Khiêm Lăng được đánh giá là một trong những lăng đẹp nhất của hệ thống lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế, xét cả về mặt cảnh quan, kiến trúc và tạo hình. Trong Khiêm Lăng tồn tại các dạng thức trang trí rất phong phú và đa dạng. Đó là các mảng trang trí bằng pháp lam, vôi vữa đắp nổi, khảm sành sứ, vẽ bột màu, điêu khắc đá, trang trí trên gỗ và ốp (hoặc gắn) gốm tráng men lên các công trình kiến trúc.
Pháp lam được trang trí trên bờ nóc và bờ quyết của Hòa Khiêm Điện và Bi Đình. Vôi vữa đắp nổi giả ngói ở trên Vụ Khiêm Môn. Vẽ bột màu xuất hiện trên Lương Khiêm Điện. Khảm sành sứ hiện diện trên tường, cổ diêm, máng xối, bờ nóc, bờ quyết… ở hầu khắp các công trình. Điêu khắc đá xuất hiện với hình tượng các con rồng, con giao ở trên các thành bậc ra vào các công trình, hệ thống tượng đá ở sân chầu. Trang trí trên gỗ với các đề tài hoa,
lá, cây cỏ, bát bửu… trên các liên ba, đố bản, trến, kèo giao duyên… trong nội thất Hòa Khiêm Điện, Lương Khiêm Điện, Minh Khiêm Đường, Xung Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn… Hệ thống cửa gỗ còn được sơn son thếp vàng, gắn thêm các hoành phi. Đặc biệt, gốm tráng men chiếm một vị trí chủ đạo trong Khiêm Lăng. Chúng xuất hiện trên khắp các công trình kiến trúc, chính cũng như phụ, từ bình phong, cổng ngõ cho tới Bi Đình, tẩm điện và mộ vua.
Kiến Phúc là con nuôi của vua Tự Đức. Sau khi ông qua đời, triều đình đã quyết định an táng vua Kiến Phúc trong lăng của vua Tự Đức. Lăng mộ của ông được đặt tên là Bồi Lăng, nằm bên phải khu mộ vua Tự Đức và mộ Lệ Thiên Anh hoàng hậu. Bồi Lăng là một công trình kiến trúc khá giản đơn, có sự tham gia của một số loại hình trang trí như khảm sành sứ, vẽ bột màu, vôi vữa đắp nổi, gốm tráng men và trang trí trên gỗ.