cấu mái đình với góc mái cong (gọi là đao mái), cột bằng lim, có vì kèo, xuyên, trếng. Đình được làm theo kiểu 3 gian 2 chái, có thêm phần tiền sảnh với đình thờ chính thành hình chữ U. Mặt trước đình có hai trụ biểu chính có gắn đôi kỳ lân, hai trụ góc hình búp sen, mặt trụ có câu đối bằng chữ Hán, gắn những mảnh sành khá tinh xảo. Lùi vào vài mét có bức bình phong, mặt ngoài bình phong đắp nổi hình 2 con hổ đang đứng dưới hai tán cây, mặt trong hình rồng đang “vũ hội long vân”. Lùi khoảng 1m đắp hình độc lư bằng gạch để hóa vàng, hai bên dựng hai cột cờ bằng gỗ lim để treo hai lá cờ đại vào dịp làng tế lễ. Giữa sân cỏ có con đường lát gạch chạy thẳng đến sân trong (cao hơn sân ngoài một bậc có dấn tam cấp).

* Nếu “đình là cái hồn của làng thì chùa là cái đạo của làng”. Đặng Xá cũng có chùa như bao làng khác nhưng không phải chùa của Hội Phật giáo mà là chùa của làng.

48

Không ai còn nhớ chính xác thời gian chùa được xây dựng mà chỉ biết là có từ trước năm 1945. Chùa được đặt cạnh đình làng, sát bờ sông Kiến Giang. Không như chùa lớn ở một số nơi, chùa làng Quảng Xá chỉ một gian, trong đó có một bệ thờ bằng đá, được người xưa gọi là “Phật bàn” hay “Phật thạch bàn” tức là bàn đá thờ Phật như một nhang án, không đặt tượng Phật mà chỉ thờ tranh Phật. Ngay rằm, ba mươi hàng tháng đều có phật tử đến viếng hương khói.

* Chịu ảnh hưởng của Nho giáo nên dân làng Quảng Xá cũng lập nơi thờ tự để duy trì đạo Khổng, đó là Điện văn thánh (thờ Khổng Tử và 72 vị thánh hiền). Điện được đặt giữa làng. Kiến trúc của điện là một ngôi đền nhỏ khoảng 150m2. Phía trước có sân rộng, trồng mấy cây bàng cổ thụ. Phía ngoài có cổng đền, hai bên cổng có tường thấp chạy về hai phía. Trong đền có bệ thờ, lư hương, bài vị, tranh Khổng Tử. Làng tổ chức ngày cúng lễ vào rằm tháng 2 hàng năm.

* Là làng thuần nông, phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố đất đai, nước, lửa, thời tiết nên con người Quảng Xá rất coi trọng việc thờ tự những vị thiên thần. Ngoài các miếu Bà (thờ bà Thổ, bà Hoả), miếu Bà Giàng (bà Trời), miếu ông (ông Trời), miếu ba (thờ ba ông Họ khai khẩn), Nền Vải (tức là đền thờ Thần Nông), Nền Giương (nền xã tắc thờ trời đất, chạy quân độ vào cuối năm), miếu thờ Trần Hưng Đạo, miếu thờ Bà Trưng-Bà Triệu, miếu trên (miếu thượng), làng Quảng Xá còn có miếu thờ “Thần Giếng” mà không nơi nào có được.

Kiến trúc của miếu nhìn chung là một bệ có cạnh 2m.2m, cao trên dưới 1,5m. Trên xây kín 3 phía, phía trước có 2 cửa ván đẩy, hoặc một tấm sáo trúc che; trên mái hình nóc chùa, hay 4 mái cân đối, lợp bằng ngói vảy cá. Bệ thờ chia 2 bậc: bàn thượng và bàn hạ. Có miếu đặt mộc chủ lư hương, có miếu chỉ lư hương. Thường ông từ thắp hương vào rằm và mồng một hàng tháng.

* Nhà thờ họ:

Người xưa đã nói: “Mộc chi hữu căn, thuỷ chi hữu nguyên, nhân chi hữu tổ” (cây có rễ, nước có nguồn, người có tổ tiên). Làng Quảng Xá được khai sinh là nhờ 3 dòng họ Dương, Nguyễn, Trần từ Bắc di cư vào. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn tổ tiên, các dòng họ đã tiến hành xây dựng nhà thờ của họ mình. Hiện nay

49

ở Quảng Xá có 3 nhà thờ họ là nhà thờ họ Dương, nhà thờ họ Nguyễn, nhà thờ họ Trần

Kiến trúc chung của các nhà thờ họ giống như ngôi đình làng cũ. Chung quanh có tường bao la thành, mặt trước có cửa “tam quan” hay “ngọ môn” (cửa có mái), hai bên có hai cửa hông tả hữu. Nhà thờ họ thường làm 3 gian 2 chái, mỗi gian có bề rộng 2,50m, chiều sâu 5m. Nền có giật cấp hạ thứ 0,40m; cột kèo, xuyên trếng bằng gỗ lim, vì kèo gồm 2 cột mạ, 2 cột con, 2 kèo, 1 trếng có nối hạ thứ 1 cột. Nhà xây bằng đá, lợp ngói liệt (sau thay bằng ngói móc); trên nóc có lưỡng long triều nguyệt. Hai bên hạ thứ có 2 cột nanh hình trụ mặt tròn, có câu đối chứ khảm mảnh sành; trên nóc có 2 con nghê đắp nổi chầu hầu.

Phần nội thất: gian giữa thờ tượng ngài Tiền khai khẩn ngồi trên ngai vàng, bàn thờ đặt sát tường có đắp áp tường hình hai con hạc chầu bằng những mảnh sành tinh xảo. Ba gian có 3 bàn thờ. Phần trước bàn thờ có hương án, có đặt bát hương lớn; bàn thờ giữa có 2 con hạc gỗ lớn đứng trên lưng con rùa. Gian bên phải thờ phúc, gian bên trái thờ thần. Phía trên xà của mỗi gian có 3 bức hoành phi. Trong sân khuôn viên được lát đá liếp thẳng tắp (nay đổ bê tông). Bao quanh là nạp tàu chè, nay được xây bằng tường, tạo sự kiên cố và trang nghiêm của nhà thờ họ.

Có thể thấy, Quảng Xá là một làng quê hội tụ đầy đủ tổng thể kiến trúc dân gian của một làng thuần Việt. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá thảm khốc nên đình, chùa, điện và một số miếu của làng không còn nữa. Hiện nay chỉ còn một số miếu, am thờ và các nhà thờ họ được sửa sang lại khang trang hơn trước rất nhiều.

Một phần của tài liệu Văn hóa làng Quảng Xá truyền thống và hiện đại (Trang 46)