4. Phương pháp luận nghiên cứu
4.3.3. Nhân tố "Hàng hóa"
Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nhà cung cấp để đảm bảo khối lượng hàng hóa luôn sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu mọi lúc của khách hàng. Doanh nghiệp nên chủ động sắp xếp những cuộc gặp gỡ với đối tác, bàn bạc về vấn đề lượng đặt hàng và giá cả để đảm bảo hai bên luôn thực hiện hợp đồng đúng hạn.
Doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường về những sản phẩm mới có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lí để liên hệ nhà sản xuất, đàm phán và đặt hàng cho siêu thị để siêu thị luôn có những mặt hàng mới làm phong phú danh mục hàng hoá đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.
Hệ thống kiểm tra đầu vào của siêu thị cần phải hoàn thiện hơn nữa về chức năng cũng như nhiệm vụ lựa chọn các hàng hóa có chất lượng để bày bán trong siêu thị. Ở khâu này các siêu thị cần có chiến lược “hội nhập dọc” phù hợp để có được những hàng hóa chất lượng bày bán trong siêu thị.
Xây dựng một hệ thống kiểm tra định kỳ chất lượng cũng như hạn sử dụng của hàng hóa bày bán và kể cả các hàng trong kho. Để kịp thời xử lý những hàng hóa sắp hết hạn và loại bỏ đi những mặt hàng hết hạn ra khỏi các quầy hàng bày bán cần có các nhân viên chuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nhãn mác, bao bì của hàng hóa sau mỗi ngày kinh doanh. Các nhân viên này ngoài việc kiểm tra các nhãn mác, bao bì hàng hóa bị hư hỏng do quá trình tham quan, mua sắm của khách hàng còn phải thực hiện nhiệm vụ bày trí lại các sản phẩm bị xáo trộn đúng với các quầy hàng của nó.
Đối với các sản phẩm tươi sống như thủy hải sản, rau quả, trái cây siêu thị cần chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm này để tạo tâm lý an tâm cho khách hàng khi mua sắm như đặt nhãn hiệu lớn ghi đầy đủ thông tin xuất xứ, chất lượng cần thiết cho khách hàng biết.
Liên tục cập nhật các loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng qua các phiếu thăm dò ý kiến của khách hàng kết hợp trong quá trình diễn ra các chương trình khuyến mãi.