Tượng hoặc phù điêu nguyên khối tráng men màu trang trí trên các kiến trúc trong lăng tẩm các vua Nguyễn là loại hình khá đặc biệt, chỉ xuất hiện ở Khiêm Lăng và Tư Lăng. Tượng và phù điêu gốm này chủ yếu là sản phẩm của lò Long Thọ. Chúng được chế tác với chủ đích dùng để trang trí cho các công trình kiến trúc, với nhiều chủ đề khác nhau: tượng nghê, tượng nhân vật, động vật... bằng gốm tráng men nhiều màu. Trong đó có những tác phẩm rất
“dân dã” như các tượng gốm với các chủ đề: Ngư - tiều - canh - mục, Cầm - kỳ - thi - tửu, Bạng duật tương trì ngư ông đắc lợi... được trang trí trên Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng. Việc dùng tượng gốm tráng men với các đề tài “dân dã” như trên để trang trí cho một công trình quan trọng thuộc dòng kiến trúc cung đình như Ngưng Hy Điện đã thể hiện sự táo bạo của nghệ nhân trong việc lựa chọn chất liệu và chủ đề trang trí. Đây cũng là một điểm nhấn thú vị trong trang trí kiến trúc cung đình cuối thời Nguyễn.
Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng, Khiêm Cung Môn và Xung Khiêm Tạ ở Khiêm Lăng là những công trình kiến trúc được trang trí bằng tượng và phù điêu gốm nguyên khối (BA 45-54). Những tượng gốm này thường được bố trí theo từng cặp, có tính đối xứng trên các công trình kiến trúc, trong khi, các phù điêu gốm thường được bố trí kết hợp theo những chủ đề nhất định như: tứ linh, tứ quý, phong cảnh, sinh hoạt đời thường...
2.3.2.2. Lắp ghép các mảng gốm thành đồ án hoàn chỉnh
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, ngoài sự góp mặt của các loại gốm tráng men (gạch, ngói, tượng và phù điêu) nguyên vẹn, còn có những mảnh gốm được lắp ghép với nhau để tạo thành một đồ án hoàn chỉnh. Những mảnh gốm sứ này được kết hợp với nhau thông qua kỹ thuật đắp, khảm để tạo thành các mảng trang trí liên hoàn hoặc tạo thành các tác phẩm trang trí độc lập. Từ những mảnh gốm riêng biệt, nhờ óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của nghệ nhân, với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, đã tạo thành những đồ án trang trí hoàn chỉnh để làm đẹp cho công trình kiến trúc.
Kỹ thuật này được thể hiện thành công trong các mảng trang trí ở đầu hồi Ngưng Hy Điện trong Tư Lăng, ở Khiêm Cung Môn, Ôn Khiêm Đường và Minh Khiêm Đường trong Khiêm Lăng. Đó là hình những bức cuốn thư cách điệu, trên đó trang trí các hình ảnh như: cao đê kỷ, hoa, quả, lá, cỏ cây,
khánh được lắp ghép từ những viên gạch thống phong tráng men lục và vàng ở đầu hồi của Khiêm Cung Môn, Ôn Khiêm Đường và Minh Khiêm Đường ở Khiêm Lăng (BA 10: 2; 11).
2.3.2.3. Khảm cẩn mảnh gốm sứ lên các đồ án trang trí bằng chất liệu khác
Ngoài kỹ thuật gắn tượng gốm và phù điêu nguyên khối hay lắp ghép các mảng gốm thành các đồ án trang trí hoàn chỉnh, thì trong lăng tẩm các vua Nguyễn còn có những đồ án trang trí được thể hiện bằng kỹ thuật khảm cẩn mảnh gốm sứ lên các chất liệu khác. Trên nền các đồ án trang trí làm bằng vôi vữa hay các hình vẽ bằng bột màu, người ta khảm các mảnh sành sứ hay gốm tráng men để tạo thành những đồ án hoàn chỉnh. Kỹ thuật này được thể hiện ở các ô hộc trên cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết và đầu hồi của Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng (BA 13: 1; 14: 2; 15: 1; 16: 1), Sùng Ân Điện ở Hiếu Lăng, Biểu Đức Điện ở Xương Lăng, Lương Khiêm Điện ở Khiêm Lăng, Long Ân Điện ở An Lăng và Thiên Định Cung ở Ứng Lăng (BA 5-8; 12: 1; 13; 15; 16; 24-45).