An Lăng (Lăng vua Dục Đức)

Một phần của tài liệu Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (ko kèm phụ lục) (Trang 38)

Sau khi vua Tự Đức qua đời, con nuôi của vua là hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân được đưa lên ngai vàng (19/07/1883). Tuy nhiên, do những mâu thuẫn giữa phái chủ chiến (do Tôn Thất Thuyết cầm đầu) với phái chủ hòa (do Trần Tiễn Thành cầm đầu) trong nội bộ triều Nguyễn, Ưng Chân đã bị phế truất ngay trong ngày đăng quang bởi một sự sắp xếp của phái chủ chiến khi họ khép tội ông và Trần Tiễn Thành thông đồng với nhau để lược bỏ một đoạn trong di chiếu truyền ngôi của vua Tự Đức. Ngay sau đó, Ưng Chân bị tống giam và bị chết đói ở trong ngục. Do chưa kịp đặt niên hiệu, nên triều đình đã lấy tên ngôi điện mà Ưng Chân đã ở trước khi lên ngôi vua để gọi ông là vua Dục Đức.

Trong một hoàn cảnh éo le của lịch sử, 6 năm sau (năm 1889), con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái (1889 - 1907). Sau khi lên ngôi, vua Thành Thái đã tiến hành xây lăng mộ cho cha mình và đặt tên là An Lăng. An Lăng ngày nay tọa lạc tại địa phận phường An Cựu, thành phố Huế, cách Kinh Thành Huế khoảng 3 km về phía nam.

An Lăng (Sơ đồ 6) là một quần thể kiến trúc gồm lăng mộ vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh, mộ vua Thành Thái (từ năm 1954), mộ vua Duy Tân (cải táng năm 1987) cùng mộ của các thành viên thuộc Đệ tứ chánh hệ Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Đức). Ngoài ra là khu tẩm điện có tên là Long Ân Điện, hiện là nơi thờ các vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.

An Lăng quay mặt về hướng tây bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm; khe Mụ Niệm chảy vòng qua trước mặt làm yếu tố minh đường.

Một phần của tài liệu Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (ko kèm phụ lục) (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)