Hầu hết, mỗi một quần thể kiến trúc lăng tẩm của một vị vua triều Nguyễn đều bao gồm tổ hợp của nhiều công trình kiến trúc khác nhau. Trên đại thể, tất cả những công trình kiến trúc trong lăng tẩm của các vua Nguyễn đều có sự hiện diện của gốm sứ. Tuy nhiên, tùy vào vị trí, vai trò, tầm quan trọng mà chúng được trang trí với mật độ nhiều ít khác nhau.
Với những công trình kiến trúc quan trọng, các đồ án trang trí bằng gốm sứ thường mang ý nghĩa tượng trưng cho nhà vua và triều đại nhà Nguyễn. Trong quan niệm của chế độ quân chủ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, rồng là biểu tượng tối cao của nhà vua, cũng như phụng (phượng) là hình ảnh của hoàng hậu. Vì thế, ở nhiều vị trí, bộ phận của các công trình kiến trúc lăng tẩm liên quan đến nhà vua và hoàng hậu đều có các hình tượng rồng và phượng được trang trí bằng gốm sứ. Trên bờ nóc, bờ
quyết Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng, Sùng Ân Điện ở Hiếu Lăng, Hòa Khiêm Điện và Lương Khiêm Điện ở Khiêm Lăng, Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng, Thiên Định Cung ở Ứng Lăng… đều hiện diện những bức phù điêu hình rồng được trang trí bằng gốm sứ. Hay trên bức bình phong trước mộ Lệ Thiên Anh hoàng hậu ở Khiêm Lăng và bình phong trước mộ bà Từ Minh ở An Lăng đều có hình chim phượng trang trí bằng gốm sứ.
Khi thiết kế và thi công các công trình kiến trúc, những kiến trúc sư dưới thời Nguyễn đã rất thành công khi tạo nên những tổng thể kiến trúc hài hòa và hoàn chỉnh, đảm bảo cho công trình mang tính thực dụng và thẩm mỹ cao. Các công trình kiến trúc có sự tham gia cùng một lúc của nhiều loại chất liệu khác nhau như: vôi vữa, pháp lam, gỗ, gốm sứ, đá, bột màu… Các loại hình vật liệu này đã được phối hợp sử dụng một cách nhuần nhuyễn và tạo hiệu quả cao trong trang trí. Trong đó, gốm sứ tham gia với mục đích trang trí, có khi được sử dụng như một tác phẩm tạo hình độc lập, có khi được dùng xen kẽ và phối hợp cùng lúc với nhiều chất liệu khác ở một hay nhiều vị trí, bộ phận của công trình kiến trúc để tạo nên những đồ án trang trí phù hợp với tổng thể hoàn chỉnh của công trình kiến trúc. Do đó, gốm sứ trang trí không lấn át các chất liệu khác, và cũng không bị các chất liệu khác làm lu mờ vai trò của mình. Tất cả mang lại cho công trình kiến trúc một vẻ đẹp hoàn mỹ.
Một hiện tượng rất phổ biến trên các công trình kiến trúc ở lăng tẩm Huế đó chính là các bố cục trang trí được phân chia theo ô hộc. Từ các cổng, đến các bức tường bao quanh các công trình và ngay trên, trong các công trình ở cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết đều được phân chia thành các ô hộc. Các ô hộc có kích thước dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào nội dung đề tài thể hiện trong đó. Thường thì, người ta chia các ô hộc thành hình chữ nhật hoặc hình vuông. Đa số, tại các ô hộc trên các cổng và bức tường bao quanh công trình, người ta trang trí bằng các loại gạch thống phong tráng men lục và vàng xen kẽ lẫn
nhau, cũng có khi trong cùng một ô hộc có sự kết hợp của cả gạch thống phong và khảm mảnh sành sứ. Trong các ô hộc trên cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết của các công trình kiến trúc được trang trí nhiều đề tài bằng khảm mảnh sành sứ, nhiều khi trong cùng một ô hộc cũng có sự kết hợp của nhiều hình thức trang trí như vẽ màu, nề vôi vữa đắp nổi, khảm mảnh sành sứ. Việc phân chia bố cục thành nhiều ô hộc và trang trí gốm sứ trong các ô hộc là một đặc điểm nổi bật trong kiến trúc dưới thời Nguyễn. Việc phân chia ô hộc một cách hợp lý đã mang lại giá trị tạo hình cao cho các công trình kiến trúc, nó “làm cho các đề tài có một độ sâu cần thiết, tạo được ánh sáng thích hợp với nghệ thuật, khiến cho hoa lá, chim muông và linh vật… trở nên sống động và ấm áp hơn” [13, tr. 50].
Việc sử dụng gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn còn mang lại một giá trị về kiến trúc - tạo hình hết sức to lớn nữa đó chính là tạo nên một không gian kiến trúc biểu cảm ở cả chiều rộng, chiều sâu và chiều cao của công trình. Trên mái của các công trình kiến trúc là hình ảnh màu vàng và màu lục của ngói lợp; ở bờ nóc là hình tượng những con rồng được khảm mảnh sành sứ và gốm tráng men đóng vai trò như một điểm chuyển giao giữa trời và đất. Giữa cổng và nhà hay các bậc cấp nền thường là một khoảng không gian rộng lớn, được ngăn cách bởi các bức tường xây bằng gạch và vôi vữa. Nhưng sự xuất hiện của các loại gạch thống phong, ngói liệt, ngói ống tráng men lục và vàng xen kẽ nhau trong các ô hộc, trên bề mặt bức tường đã che lấp đi sự thô kệch của chất liệu vôi vữa, đồng thời góp phần “thu hẹp” khoảng không gian rộng lớn trước công trình kiến trúc. Do khả năng “phát quang” của đồ sứ và thủy tinh màu, nên việc chúng được dùng trang trí trong nội thất (như ở Ứng Lăng) đã làm cho không gian bên trong công trình trở nên rộng mở hơn, bớt sự u tối, tĩnh mịch và lạnh lẽo.