ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ CỦA CÁC LOẠI GỐM SỨ TRÊN CÁC TRANG

Một phần của tài liệu Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (ko kèm phụ lục) (Trang 68)

CÁC TRANG TRÍ KIẾN TRÚC TRONG LĂNG TẨM CỦA CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN Ở HUẾ

2.2.1. Đối với loại hình gốm sứ đƣợc sản xuất riêng cho trang trí kiến trúc

Loại hình gốm sứ được sản xuất riêng cho trang trí kiến trúc gồm gạch và ngói (Bảng 3; 5; 7; 9; 11; 13).

- Gạch Bát Tràng tráng men (BA 1) được dùng để lát nền các cung điện quan trọng như: Sùng Ân Điện (Hiếu Lăng); Hồng Trạch Môn, Biểu Ðức Điện, Đức Hinh Lâu (Xương Lăng); Hòa Khiêm Điện (Khiêm Lăng)... Chúng thường “được lát xen kẽ hai màu lục và vàng trên cùng một nền nhà” [59, tr. 310-311].

- Gạch đúc liền khối được dùng làm song chắn ở các lan can trên các công trình kiến trúc. Loại gạch này xuất hiện ở lan can tường bao quanh hồ Lưu Khiêm tại Khiêm Lăng (BA 2; BV 2: 3), có hai màu lục (thanh lưu ly)1 và vàng (hoàng lưu ly). Thường trong một dải ô hộc, người ta ốp nhiều viên gạch loại này với nhau. Đôi khi chúng cũng được ốp xen kẽ với gạch thống phong (BA 2).

- Gạch thống phong được “trang trí ở mặt ngoài phần móng các công trình kiến trúc; để ốp lát trên cổ diêm hay hai bên trụ cổng tam quan; trên hệ thống nữ tường; trên cổ diềm, bờ nóc và bờ mái của các cung điện” [59, tr. 311]. Tại các lăng tẩm, gạch thống phong được trang trí ở nhiều vị trí khác nhau như ô hộc trên các bình phong (Xương Lăng, Khiêm Lăng) (BA 5; 8),

bó vỉa nền móng công trình (Xung Khiêm Tạ, Pháp Khiêm Vu, Lễ Khiêm Vu ở Khiêm Lăng, Công Nghĩa Đường, Minh Ân Viện ở Tư Lăng), trên các cổng (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng và Tư Lăng) (BA 6: 1), bồn hoa (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng), hệ thống cửa sổ (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Tư Lăng) (BA 30: 1), trên tường bao quanh các công trình (Xương Lăng, Khiêm Lăng, Hiếu Lăng) (BA 2: 2; 3; 4; 6: 2; BV 2: 3), trụ biểu (Khiêm Lăng) (BA 7; BV 1: 2; BV 2: 1, 2), cổ diêm (Thiên Thọ Lăng, Hiếu Lăng, Khiêm Lăng, Tư Lăng) (BA 9; 10: 1; 12), bờ nóc, bờ quyết (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, Tư Lăng) (BA 9; 10: 1; 34: 1), đầu hồi (Hiếu Lăng, Khiêm Lăng) (BA 10: 2; 11; 13; 15: 1; BV 1: 1).

Gạch thống phong, còn được gọi là gạch hoa đúc rỗng, được ốp ở nhiều vị trí khác nhau, có khi mỗi viên gạch thống phong được trang trí đơn lẻ, độc lập trong một ô hộc, nhưng thường trong một dải ô hộc người ta ốp kết hợp nhiều viên gạch có cùng kiểu hoa văn hay khác hoa văn với nhau để tạo nên một bố cục hoàn chỉnh. Nhiều lúc, trong một ô hộc vừa kết hợp ốp gạch thống phong vừa khảm mảnh sành sứ lên bề mặt các công trình. Hai màu lục và vàng của gạch vừa được bố trí độc lập nhau, vừa được phối hợp xen kẽ nhau để làm đẹp cho các công trình kiến trúc.

Cùng với gạch, ngói tráng men cũng đóng vai trò tích cực trong quá trình kiến thiết các công trình kiến trúc. Ngói tráng men gồm nhiều loại như: ngói liệt, ngói ống, ngói âm dương, ngói câu đầu, ngói trích thủy. Ở đây, tôi chỉ tập trung trình bày các loại ngói liệt, ngói ống, ngói câu đầu và trích thủy.

- Ngói liệt tráng men hiện diện ở hầu khắp các công trình lăng tẩm. Ngoài tác dụng chính là lợp mái các công trình kiến trúc, chúng cũng được sử dụng trong việc trang trí trên các công trình kiến trúc. Chúng được ốp ở bề mặt trụ cổng (Tư Lăng), hệ thống tường bao quanh các công trình (Hiếu Lăng, Xương

thoát nước (Thiên Thọ Lăng, Hiếu Lăng, Khiêm Lăng) (BA 14: 2), trên các bờ nóc, bờ quyết (Xương Lăng, Khiêm Lăng), bồn hoa (Hiếu Lăng, Khiêm Lăng), bình phong (Khiêm Lăng) (BA 8). Ngói liệt tráng men cũng có 2 màu lục và vàng, thường được trang trí tách biệt nhau. Tuy vậy, trong một số đồ án trang trí, ngói lục và ngói vàng cũng được bố trí xen kẽ nhau để tạo hiệu ứng phối màu.

- Ngói ống tráng men có 2 màu lục và vàng. Chúng thường được ốp xen kẽ nhau trên bề mặt các công trình kiến trúc, ngoài việc sử dụng để lợp mái các công trình kiến trúc, còn được dùng để ốp bề mặt tường bao quanh các công trình (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng) (BA 2: 2; 4), trên bờ nóc (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng, Tư Lăng) (BA 9: 2; 10: 1; 15: 1; 16: 2; 32: 1; 34: 2; 47: 1), bờ quyết (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng, Tư Lăng) (BA 10: 1; 47: 2), đầu hồi (Xương Lăng, Khiêm Lăng, Tư Lăng) (BA 10: 2; 11: 2; 13; 48: 3; 49).

- Ngói câu đầu và ngói trích thủy (BA 5; 9; 10; 12-16) cũng có 2 màu: lục và vàng. Chúng xuất hiện ở hàng dưới cùng của mái công trình với chức năng chính là định hướng giọt nước mưa và trang trí cho diềm mái. Hai loại ngói này hầu như có mặt trên tất cả các công trình kiến trúc lăng tẩm. Ngoài chức năng như đã đề cập trên đây, tôi thấy, trên một số công trình kiến trúc loại ngói này xuất hiện ở vị trí đầu hồi mang chức năng trang trí cho đầu hồi. Điển hình chúng ta có thể thấy ở đầu hồi Bi Đình (Xương Lăng, Khiêm Lăng), Khiêm Cung Môn, Xung Khiêm Tạ (Khiêm Lăng) (BA 10: 2; 12: 1; 13: 2).

Ngoài ra, tại một số công trình kiến trúc lăng tẩm còn có sự hiện diện của loại ngói tráng men được cắt gọt thành nhiều mảnh nhỏ rồi gắn ghép lên trên một số vị trí nhất định để tạo thành đồ án hoàn chỉnh. Hình thức này thường được kết hợp với khảm mảnh sành sứ. Loại hình này thường thấy ở bờ nóc, đầu hồi, máng xối, bình phong trên Thiên Thọ Lăng, Hiếu Lăng, Khiêm Lăng, Tư Lăng và An Lăng (BA 30).

2.2.2. Đối với loại hình gốm sứ gia dụng đƣợc sử dụng làm vật liệu cho trang trí kiến trúc

Kỹ thuật khảm sành sứ hiện diện trên tất cả các lăng tẩm của các vua Nguyễn. Gốm sứ được dùng để khảm là những loại gốm sứ gia dụng (bình, lọ, bát, đĩa, ấm chén), cả thành phẩm lẫn thứ phẩm, đa phần là gốm sứ Trung Quốc, cùng với một số chủng loại gốm sứ Việt Nam, gốm sứ Nhật Bản, gốm sứ châu Âu được nhập về Huế, đập vỡ thành những mảnh nhỏ, rồi được cắt tỉa và khảm thành các đồ án trang trí theo những chủ đề nhất định.

Trong mỗi lăng, tùy vào công năng sử dụng của từng công trình mà khảm sành sứ hiện diện nhiều ít khác nhau. Ở một số công trình phụ, người ta khảm những mảnh sành sứ vào những vị trí thứ yếu như bó vỉa, tường bao quanh các công trình, trụ biểu (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng) (BA 6: 2; 7; 17; 19: 1; 20: 1; 45) nhằm giảm bớt sự nặng nề cho các công trình. Đa số trên các lăng tẩm, khảm sành sứ thường chiếm giữ những vị trí quan trọng trong nội thất cũng như ngoại vi kiến trúc. Chúng thường được tạo tác thành từng tác phẩm độc lập hay các mảng trang trí mang những đề tài hoàn chỉnh. Khảm sành sứ hiện diện trong các ô hộc, bờ tường, cột giả ở nội thất các công trình kiến trúc (Ứng Lăng) cho đến các đầu hồi (Thiên Thọ Lăng, Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng, Tư Lăng), cổ diêm (Thiên Thọ Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng), bờ nóc (Thiên Thọ Lăng, Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng), bờ quyết (Thiên Thọ Lăng, Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng, Tư Lăng), máng xối (Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng, Tư Lăng) (Bảng 2; 4; 6; 8; 10; 12; 14; 16; BA 8; 13: 1; 15; 16; 24-44; BV 13; 15).

2.2.3. Đối với loại hình gốm sứ mỹ thuật đƣợc sử dụng để trang trí kiến trúc

Gốm sứ mỹ thuật được sử dụng để trang trí kiến trúc trên các công trình lăng tẩm Huế gốm 2 loại: tượng gốm (BV 2: 4) và phù điêu gốm. Loại hình gốm sứ này được sản xuất bởi lò Long Thọ. Chúng là loại đất nung được tráng men nhiều màu. Tượng gốm và phù điêu gốm chỉ được trang trí ở Khiêm Lăng và Tư Lăng, không thấy sự hiện diện của nó các lăng tẩm khác. Ở Khiêm Lăng, tượng gốm gồm 4 con nghê và 4 con cá chép tráng men lục trang trí ở mái vọng lâu của Khiêm Cung Môn và bờ nóc của Xung Khiêm Tạ (BA 45; 46). Tại Tư Lăng, tượng gốm và phù điêu gốm được sử dụng rộng rãi, phân bố nhiều vị trí khác nhau trên Ngưng Hy Điện như cổ diêm, bờ quyết, đầu hồi, bờ nóc (BA 47-54), tiêu biểu là tượng những con nghê tráng men vàng được gắn ở các bờ quyết và đầu hồi (BA 47: 1; 49: 2) hay các tượng nhân vật, tượng thú kích thước nhỏ trong các đồ án trang trí ở đầu hồi, bờ quyết, đầu đao hay cổ diêm của Ngưng Hy Điện (Bảng 15).

2.3. HÌNH THỨC VÀ KỸ THUẬT THỂ HIỆN 2.3.1. Hình thức thể hiện

Để làm đẹp cho các công trình kiến trúc, nghệ nhân xưa đã vận dụng tất cả các thủ pháp nghệ thuật với sự tham gia của nhiều loại chất liệu, dưới nhiều hình thức thể hiện. Trong lăng tẩm của các vua Nguyễn, các trang trí kiến trúc có sự tham gia gốm sứ được thể hiện dưới các hình thức khác nhau: mảng trang trí, phù điêu hay tác phẩm độc lập.

2.3.1.1. Mảng trang trí

Trong giai đoạn đầu (từ triều Gia Long đến triều Đồng Khánh), trong các ô hộc trên cổ diêm, bờ quyết, bờ nóc các công trình kiến trúc, người ta khảm nhiều mảnh sành sứ trên nền nề vôi vữa. “Trước tiên, người ta phác

họa đề tài hay cảnh vật muốn trình bày, rồi trên hình vẽ đó, người ta dùng “vôi mật” để đắp dần lên. Như vậy, tất cả các phần được đắp nổi lên; chúng có thể được nâng cao lên bằng nghệ thuật khảm gồm những mảnh sứ, mảnh chai vỡ, một phần lớn các loại này được sử dụng một cách khéo léo, và được phủ lên đầy những hình nổi” [11, tr. 45-46]. Mỗi ô hộc thường trình bày một phần của đề tài. Các ô hộc được liên kết với nhau và diễn tả một đề tài hoàn chỉnh như: tứ linh, tứ quý, bát tiên, tứ thời... ở Thiên Thọ Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng (BA 38; 50; 51; 52; 54). Tuy nhiên, cũng có khi việc khảm sành sứ chỉ đơn thuần nhằm giảm bớt sự nặng nề cho các công trình kiến trúc mà không theo một chủ đề trang trí nào cả. Đó là việc ghép các mảnh sành sứ ở các bó vỉa, ở bề mặt (phần phân cách giữa các ô hộc) các cổng, hay ô hộc các trụ biểu (BA 6: 2; 7; 17; 19: 1; 20: 1; 45).

Đến giai đoạn sau (từ triều Khải Định đến khi nhà Nguyễn cáo chung), nghệ thuật khảm sành sứ có một bước tiến vượt bậc “những mảnh sành sứ, thủy tinh được cắt, gọt, tỉa đến từng đơn vị nhỏ nhất để trở thành những đài hoa, cánh lá... mà khi tập hợp những đơn vị này vào một họa tiết thì họa tiết đó tự thân hình thành, không có sự giới hạn của nét vẽ hay đắp vữa nữa” [56, tr. 188]. Công trình đánh dấu sự phát triển cao về nghệ thuật khảm sành sứ trong giai đoạn này chính là Thiên Định Cung ở Ứng Lăng (BA 37-44). Với công trình này, người nghệ nhân không bị phụ thuộc vào khuôn mẫu của các nét vẽ hay đắp vữa nữa. Bằng tài năng của mình, họ “chọn màu sắc, họa tiết tùy hình dạng gắn vào những chỗ phù hợp tạo ra những bông hoa rực rỡ với những cánh hoa, những chim - thú sống động và có hồn, tả được những chất mềm mại hay rắn của từng vật thể. Nghệ nhân đã lợi dụng được màu men và màu hoa văn của mảnh sành sứ, với những thủy tinh màu trong suốt, tạo sự tương phản giữa cái trầm, đanh với cái óng ả, trong trẻo, và được làm phong phú do sự phản quang qua lại, làm cho các hình đã đẹp ở nét và mảng lại đẹp ở màu nữa. Nó thực sự là

Ngoài ra, chúng ta còn thấy có sự kết hợp giữa khảm mảnh sành sứ với các mảng gốm tráng men và thủy tinh màu để tạo thành những đồ án trang trí hoàn chỉnh. Trang trí ở đầu hồi Ngưng Hy Điện là một minh chứng rõ nét nhất. Mảng trang trí nơi đây được thể hiện thành hình cuốn thư cách điệu, trên đó, các mảnh gốm sứ được khảm thành hình các loài hoa, quả, cây, lá, đồ vật, chữ Hán... tạo thành một đồ án hoàn chỉnh và bắt mắt (BA 30).

Gạch thống phong tráng men là một trong những loại gốm được sử dụng để tạo thành các mảng trang trí đa dạng trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn. Tiêu biểu là những đồ án trang trí hình cái khánh ở đầu hồi Khiêm Cung Môn, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường trong Khiêm Lăng (BA 10: 2; 11).

Gạch thống phong với hai màu men chủ đạo là lục và vàng, nhưng lại có nhiều kiểu hoa văn khác nhau. Để tạo ra các mảng trang trí bắt mắt, người nghệ nhân đã khéo léo kết hợp ốp nhiều viên gạch thống phong có hoa văn khác nhau trong cùng một ô hộc, hoặc có khi chỉ ốp một loại gạch thống phong có cùng hoa văn và màu sắc. Sự kết hợp linh hoạt và đa dạng về hoa văn cũng như màu sắc của gạch thống phong trong một ô hộc, hay giữa các ô hộc với nhau khiến cho công trình càng trở lên lung linh và tráng lệ. Hai màu vàng và lục của loại gạch này, lúc thì tách biệt nhau, lúc gắn kết với nhau đã làm nên sự đa dạng, phong phú trong cách thức phối màu, khiến cho các đồ án trang trí trở nên sống động, rực rỡ, góp phần tạo nên nét tráng lệ của công trình kiến trúc.

Các mảng trang trí được tạo ra bởi loại gạch thống phong phân bố ở khắp nơi từ ô hộc trên các bình phong, đến các tường bao, bồn hoa, bó vỉa cho đến bờ nóc, bờ quyết, đầu hồi, cổ diêm... trên các công trình kiến trúc. Trong đó, Hiếu Lăng, Xương Lăng và Khiêm Lăng là những nơi có nhiều mảng trang trí được ốp từ gạch thống phong tráng men màu (BA 2; 4-13; BV 1; BV 2: 1, 2, 3).

2.3.1.2. Phù điêu

Ngoài các mảng trang trí bằng mảnh gốm và gạch tráng men, phù điêu gốm cũng được sử dụng để trang trí trên các công trình kiến trúc lăng tẩm. Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng là một công trình kiến trúc có sự hiện diện của loại hình trang trí độc đáo này. Các bức phù điêu bằng gốm tráng men nhiều màu được trang trí ở nhiều vị trí khác nhau như cổ diêm, đầu hồi, bờ quyết, bờ nóc (BA 47-54).

Với những đồ án trang trí có kích thước vừa phải, người ta chế tác thành các bức phù điêu hoàn chỉnh và gắn chúng vào những vị trí đã định sẵn. Đối với những đồ án trang trí có kích thước lớn, người ta phải chế tác các mảng phù điêu riêng biệt, mỗi mảng thể hiện một phần nội dung đồ án trang trí, sau đó mới ghép các mảng phù điêu với nhau để tạo thành một đồ án hoàn chỉnh.

Tiêu biểu cho hình thức thể hiện này là các mảng phù điêu gốm trang trí ở đầu hồi và cổ diêm Ngưng Hy Điện trong Tư Lăng.

2.3.1.3. Tác phẩm độc lập

Một hình thức trang trí bằng gốm khác cũng xuất hiện trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế. Đó là sử dụng các tượng gốm hoặc dùng mảnh gốm sứ kết hợp với các loại chất liệu khác như vôi, vữa để tạo thành các tác phẩm trang trí độc lập trên các công trình kiến trúc. Nếu như các mảng trang trí ghép, khảm bằng gốm sứ và gạch tráng men hay những mảng trang trí bằng phù điêu gốm tạo nên nét tráng lệ cho công trình, thì các tác phẩm độc lập này lại là những điểm nhấn làm nên sự uy nghi, đường bệ cho công trình.

Các tác phẩm độc lập thường tọa lạc ở bờ nóc, bờ quyết, đầu hồi, máng xối với hình thức khảm mảnh sành sứ đơn thuần hoặc kết hợp giữa khảm mảnh sành sứ và gốm tráng men màu, hay đôi khi là những tượng gốm tráng men màu. Chủ đề thể hiện của hình thức này thường là các loại thú như: rồng,

lân, rùa, phượng, dơi, cá..., với một số kiểu thức như dơi ngậm kim tiền, lưỡng long, hồi long, cá chép... , được thể hiện trên các công trình kiến trúc trong Thiên Thọ Lăng, Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, Tư Lăng và An Lăng (BA 8; 12: 2; 13: 1; 15: 1; 24-29; 32: 2; 36; 45; 46; 48; 49; BV 2: 4).

2.3.2. Kỹ thuật thể hiện

Chúng ta thấy rằng trên các công trình kiến trúc lăng tẩm, gốm sứ tham gia vào quá trình trang trí rất đa dạng về loại hình và nguồn gốc xuất xứ; phong phú về hình thức thể hiện; phân bố ở nhiều vị trí khác nhau. Vì vậy, một khó khăn, thách thức rất lớn đối với các nghệ nhân phải làm sao để có thể diễn tả được cái hồn và thần thái của các đồ án trang trí dựa vào một loại chất liệu thô cứng như gốm sứ. Những nghệ nhân tài ba bậc nhất của triều đình đã vận dụng tất cả những kỹ thuật mà mình hiểu biết để trang hoàng các công

Một phần của tài liệu Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (ko kèm phụ lục) (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)