Truyền thống học tập và khoa bảng

Một phần của tài liệu Văn hóa làng Quảng Xá truyền thống và hiện đại (Trang 81)

6. Cấu trúc của luận văn

3.5. Truyền thống học tập và khoa bảng

83

Làng Quảng Xá (Quảng Bình) nổi tiếng với truyền thống hiếu học và truyền thống dạy học từ xưa đến nay.

Người đặt nền móng cho sự học của làng là cụ lý trưởng Nguyễn Ngồi. Quảng Xá vốn không có đại khoa, nhưng năm 1929, thấy con em trong làng ham học nhưng không có tiền đi học xa, cụ tự bỏ tiền xây 3 phòng học, xin quan phủ mở trường dạy chữ Quốc ngữ. Từ đó, thanh thiếu niên trong làng và các thôn lân cận sớm được học hành. Là một vùng thuần nông nhưng Quảng Xá có truyền thống hiếu học nhất nhì Quảng Bình.

Người làng Quảng Xá nên danh nên tước ở ngoài xã hội cũng nhờ sự hiếu học mà nên. “Từ đời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đến cuối triều Nguyễn, Quảng Xá có nhiều người đỗ đạt khoa bảng làm quan ở nhiều nơi như quan án sát Hải Dương, Dương Văn Trinh; quốc sư Nguyễn Nhuận dạy vua Hàm Nghi, cử nhân Dương Văn Yên, Dương Văn Ứng; tướng thần Dương Thế Oai, tổng lãnh Dương Viết Thạc, Dương Viết Căn, Thừa phủ Phú Xuân: Nguyễn Văn Dụ, Dương Văn Nhâm” [17;55].

Quảng Xá được xếp vào hạng “làng thầy” khi tú tài Nguyễn Nhuận được vua Hàm Nghi mời vào triều dạy vua và phong làm quốc sư. Nghiệp dạy học của làng cũng khởi từ đó. Trước năm 1945 đã có 15 thầy giáo đi dạy học khắp vùng hai huyện, trong đó có 12 thầy giáo tham gia cách mạng trước năm 1944. Hiện nay đội ngũ giáo viên của làng đã có trên 500 người đang ngày ngày đứng trên bục giảng từ Nam chí Bắc, chưa kể hàng chục giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại các trường đại học, giáo viên nghỉ hưu, rồi hàng trăm sinh viên đang học các trường sư phạm... tích chữ thành thầy. Trung bình cứ 1,5 nhà ở Quảng Xá có 1 giáo viên. Những gia đình có 5 người làm nghề giáo trở lên có khoảng mươi nhà, còn nhà có từ hai đến ba người thì có khắp cả làng. Ở Quảng Xá có những dòng họ có hơn 100 giáo viên, nhà giáo ưu tú như họ Dương, họ Nguyễn... Một tình cờ hiếm thấy về họ Dương mà chúng tôi biết được là “họ nhạc sĩ” nhưng cũng là “họ nhà giáo” với các tên tuổi của Nhà giáo nhân dân-nhà giáo ưu tú Dương Viết Á, các nhà giáo ưu tú: Dương Viết Thắng, Dương Viết Thế, Dương Viết Tuynh, Dương Viết

84

Bát,... “Câu lạc bộ nhà giáo” được coi như trung tâm khuyến học của làng, vừa cố vấn vừa hỗ trợ cho nhà trường hoạt động tốt. Ngày 20 tháng 11 hàng năm trở thành “hội làng, hội nghề” truyền thống của làng.

Trò chuyện với nhiều thầy giáo, cô giáo của làng, chúng tôi nghiệm ra một điều rằng: hình ảnh người thầy “in dấu” rất đậm trong lòng mỗi học trò. Cảm động khi nghe câu chuyện xưa: lúc Vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt, vì chúng không có cách gì để xác mimh đó là vua Hàm Nghi nên đã nghĩ ra một cách thâm độc là “lên kế hoạch bố trí một cách thật vô tình cho vị vương sư gặp học trò cũ: vua Hàm Nghi tại chợ phiên Ba Đồn (lúc đó Nguyễn Nhuận đang làm quan ở Tuyên Hoá). Người Pháp dự đoán rằng, nếu một trong hai người, nhà vua hoặc ông Nhuận trong cuộc hội ngộ bất ngờ không biết trước mà có vẻ ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bối rối thì nhất định đó là vua Hàm Nghi. Quả nhiên, trong một địa điểm sắp xếp trước, nhà vua đang thơ thẩn ngồi một mình, bỗng thấy thầy học cũ bước chân vào nhà, thì, như một quáng tình từ lúc còn bé, đứng dậy vòng tay, chào thầy! Vị vương sư đứng khựng lại, ngẩn người ra... rồi té xỉu... Thế là đủ.... Người Pháp đã đủ chứng thực để xác định đây có phải là vua Hàm Nghi hay không, còn nhà vua thì trước sau không quên đạo nghĩa thầy trò và người đời thì được một bài học quý giá về gương sáng của “quân sư trọng đạo”. Sau đó, ông Nguyễn Nhuận bị bắt vào Huế để triều đình nghị tội và vua Hàm Nghi thì bị đày sang Algerie (Phi Châu)”[74;347-348].

Các thế hệ con cháu dù được hay không được học trực tiếp với các thầy giáo cô giáo đi trước nhưng hai tiếng “chào thầy”, “chào cô” hay cách gọi thân thương như “thầy Mười”, “thầy Thủ”, “thầy Trung, “cô Mai”, “cô Chê”, “cô Châu”,... vẫn được dân làng trìu mến gọi. Chính từ sự khâm phục, lòng quý trọng các thầy cô giáo của mình, họ quyết định theo nghề dạy học. Điều này phần nào giải thích sự trùng hợp trong việc chọn lựa nghề nghiệp của nhiều thế hệ con em làng Quảng Xá. Nhiều học trò cũ, sau khi ra trường đã trở về quê dạy học. Bởi vậy, ngoài quan hệ họ tộc, đồng nghiệp, xóm giềng, giữa họ còn nặng nghĩa thầy trò.

85

Truyền thống hiếu học của làng đang tiếp tục được giữ gìn và phát huy với phong trào đọc sách từ già đến trẻ, từ cán bộ đến hưu trí. Để phục vụ nhu cầu khát vọng tri thức, làng đã lập thư viện với đầy đủ các loại sách báo, tạp chí do con em làng Quảng Xá trên cả nước quyên góp ủng hộ. Đây là “thư viện làng” sớm nhất của tỉnh (mở cửa ngày 1.1.2001). “Thư viện làng” có thủ thư, có sổ theo dõi, mượn trả rất nghiêm túc. Thư viện được lập ra không chỉ cho người làng mà còn tạo cơ hội cho cả năm làng xung quanh cũng về đọc. Nhìn vào sổ theo dõi từ ngày thư viện làng mở cửa đến nay đã có hơn 9.000 lượt người mượn sách. Biết được chuyện hay của một vùng quê hiếu học, Vụ trưởng Vụ thư viện Bộ Văn hoá – Thông tin, bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần, đã về trao tặng 518 quyển sách là quà của Thư viện Quốc gia cho thư viện Quảng Xá và nói: “Đây đúng là một địa chỉ văn

hoá để cho cả nước tham quan học tập”. Nét đẹp trong văn hoá đọc ở làng Quảng

Xá đã và đang góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư, nâng cao giá trị tinh thần của một làng văn hoá tiêu biểu cấp Tỉnh là một mô hình tốt để nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn huyện.

Trên cơ sở của một nền giáo dục từ xưa để lại, đặc biệt là vai trò giáo dục của gia đình, dòng họ góp phần tạo nên thuận lợi cho truyền thống hiếu học của con em làng Quảng Xá luôn phát huy. Ngay từ những câu đối cổ với đầy chữ nghĩa răn dạy con cháu, làng vẫn giữ gìn cẩn thận và nguyên vẹn ở các nhà thờ họ:

Thiên địa hữu sinh thiên địa ngẫu Đế vương chi hậu đế vương sư (Sinh ra trời đất là quy luật tự nhiên Sinh ra vua phải có thầy dạy vua)

Đây là câu đối sơn son thiếp vàng của vua Hàm Nghi tặng thầy Nguyễn Nhuận khi ông từ chối ở lại làm quan to để về Tuyên Hoá khai sáng cái chữ cho dân tình. Tinh thần thương dân, gần dân của thầy Nguyễn Nhuận, đặc biệt là sự quý trọng nghề giáo của vua Hàm Nghi đã thắp sáng ý chí con em Quảng Xá nối tiếp truyền thống đó [82].

86

Hay ở nhà thờ họ Nguyễn có câu đối:

Thiên tải triệu bồi dư địa mạch Nhất đồ văn võ xuất nhân tài (Đất phù sa ngàn vạn năm bồi đắp

Một mặt chăm lo học tập thì sẽ có người tài)

“Địa linh nhân kiệt” nhưng “nhân kiệt cũng sinh ra địa linh”, từ con người sẽ làm nên tất cả và “hiển vinh đời đời”.

Ngày xưa Nho học, làng có hội tư văn, có đền văn chỉ thờ Khổng phu tử là biểu tưởng việc “Tôn sư trọng đạo” của dân làng. Ngày nay, làng được ca ngợi là “làng học, làng thầy” với biểu tượng “Nghiên Viết” mà cha ông từ xưa để lại vẫn đứng sừng sững giữa Nà như minh chứng cho truyền thống hiếu học của con em trong làng.

3.6. Văn hoá gia đình – dòng họ

Là làng có truyền thống hiếu học và dạy học lâu đời nên ở Quảng Xá, gia đình và dòng họ như “các tiểu văn hóa khác nhau” nhưng luôn có vị trí quan trọng trong vấn đề giáo dục các thế hệ con cháu [2;140]. Vai trò giáo dục của gia đình, dòng họ tạo nên nét đẹp văn hoá truyền thống làng quê Việt Nam.

Ở Quảng Xá, gia đình, dòng họ đều là cộng đồng liên hệ theo huyết thống và phần đông là giáo viên nên thuận lợi cho việc thực hiện các “chức năng vốn có và chức năng có tính xã hội-lịch sử” [11;116].

Nhân dân ta có câu “dạy con từ thuở còn thơ” chính là phản ánh chức năng giáo dục của gia đình. Nhiều gia đình và dòng họ đã tạo ra nếp nhà hay là “gia phong”, “gia phạm”, “gia lễ”, “gia huấn” nhằm duy trì chữ “đạo” làm người cho dòng họ, con cháu mình. Chính từ chân lý đó mà các gia đình ở Quảng Xá đã rất coi trọng các nội dung giáo dục, đứng đầu là chữ Hiếu.

Nuôi dưỡng cha mẹ già là nội dung của đạo hiếu. Đây là nguyên tắc ứng xử cao nhất trong gia đình người Việt Nam đã có từ xa xưa, được Nho giáo bổ sung thêm, tạo nên cái gốc của nhân dân. Ngày nay trên thế giới, thái độ đối với người

87

già được coi là tiêu chí của văn hoá, văn minh. Quảng Xá tiếp nhận được giá trị đó nên đi đâu, ở đâu cũng thấy đối đãi tốt với người già.

Sách xưa có câu “Bách hạnh vi tiên duy lễ dữ hiếu” (nghĩa là: trăm điều

đức hạnh lấy gốc là chữ hiếu làm đầu). Biết dòng họ Dương Quảng Xá hay chữ,

tôn sư trọng đáo, chu lễ với bậc trên kẻ dưới, những người dựng nhà thờ họ Dương vào thời Bảo Đại đã tặng bức hoành phi: “Tư Hiếu”. Ngầm chỉ con cháu họ Dương sống đúng Hiếu thuận, suy nghĩ sâu xa về Hiếu lễ và muôn đời trọng thờ chữ Hiếu. Dòng họ Dương tộc vẫn luôn tự hào với bức hoành phi cổ hai chữ, khắc kiểu đại tử, theo lối thảo: “Quang Dũ” được làm từ thời vua Đồng Khánh (đã gần 200 năm), đang treo lồng lộng trước cửa nhà thờ họ Dương. Bức hoành phi đó răn dạy con cháu của làng phải biết làm rạng danh hương đất, hương làng, phải biết hiếu để với tổ tông để không thẹn với công lao dưỡng dục của mẹ cha.

Các dòng tộc trong cộng đồng làng Quảng Xá thể hiện trách nhiệm giữa các tộc trưởng cùng chức sắc làng chăm lo thuần phong mỹ tục, thực hiện hương ước. Một người trong họ phạm hương ước, cha mẹ chịu tội trước làng, con dại cái mang, tộc trưởng chịu trách nhiệm liên đới.

Quảng Xá là làng quê đẹp với đầy đủ “cây đa, bến nước, sân đình” và cả một hệ thống câu đối cổ ở điện, miếu, nhà thờ họ. Hiện xem lại từng đôi câu đối thấy tính giáo dục của cha ông vẫn còn nguyên giá trị.

Kiều mộc thiên chi nguyên nhất bổn Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên (Cây cao nghìn cành chung một gốc Sông dài vạn nhánh vẫn chung dòng)

Đôi câu đối cổ ấy khắc trên từ đường họ Dương vẫn còn uy nghi răn dạy muôn con cháu nhớ về nguồn về cội, về tổ về tiên dù thành bại trên đường đời vạn dặm.

Ngoài ra, làng vẫn còn lưu giữ một số sắc phong của tiền nhân để lại. Đấy là 3 sắc phong của vua Minh Mạng ban cho Án Sát-Dương Văn Trinh. Chúng được bảo quản kỹ lưỡng, không bị mối mọt gặm nhấm. Nhưng quý nhất vẫn là ấn

88

triện bằng ngà voi của quan án sát được lưu giữ hơn 180 năm. Tương truyền, khi truyền lại ấn ngà, Án Sát Dương Văn Trinh dạy con cháu rằng, ấn triện chữ nghĩa rõ ràng, khí tiết con người cũng bày tỏ từ đó, cháu con phúc phận, cần phải giữ lấy nền nếp cho nên người.

Lưu giữ và học tập những tinh hoa và khí phách của cha ông chính là một nét văn hoá trong giáo dục của gia đình và dòng họ ở Quảng Xá. Phương pháp nêu gương đã trở thành phương pháp răn dạy chủ yếu của các gia đình, dòng họ ở Quảng Xá. Chính vì thế, không có gì lạ khi thấy nhiều thế hệ người dân làng Quảng Xá nối tiếp truyền thống “làm thầy” bao đời nay.

Được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, được sự giáo dục chu đáo của gia đình, dòng họ nên con người Quảng Xá có ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn, không lùi bước trước thất bại nào. Theo như lời ông Dương Viết Thủ “con em trong làng quý cái chữ nên cố gắng học hành. Dù không được làm to nhưng học để thoát nghèo là một ước mơ cháy bỏng của các thế hệ”. Rất đơn giản nhưng mang ý nghĩa xã hội to lớn.

Gia đình, dòng họ ở Quảng Xá còn là một tổ chức sinh hoạt mang tính cộng đồng nhỏ. Các hoạt động như thăm hỏi nhau, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp trở ngại, khuyến học khuyến tài, thờ cúng tổ tiên, dẫy mả họ... vẫn diễn ra thường kỳ nhằm duy trì các truyền thống tương thân tương ái, răn dạy con cháu nhớ về cội nguồn mà phấn đấu xây dựng tương lai rạng rỡ.

“...Làng ta nhỏ, lẽ thường dân tốt Sống không tham bóc lột của ai Nhiều năm đói kém bệnh trời Cháo cơm cứu giúp, áo tơi đỡ đần ...

Quanh năm việc họ, việc làng

Du xuân, tảo mộ lại càng thêm vui....”

89

Văn hoá gia đình, dòng họ còn được thể hiện trong cách giao tiếp, ứng xử với mọi người và môi trường xung quanh. Ở Quảng Xá, con người luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Đó là sẵn sàng cung kính khi gặp người già, người lớn tuổi; sẵn sàng chỉ bảo trẻ em thơ; sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn; sẵn sàng lắng nghe sửa sai khi có lỗi; sẵn sàng chung tay vì việc công cho môi trường xanh, sạch, đẹp... Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hình thành một làng có văn hoá bề dày từ bao đời nay cần gìn giữ.

Văn hóa gia đình – dòng họ “là một bộ phận của văn hóa dân tộc có chiều sâu và rộng, riêng và chung hài hòa, phong phú, đa dạng; là những giá trị thiêng liêng sâu thẳm trong tâm khảm của các thế hệ”[22;7] nên việc giữ gìn văn hóa gia đình – dòng họ cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh những mặt tích cực trong đời sống văn hóa, một số bộ phận người Quảng Xá vẫn còn khá nặng nề những tư tưởng cục bộ hẹp hòi, “chính quyền của họ”, “chi bộ của họ”, thậm chí còn gây ra hiện tượng phe cánh gây mất đoàn kết trong làng; thiếu tinh thần trách nhiệm với lợi ích chung; mê tín dị đoan trong đời sống tín ngưỡng dân gian; tâm lý “sống lâu lên lão làng”, thái độ gia trưởng, độc đoán, có phần hạn chế ngăn cản sự sáng tạo của lớp trẻ; nặng nề, tốn kém trong cưới xin, ma chay, khao vọng, hội lễ;...Những biểu hiện tiêu cực đó đang tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của làng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Tiểu kết

- Nhìn chung, Quảng Xá có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, đặc sắc như các làng Việt. Tuy nhiên điểm khác biệt là mức độ và quy mô không bằng so với những làng khác, đặc biệt là làng xã ở Bắc Bộ, vì điều kiện địa lý và lịch sử quy định. Chẳng hạn ở Bắc Bộ có nhiều hội làng và nhiều lễ hội lớn mang tính vùng, quốc gia. Còn ở Quảng Bình nói chung, Quảng Xá nói riêng thì quy mô lễ hội nhỏ hơn, phần lớn các lễ hội được tổ chức trong phạm vi làng hoặc liên làng.

90

- Nằm trong dải đất Quảng Bình khói lửa, đầy mưa bom bão đạn nhưng người dân Quảng Xá vẫn kiên cường bám đất, bám làng, giữ vững truyền thống văn hoá. Giặc có thể tàn phá nhà cửa, ruộng vườn nhưng không thể làm mất lời ca, tiếng hát và lòng yêu quê hương đất nước.

- Gắn liền với các đợt di cư con người là đời sống văn hoá, kinh tế, xã hội...

Một phần của tài liệu Văn hóa làng Quảng Xá truyền thống và hiện đại (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)