Khiêm Lăng được bao bọc bởi vòng La Thành có diện tích 12ha với khoảng 50 công trình lớn nhỏ. Các công trình kiến trúc trong Khiêm Lăng bị tàn phá tương đối ít so với các lăng khác. Tuy nhiên các công trình: Y Khiêm Viện, Thái Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và Trì Khiêm Viện đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn phế tích nền móng. Các công trình khác trong lăng cũng bị hư hỏng nhưng đã được tu bổ, sửa chữa nên vẫn giữ được hình dáng ban đầu.
Ở bức bình phong trước khu vực tẩm điện và lăng mộ của vua Tự Đức, có trang trí nhiều loại gạch thống phong, ngói liệt và mảnh gốm sứ trong các ô hộc, trên bề mặt và bờ mái. Tuy nhiên, các nguồn gạch, ngói và gốm sứ này cũng bị sứt mẻ và mất mát ít nhiều. Ở đầu hồi của Xung Khiêm Tạ, ngói dùng để lợp mái đã bị sụp đổ khá nhiều, chỉ còn lại một phần. Hệ thống tường bao quanh Lưu Khiêm Hồ, tường bao trước Khiêm Cung Môn, tường bao quanh khu vực Bái Đình và Bi Đình trang trí bằng nhiều loại gạch thống phong, ngói liệt, ngói ống ở các ô hộc, bề mặt cũng trong tình trạng bị vỡ và đổ nát khá nhiều. Các mảnh gốm sứ được gắn ghép trên các con rồng ở bờ nóc, bờ quyết Khiêm Cung Môn cũng trong tình trạng bong tróc và rơi vãi. Ngói lợp mái Pháp Khiêm Vu bị sụp đổ gần như hoàn toàn, hiện được lợp tạm bằng mái tôn. Ở Lương Khiêm Điện, các mảnh gốm sứ trang trí trên cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết, đầu hồi bị bong tróc, rơi vãi khắp nơi trên mái công trình, gây khó khăn trong việc xác định các đề tài trang trí trên đó. Tại Bi Đình, các loại gạch thống phong, ngói liệt, ngói ống, mảnh gốm sứ trang trí cũng trong tình trạng gãy, vỡ và rơi vãi khắp nơi. Lớp ngói liệt trang trí trên bề mặt tường bao quanh mộ vua cũng bị bong vỡ ở nhiều vị trí khác nhau. Tại Chấp Khiêm Điện và lăng mộ của vua Kiến Phúc các loại gốm sứ trên các trang trí kiến trúc cũng trong tình trạng tương tự.
Trong hơn 140 năm tồn tại, Khiêm Lăng đã trải qua nhiều lần tu sửa vào các năm: 1956, 1959, 1963, 1970, 1973, 1984, 1986, 1994, 1997 [17, PL 2.4].