Lịch sử hình thành và tồn tại

Một phần của tài liệu Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (ko kèm phụ lục) (Trang 34)

Trong thời gian trị vì ở Huế (1802 - 1945), các vua nhà Nguyễn đã để lại cho hậu thế những di sản kiến trúc phong phú và đồ sộ có giá trị trên vùng đất này. Đó là hệ thống các công trình kiến trúc cung điện, đền, miếu, lăng tẩm… phân bố dọc hai bên bờ sông Hương. Nếu như ở phía bắc sông Hương là các cung điện lộng lẫy và đền miếu uy nghi, là nơi ăn ở của vua và hoàng gia, là nơi tập trung các cơ quan đầu não của triều đình, thì ở phía tây nam sông Hương, các vua nhà Nguyễn đã xây dựng cho mình những lăng tẩm nguy nga, vốn được coi là những “ngôi nhà vĩnh cửu ở thế giới bên kia”. Lăng tẩm Huế là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao, mà có người đã đánh giá “chỉ riêng lăng tẩm các vua nhà Nguyễn không thôi cũng đã đủ có giá trị đối với cuộc du lịch rồi, theo ý kiến chung, lăng tẩm Huế đẹp hơn lăng tẩm các vua nhà Minh ở Trung Quốc” [4, tr. 5]. Với quan niệm, sống trên dương thế chỉ là tạm thời, ngắn ngủi, còn ở thế giới bên kia mới là vĩnh viễn, lâu dài. Sau khi lên ngôi không lâu, các vua nhà Nguyễn đều tiến hành xây dựng lăng tẩm cho mình.

Triều Nguyễn có 13 vua, nhưng vì những lý do phức tạp của lịch sử mà triều đại này chỉ để lại cho Huế 7 khu lăng tẩm của các vị vua1: Gia Long (Thiên Thọ Lăng), Minh Mạng (Hiếu Lăng), Thiệu Trị (Xương Lăng), Tự Đức (Khiêm Lăng, trong lăng này còn có Bồi Lăng của vua Kiến Phúc), Dục Đức (An Lăng), Đồng Khánh (Tư Lăng) và Khải Định (Ứng Lăng). Lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn tọa lạc về phía tây2 của Kinh Thành Huế, dọc hai bên bờ thượng nguồn sông Hương (Bảng 1; Bản đồ 1, 2; Sơ đồ 1).

Khi xây dựng, tất cả các lăng tẩm đều tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc của Dịch lý và thuật phong thủy trên cơ sở tôn trọng cảnh quan thiên nhiên sẵn có của từng khu vực. Tuy nhiên, do ý đồ riêng của các kiến trúc sư và tùy vào địa hình cụ thể của mỗi nơi, nên các lăng tẩm này có những sắc thái đặc trưng khác biệt.

Một phần của tài liệu Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (ko kèm phụ lục) (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)