Trong bộ tứ linh, rùa là con vật duy nhất có thật. Con rùa (BV 17: 1) mang nhiều ý nghĩa biểu trưng khác nhau.10 Nó có tuổi thọ dài lâu, do đó, theo quan niệm của phương Đông, rùa là con vật tượng trưng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng.
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, rùa vừa được thể hiện bằng các bức phù điêu gốm tráng men, vừa được diễn tả qua hình thức khảm mảnh sành sứ. Nó thường được trang trí bên cạnh các con vật khác. Đó là những bức phù điêu bằng gốm tráng men trang trí hình con rùa đang chở trên lưng pho sách gắn liền với các con rồng, lân, phượng trong các ô hộc trên bờ quyết Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng (BA 54), hay hình tượng rùa được khảm mảnh sành sứ trên nền vôi vữa đắp nổi trong bộ rồng - lân - rùa trên bình phong hậu Lương Khiêm Điện ở Khiêm Lăng (BA 27: 2). Hay hình ảnh con rùa trang trí khảm mảnh sành sứ bên cạnh con hạc ở các ô hộc
trong nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng (BA 41: 2). Những con rùa được miêu tả rất trung thực và sinh động.
2.4.2.4. Phượng (phụng hoàng)
Chim phượng được coi là vua của các loài chim, có nhiều phẩm chất cao quý.11 Loài chim này chỉ xuất hiện vào lúc thái bình và thịnh vượng, gặp thời loạn thì nó ẩn đi. Nếu như rồng biểu thị yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa, thì phượng lại mang yếu tố âm, tượng trưng cho hoàng hậu và người đàn bà đẹp, đức hạnh, duyên dáng và thanh nhã. Và cũng giống với lân, phượng xuất hiện như muốn báo hiệu có một vị thánh nhân hay chân chúa ra đời. Con phượng (BV 17: 2) thường được tạo hình hết sức sinh động.12
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, phượng được tạo hình bằng các bức phù điêu gốm tráng men hay đắp nổi trên nền nề vôi vữa khảm mảnh sành sứ. Chúng thường xuất hiện trên các bức bình phong của hoàng hậu (bình phong hậu Ôn Khiêm Đường, bình phong trước mộ hoàng hậu Lệ Thiên Anh ở Khiêm Lăng, bình phong trước và sau mộ bà Từ Minh ở An Lăng) (BA 28: 2), trên các ô hộc ở cổ diêm (cổ diêm cổng Bửu Thành ở Khiêm Lăng, cổ diêm Huỳnh Ốc ở An Lăng) (BA 31: 2), trên bờ quyết của nhiều công trình kiến trúc trong các lăng. (BA 54).
Cách thức thể hiện chim phượng rất đa dạng, có khi chỉ có một con duy nhất (chim phượng khảm bằng sành sứ trên cổ diêm cổng Bửu Thành ở Khiêm Lăng và cổ diêm Huỳnh Ốc ở An Lăng) (BA 31: 2); có khi là đồ án
song phụng (hai chim phượng khảm bằng sành sứ trang trí trên bình phong trước mộ hoàng hậu Lệ Thiên Anh ở Khiêm Lăng, trên bình phong trước và sau mộ hoàng hậu Từ Minh ở An Lăng) (BA 28: 2); hay xuất hiện cùng với cây ngô đồng (trên bờ quyết Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng, trên các ô hộc trong Thiên Định Cung ở Ứng Lăng) (BA 44: 3) hoặc trong đồ án phụng hàm Thọ
đôi lúc chúng cũng xuất hiện trong bộ tứ linh, đủ cả long - lân - quy - phụng (trên bờ quyết Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng)
2.4.2.5. Dơi (biên bức)
Trong nghệ thuật Trung Hoa, dơi biểu tượng cho hạnh phúc lớn lao và sự trường thọ. Sở dĩ như vậy vì, con dơi trong tiếng Hoa phát âm là “fou” đồng âm với chữ “fou”, nghĩa là phúc (hạnh phúc).
Trong trang trí kiến trúc cung đình Huế, hình tượng con dơi được thể hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Có khi người ta sắp xếp bố cục hình 5 con dơi (ngũ phúc) tức hàm ý chúc 5 điều tốt lành là: thọ (sống lâu),
phú (giàu), khang ninh (yên ổn và có đủ sức khỏe), du hảo đức (yêu mến đức hạnh) và khảo chung mạng (chết không bệnh tật ở tuổi già); khi lại là hình tượng con dơi ngậm ở miệng cái khánh đá có hai giải tua (kiểu thức phúc khánh) với nghĩa hạnh phúc và giàu sang sung sướng; hoặc con dơi ngậm chữ thọ (kiểu thức phúc thọ) mang ý nghĩa sống lâu và hạnh phúc; có lúc chúng lại được cách điệu từ hoa, lá, quả và hồi văn.
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, hình ảnh con dơi được miêu tả thông qua chất liệu gốm tráng men và khảm mảnh sành sứ. Dơi thường xuất hiện ở đầu hồi các công trình (Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng, Sùng Ân Điện ở Hiếu Lăng, Lương Khiêm Điện ở Khiêm Lăng, Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng) (BA 12: 1; 13: 1; 15: 1; 32: 2; 48: 2; 49: 1; BV 18: 2), ở vòm cửa của các cổng (cổng trổ ở khu vực tường bao quanh Tư Lăng, cổng trước mộ vua Dục Đức ở An Lăng) (BA 24; BV 18: 1).
Dơi được diễn tả với nhiều kiểu thức khác nhau, khi nó xuất hiện độc lập từng con một (con dơi bằng phù điêu gốm tráng men đầu hồi Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng) (BA 48: 2; 49: 1), có lúc nó lại xuất hiện theo từng cặp ở hai bên vòm cửa (cổng trổ ở khu vực tường bao quanh khu vực lăng mộ, cổng
trước mộ vua Dục Đức ở An Lăng) (BA 24), hoặc được diễn tả với kiểu thức dơi ngậm kim tiền (đầu hồi Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng, đầu hồi Lương Khiêm Điện ở Khiêm Lăng) (BA 15: 1; 32: 2), hay dơi ngậm chữ thọ - phúc thọ (đầu hồi Sùng Ân Điện ở Hiếu Lăng) (BA 13: 1).
2.4.2.6. Cá (ngư)
Theo quan niệm của nhiều nước phương Đông, cá là con vật báo hiệu điềm lành, biểu tượng của sự trường thọ. Trong tiếng Hoa, chữ ngư (cá) với chữ dư (thừa thãi, quá no đủ) có cách phát âm giống nhau. Cho nên, cá còn mang biểu tượng của sự giàu có, sung túc. Cá chép là sứ giả và là con vật cưỡi của thần tiên, trong bụng nó chứa đựng những thông điệp hay bức thư của thần tiên. Theo truyền thuyết, con cá (BV 21: 2) còn là biểu tượng của khát vọng vượt qua các kỳ thi, đạt được những thành tựu trên bước đường hoạn lộ của Nho sĩ, vì chúng nỗ lực vươn lên vượt khỏi dòng nước cuốn.
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, cá thường được thể hiện ở nhiều vị trí khác nhau. Nó xuất hiện trên ô hộc ở cổ diêm các công trình kiến trúc (Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng, Thiên Định Cung ở Ứng Lăng) (BA 36: 3), máng xối ở đầu hồi (Xung Khiêm Tạ ở Khiêm Lăng, Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng) (BA 36: 1; BV 21: 1), phần tiếp xúc giữa bề mặt tường và cổng (cổng trước Huỳnh Ốc ở An Lăng) (BA 26), trên bờ nóc của các công trình kiến trúc (Xung Khiêm Tạ ở Khiêm Lăng) (BA 46). Chúng được tạo hình bằng vôi vữa đắp nổi khảm mảnh sành sứ và tượng gốm tráng men thanh lưu ly và hoàng lưu ly.
Hình thức thể hiện của cá trong các đồ án trang trí bằng gốm sứ cũng rất phong phú, đa dạng. Có khi đó là những tác phẩm trang trí độc lập (những con cá bằng gốm tráng men lục trên bờ nóc Xung Khiêm Tạ ở Khiêm Lăng, hay những con cá được đắp nổi bằng nề vôi vữa khảm mảnh sành sứ và mảnh gốm
Tạ ở Khiêm Lăng, hay trên bề mặt tiếp xúc giữa tường và cổng trước Huỳnh Ốc ở An Lăng) (BA 26; 46); có khi hình tượng cá được thể hiện như là một thành tố của một chủ đề trang trí như trong đồ án cá chép hóa rồng trang trí trên cổ diêm Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng (BA 36: 3).
2.4.2.7. Sư tử
Sư tử (BV 19: 1) được mệnh danh là chúa tể của sơn lâm, là vị hộ pháp bảo vệ chốn linh thiêng. Trong mỹ thuật thời Nguyễn, sư tử được thể hiện hết sức đa dạng, như đang giỡn với quả cầu (sư tử hí cầu) (BV 19: 2), hay sư tử đứng cùng với các con vật khác. Chúng được trang trí trên bình phong, trên đầu một bình vôi hoặc một đỉnh trầm.
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, đồ án sư tử hí cầu khá phổ biến. Tích sư tử hí cầu xuất phát từ một trò giải trí với tên gọi là sái sư tử (đùa với sư tử).13 Đồ án sư tử hí cầu thường được diễn tả bằng 2 con hoặc 3 con sư tử đùa giỡn với nhau. Đồ án này thường được thể hiện bằng các phù điêu gốm tráng men màu, hay khảm mảnh sành sứ trên nền nề vôi vữa. Trên bờ quyết ở đầu hồi Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng trang trí bức phù điêu gốm tráng men màu miêu tả 2 con sư tử tranh nhau 1 quả cầu (BA 53: 2). Trên cổ diêm Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng và trên bức bình phong sau mộ vua Dục Đức ở An Lăng có trang trí đồ án sư tử hí cầu khảm bằng mảnh sành sứ trên nền vôi vữa đắp nổi (BA 16: 1; 28: 1).
2.4.2.8. Ngựa (mã)
Trong văn hóa Việt Nam và Trung Quốc, con ngựa là con vật “đại diện cho yếu tố dương tính điển hình. Nó được xếp vào hành hỏa và phương vị tương ứng của nó là phương nam” [63, tr. 3].
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, hình tượng con ngựa được miêu tả trong đồ án liễu mã bằng phù điêu gốm tráng
men màu trên bờ quyết Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng. Đó là hình ảnh hai con ngựa đang đùa giỡn với nhau bên cạnh gốc liễu (BA 41: 1; 48: 2). Đồ án liễu mã biểu thị “nguyên lý âm dương, nét yểu điệu của người phụ nữ, cạnh sự dũng mãnh rắn rỏi của người đàn ông, hình ảnh đẹp của đôi lứa” [63, tr. 5-6].
2.4.2.9. Gà (kê)
Gà là con vật đứng thứ 10 trong 12 con giáp. Con gà trống “là biểu tượng chính của quẻ dương, nó tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ và cuộc sống đầm ấm của con người, giúp con người có thêm năng lực thay đổi vận mạng của chính mình” [64, tr. 93].
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, con gà thường được diễn tả với nhiều tư thế khác nhau như bức phù điêu bằng gốm tráng men miêu tả một con đôi gà trống - mái bên cạnh đàn con, hay đôi gà trống -mái đang “tình tứ” bên khóm hoa trên bờ quyết, đầu hồi Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng (BA 49: 1); đôi gà trống - mái trên ô hộc, gà mẹ và gà con bên cạnh khóm cúc ở nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng (BA 43: 1)…
2.4.2.10. Hổ
Hổ (BV 20) là con vật đứng hàng thứ 3 trong 12 con giáp. Nó là một con vật hung dữ và có sức mạnh trong thế giới động vật. Trong văn hóa Việt Nam, hổ là biểu tượng của sự hùng cường, của sức mạnh vô song.
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, hình tượng hổ thường được miêu tả có khi là 1 con vật đơn lẻ, có khi lại là sự kết hợp với thực vật khác như kiểu thức trúc hổ (biểu tượng cho sự chính trực dũng cảm). Đó là hình ảnh bức phù điêu trang trí con hổ trên bờ quyết Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng, hay là hình ảnh con hổ mẹ, hổ con và những con chim bên cạnh khóm trúc trên ô hộc nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng (BA 41: 3; 53: 1).
2.4.2.11. Hươu
Hươu là loài động vật có vú và có sừng. Theo y học phương Đông, lộc hươu (phần sừng non của hươu) là một loại dược liệu quý có tác dụng tăng cường sinh lực và kéo dài tuổi thọ. Do đó, hươu biểu tượng cho sự trường thọ. Hươu tiếng Hoa đọc là lu, đồng âm với chữ lu (Hán Việt đọc là lộc), nghĩa là tiền của, cho nên, hươu cũng biểu tượng cho sự giàu có, sung túc.
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, con hươu thường được miêu tả với kiểu thức tùng lộc (con hươu bên cây tùng), hay
thọ lộc (ông già và con hươu). Kiểu thức tùng lộc biểu tượng cho sự trường thọ và phú quý. Kiểu thức thọ lộc biểu tượng cho sự trường thọ. Đó là hình ảnh cây tùng, cây lan và con hươu, ông già tóc bạc với con hươu bằng phù điêu gốm tráng men trên bờ quyết Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng hay trên các ô hộc bằng khảm mảnh sành sứ trong nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng, hay trên bức bình phong sau mộ bà Từ Minh ở An Lăng (BA 43: 2; 52: 2; BV 22: 2).
2.4.2.12. Những con vật khác
Ngoài những con vật trên đây, trên các trang trí kiến trúc lăng tẩm Huế, chúng ta thấy sự hiện diện của rất nhiều con vật khác như con thỏ, dê, lợn, trâu, cua, cò, mèo, chuột, voi, hạc, chim trĩ, bướm, tắc kè, rắn… Chúng thường được kết hợp với một động vật, thực vật hay đồ vật khác để tạo nên một kiểu thức mang nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Các đề tài có khi được thể hiện bằng các bức phù điêu gốm tráng men, có lúc lại được thể hiện bằng nghệ thuật khảm mảnh sành sứ. Chẳng hạn như hình ảnh con dê kết hợp với cây so đũa trên ô hộc nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng (BA 41: 2), con chuột và cây lựu, con voi và bụi chuối, con cò và cây sen, hạc và cây tùng, con cò và con trai, con chim trĩ và cây mẫu đơn (BA 40: 2; 42)…
Tóm lại, đề tài động vật được thể hiện trên các trang trí kiến trúc lăng tẩm của các vua Nguyễn ở Huế vô cùng phong phú và đa dạng. Các loài động vật được lựa chọn để trang trí gồm cả những con vật được thần thánh hóa và
những con vật rất đỗi bình thường. Về chất liệu, các loại động vật được diễn tả dưới dạng các tượng gốm, phù điêu gốm tráng men hay khảm mảnh sành sứ trên nền vôi vữa đắp nổi. Đề tài thể hiện thật uyển chuyển và linh hoạt, có khi là những con vật tồn tại độc lập, nhưng cũng có khi chúng được kết hợp với nhau, với các loài thực vật hay đồ vật như các đồ án: tùng lộc, tiêu tượng, mẫu đơn trĩ, mai hạc… để tạo thành các đồ án trang trí hàm chứa những ý nghĩa nhất định.
2.4.3. Hệ đề tài thực vật
Trong trang trí Huế nói chung và trên các trang trí kiến trúc lăng tẩm của các vua Nguyễn nói riêng, các loài thực vật gồm cây, cỏ, hoa, lá, rễ, củ được thể hiện dưới nhiều hình thức sinh động và đa dạng. Các loài thực vật luôn luôn được diễn tả kết hợp với các loài thực vật, động vật hay đồ vật khác để tạo nên một đề tài hoàn chỉnh. Sự kết hợp giữa các loài với nhau đều mang lại một mục đích chung nhằm cầu mong, hay chúc tụng những điều tốt đẹp nhất cho con người. Dưới đây là một số loài thực vật phổ biến được sử dụng trên các trang trí kiến trúc lăng tẩm các vua Nguyễn.
2.4.3.1. Bộ Tứ thời
Bộ Tứ thời thường được sử dụng rộng rãi trong trang trí bằng gốm sứ trên các trang trí kiến trúc cung đình Nguyễn nói chung và các công trình kiến trúc lăng tẩm nói riêng. Bộ Tứ thời tượng trưng cho 4 mùa: xuân (mai, đào), hạ (lan, sen), thu (cúc, liễu), đông (trúc, tùng). Ngoài bộ Tứ thời, còn có bộ Tứ quý (mai, lan, cúc, trúc) và bộ Tứ bình (mai, sen, cúc, liễu). Bộ Tứ thời hiện diện hầu hết trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua Nguyễn, tiêu biểu là trong nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng.14
2.4.3.1.1. Hoa mai
Mai không những là biểu tượng của mùa xuân, mà còn là biểu tượng của sự trường thọ. Trong tạo hình, cây mai thường được diễn tả bằng những
Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, hoa mai có khi được trang trí độc lập trong một ô hộc, nhưng thường nó được kết hợp với một loài thực vật, động vật, đồ vật khác để tạo thành một kiểu thức như: Mai thọ (mai và chữ Thọ) trang trí bằng khảm mảnh sành sứ trên cổ diêm Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng (BA 16: 1), mai hóa rồng
hay mai hóa Thọ trên cổ diêm Long Ân Điện ở An Lăng (BA 36: 2); mai điểu (mai và chim), mai hạc (mai và chim hạc) trang trí bằng phù điêu gốm trên bờ quyết và cổ diêm (Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng) và khảm bằng sành sứ trong nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng (BA 38). Mai còn được kết hợp với các loài hoa khác để tạo thành bộ Tứ bình (BA 38) hay kết hợp với các đồ vật khác như cây đàn và nút huyền bí trang trí trong nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng.