tạo ra các dụng cụ sinh hoạt trong gia đình… Trong xây dựng, trước khi có sự xuất hiện của xi măng, sắt, thép… gỗ được sử dụng rộng rãi và có tầm quan trọng đặc biệt trên nhiều mặt của đời sống. Trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn, gỗ không chỉ là vật liệu quan trọng tham gia kiến tạo các công trình, mà nó còn có tác dụng trang trí. “…Với vị trí và chức năng tạo dựng không gian nội thất kiến trúc, các kết cấu gỗ dường như đều được hình thể hóa, nhiều khi chức năng thực dụng mờ đi trước sự hiện diện phong phú đa dạng của yếu tố tạo hình trang trí” [64, tr. 24]. Những thợ thủ công tài hoa từ các địa phương được trưng nạp về triều đình, tập trung trong các tượng cục là những người trực tiếp đục, đẽo, chạm, khắc tạo ra các hình khối, các đề tài phong phú đa dạng.
Trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn xuất hiện ba hình thức trang trí trên gỗ chính là khảm cẩn, sơn thếp và chạm khắc. Khảm cẩn (khảm bằng xà cừ, xương hoặc ngà) trên gỗ được sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc vì lối trang trí này “không chỉ tô điểm lộng lẫy sản phẩm, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị trên nhiều mặt kể cả bố cục, đường nét và màu sắc” [64, tr. 26].
Kỹ thuật sơn thếp (hay sơn son thếp vàng) được sử dụng ở cả cung đình cũng như trong dân gian. Nó được đánh giá “như một thứ ngôn ngữ màu sắc để giới thiệu thân phận lẫn danh phận của chủ nhân hay tạo không gian trang trọng, tôn nghiêm cho kiến trúc” [64, tr. 28].
Chạm khắc là một kỹ thuật được sử dụng trên nhiều chất liệu khác nhau như đá, xương, sừng, gỗ. Trong đó, chạm khắc trên gỗ xuất hiện phổ biến trong trang trí kiến trúc truyền thống ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Người nghệ nhân tài hoa, bằng bàn tay khéo léo và óc sáng tạo đã đẽo gọt ra những tác phẩm hoàn chỉnh vừa đẹp về hình thức lại phong phú về nội dung biểu cảm.