Gốm sứ Trung Quốc được sử dụng trong các công trình kiến trúc chủ yếu là gốm sứ có niên đại vào thế kỷ XVIII - XIX (Bảng 17).
Sau khi chiến thắng nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra vương triều Nguyễn. Ông bắt tay ngay vào khôi phục đất nước và xây dựng các công trình kiến trúc ở kinh đô Huế. Tuy
nhiên, do nhu cầu về gốm sứ phục vụ xây dựng các cung điện, lăng tẩm, đền đài… không đủ, nên nhà Nguyễn phải cho nhập thêm gốm sứ từ Trung Quốc. Các sản phẩm được nhập từ Trung Quốc bao gồm nhiều loại như gạch, ngói, gốm sứ (BA 6: 2; 7; 17; 18: 2; 19: 20: 1)… Về sản phẩm gạch, ngói có “các loại gạch lát nền và gạch trang trí (gạch thống phong, thường gọi là gạch hoa đúc rỗng) có tráng men; các loại ngói âm dương, ngói câu đầu, ngói trích thủy, có tráng men (thanh lưu ly và hoàng lưu ly), trong giai đoạn đầu phải mua từ Trung Quốc về” [55, tr. 197].
Triều đình còn cho ký kiểu đồ sứ từ Trung Quốc và các nước phương Tây để phục vụ “nhu cầu bài trí trong nội điện và ngoại thất các cung điện, lăng tẩm” [59, tr. 316], với các loại hình phong phú như bình, chóe, thống, chậu (BA 18: 2; 19)... Ngoài đồ sứ ký kiểu, triều đình còn cho nhập khẩu
“một số đồ gốm sứ Trung Quốc một số ghi niên hiệu các triều vua Trung Quốc đương thời… cả sứ men màu, đồ pháp lam từ Trung Quốc về dùng” [26, tr. 96].
Kết quả điều tra, thám sát khảo cổ học tại các lăng tẩm triều Nguyễn ở Huế từ năm 2004 - 2007 đã cung cấp những tư liệu xác thực về sự hiện diện của gốm sứ Trung Quốc ở kinh đô Huế. Gốm sứ Trung Quốc chủ yếu là đồ sứ ký kiểu được nhà Nguyễn đặt hàng hoặc mua từ Trung Quốc về dùng với các loại hình như bát, đĩa, chén, âu, thìa… có niên đại trong các thế kỷ XVIII - XX, nhiều nhất là gốm sứ trong các thế kỷ XVIII - XIX [31], [32], [33], [34]. Sự hiện diện của các loại hình gốm sứ Trung Quốc trên các công trình kiến trúc lăng tẩm là bằng chứng xác thực cho nhận định trên.