Trong văn hóa phương Đông cũng như phương Tây, rồng là con vật không có thật trong thực tế. Nó là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Rồng là con vật được gắn ghép từ các bộ phận của nhiều con vật khác.3 Con rồng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Rồng là biểu tượng của trời mang lại mưa4, mang lại sự sống.5 Rồng còn là biểu tượng của người chồng, người đàn ông, đặc biệt, là biểu tượng của hoàng đế, thông qua hình tượng các con rồng có năm móng. Con rồng xuất hiện trong mỹ thuật nước ta từ khá sớm. Nó thể hiện quyền lực của nhà vua và triều đại. Mỗi triều đại, hình tượng con rồng mang dáng vẻ khác nhau.6 Dưới thời Nguyễn, hình tượng con rồng (BV 14 : 2) rất đa dạng và phong phú, được thể hiện trên nhiều mặt “không gian, chất liệu, nghệ thuật thể hiện và đề tài trang trí” [54, tr. 175].
Trên các công trình kiến trúc lăng tẩm của các vua Nguyễn, hình tượng con rồng được trang trí bằng gốm sứ xuất hiện ở nhiều vị trí, với nhiều biến thể, biểu hiện nhiều chủ đề trang trí khác nhau.
Về vị trí, con rồng hiện diện ở bình phong, phần mái của các cổng, bờ nóc, bờ quyết, đầu hồi và cổ diêm của các công trình kiến trúc (BA 5; 13; 14: 2; 15: 1; 16; 27; 31: 1; 32: 1; 33; 34: 1, 2; 35: 1; 36: 2, 3; 48: 3; 49: 1; 54).
Về hình thức thể hiện, có lúc rồng được tạo hình từ kỹ thuật khảm mảnh sành sứ, hoặc được kết hợp giữa khảm mảnh sành sứ hay mảnh gốm tráng men trên nền vôi vữa đắp nổi. Đó có thể là những đồ án riêng biệt như: lưỡng long, hồi long, rồng mặt nạ… (BA 11; 13; 15: 1; 32: 1; 34: 1), có khi rồng được miêu tả cùng với những con vật khác như: cá chép hóa rồng (cổ diêm Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng) (BA 36: 2, 3), rồng với lân và rùa (trên bức bình phong phía sau Lương Khiêm Điện ở Khiêm Lăng, bình phong trước mộ vua Dục Đức ở An Lăng (BA 27; 54) hay trên bờ quyết, đầu hồi Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng)…
Về đề tài, rồng được thể hiện đa dạng với nhiều kiểu thức như lưỡng long (BA 13: 1; 32: 1; 34: 1), lưỡng long triều nguyệt (BA 5; 16: 3), lưỡng long triều nhật (BA 16: 1), lưỡng long tranh châu (BA 27: 2; 31: 1), lưỡng long triều hổ phù đội bầu thái cực (BA 16: 2; 33), hồi long (BA 11; 13: 2; 15: 1; 32: 1), các dạng rồng cách điệu như trúc hóa long, vân hóa long (BA 6: 1)… Đáng chú ý là kiểu thức lưỡng long - hổ phù - thái cực được thể hiện trên bờ nóc của nhiều công trình kiến trúc quan trọng như: Long Ân Điện (An Lăng), Sùng Ân Điện (Hiếu Lăng), Lương Khiêm Điện (Khiêm Lăng) (BA 16: 2; 33) với ý nghĩa “mong muốn chủ nhân (triều đại, nhà vua) trường tồn, được trời đất che chở, tích tụ khí chất sống sung mãn, đem lại sự thái bình cho xã tắc” [10, tr. 94]. Ngoài ra, còn có kiểu thức biến thể như lưỡng long - hổ phù - quả cầu lửa cũng mang ý nghĩa tương tự như kiểu thức lưỡng long - hổ phù - bầu thái cực. Kiểu thức hồi long thường được cách điệu bằng hoa lá hóa rồng, có mặt trên các bờ quyết, đầu hồi, mái các cổng (BV 15 : 1).