Sự tham gia của công chúng, xử lý hồi âm dư luận của báo chí

Một phần của tài liệu Nhận diện thông tin sai và việc cải chính thông tin sai trên báo in nước ta hiện na (Trang 66)

7. Kết cấu luận văn

2.3.4Sự tham gia của công chúng, xử lý hồi âm dư luận của báo chí

Theo tác giả Nguyễn Đức Luận, “Báo chí với công chúng” bài đăng trên http://ajc.edu.vn: “Thước đo kết quả của báo chí không phải ở số lượng tin, bài đăng trên báo; số lượng phát hành báo chí mà cốt yếu ở chỗ bạn đọc, bạn xem, bạn nghe tiếp nhận và làm theo như thế nào. Bản thân công chúng là người hiểu rõ hơn ai hết nội dung mà báo chí đã đáp ứng đầy đủ hay chưa đầy đủ, kịp thời hay chưa kịp thời, những yêu cầu thiết thực của mình; đồng thời mới khẳng định được những vấn đề báo chí nêu ra có phù hợp với chân lý hay không, chính họ mới đánh giá được cách diễn đạt của báo chí có sát với trình độ của công chúng hay không”. Sự tham gia của công chúng báo chí ở thời điểm hiện tại đã góp phần tích cực không chỉ về tăng hiệu quả truyền thông mà còn giúp các báo trong việc cải chính thông tin kịp thời, đúng lúc.

Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận và xử lý hơn 280 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến 115 vụ việc được đăng phát trên báo chí, trong đó hành vi thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ khá lớn (24%). Tỷ lệ này trong 7 tháng đầu năm 2011 tăng lên 33%. Thông tin sai sự thật đã không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan báo chí, mà còn gây bức xúc trong dư luận và làm tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, phần lớn tin sai trên báo chí là do bạn đọc phát hiện và từ ý kiến phản hồi từ đọc giả. Nhà báo Xuân Trung – Báo Tuổi trẻ nói: "Khi gặp những sai sót chúng ta phải tiến hành xác minh, cải chính ngay lập tức. Trường hợp sai sót được phát hiện từ một tổ chức hay cá nhân khác thì phải cải chính, xin lỗi trên báo chí, đồng thời phải gửi văn bản cải chính đến tổ chức, cá nhân đó. Chúng ta tuyệt đối không được phàn nàn mà phải biết ơn những người đã phát hiện lỗi".

Có được những sự phản hồi của công chúng về vấn đề thông tin đã đúng hay chưa chính là “nguồn” để báo chí kiểm chứng lại thông tin và có hình thức cải chính phù hợp nhất đối với bạn đọc. Hầu hết các cơ quan báo chí hiện nay đều có những bộ phận chuyên trách để làm cầu nối đối với bạn đọc qua rất nhiều hình thức: Ban bạn đọc, hòm thư bạn đọc, đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận đơn thư bạn đọc… và tất cả những thông tin để liên hệ với những bộ phận này đều được công khai trên báo để bạn đọc có thể phản hồi một cách nhanh nhất có thể.

Công tác bạn đọc là công việc đặc thù của mỗi tòa soạn. Những phóng viên làm công tác bạn đọc tuy không “sang”, không được nhiều người biết đến, vì công việc âm thầm, lặng lẽ, nhưng đã mang tới cho bạn đọc, cho tòa báo những niềm vui. Đối với những phóng viên làm mảng bạn đọc, ngoài những bài viết trên báo, còn làm nhiều công việc mang tính đặc thù khác như: Tiếp bạn đọc, nhận đơn thư, xác minh thông tin do bạn đọc cung cấp, chuyển đơn thư tới các cơ quan chức năng, giới thiệu và giải đáp chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân...

Báo Lao Động năm 2010, Ban Bạn đọc đã nhận được hàng nghìn đơn

thư, ý kiến phản ánh của bạn đọc. Trong đó, số đơn thư liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù, giải tỏa chiếm tới 70%, còn lại là về chế độ lương, thưởng, việc làm, thủ tục hành chính, các thư hỏi về chế độ, chính sách... Để xử lý

những đơn thư, ý kiến của bạn đọc, các phóng viên phải đọc, phân loại để có hướng giải quyết.

Đối với những tin, bài thông tin đáng tin cậy, nếu vấn đề không lớn, nhưng thiết thực đối với nhiều người, có thể là khen, hoặc phê phán, góp ý một vụ việc, sự việc cụ thể thường được biên tập sử dụng trên các chuyên mục Bạn đọc viết, Thư bạn đọc; những đề xuất, kiến nghị về những chủ trương, chính sách còn bất cập được đưa vào mục Diễn đàn hoặc làm các chuyên đề để tập hợp những ý kiến phân tích ở nhiều góc độ khác nhau của nhiều đối tượng bạn đọc để cơ quan chức năng nghiên cứu, chỉnh sửa.

Việc xử lý đơn thư khiếu kiện hay hồi âm phản ánh của bạn đọc rất quan trọng. Tùy vào tính chất thông tin được hồi âm, tòa soạn có những biện pháp hợp lý như: Kiểm chứng lại nguồn tin đã đưa, kiểm chứng nguồn tin mới cung cấp, rà soát lỗi sai trên báo nếu có và từ đó có biện pháp cải chính kịp thời phù hợp. Làm tốt công tác xử lý hồi âm dư luận của báo chí cũng chính là biện pháp để tòa soạn báo hạn chế được tin sai, nâng cao chất lượng thông tin và nâng tầm được chất lượng của các tin cải chính nói riêng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả.

Một phần của tài liệu Nhận diện thông tin sai và việc cải chính thông tin sai trên báo in nước ta hiện na (Trang 66)