Yêu cầu cấp thiết về hành lang pháp lý rõ ràng

Một phần của tài liệu Nhận diện thông tin sai và việc cải chính thông tin sai trên báo in nước ta hiện na (Trang 79)

7. Kết cấu luận văn

3.2.1Yêu cầu cấp thiết về hành lang pháp lý rõ ràng

Hiện nay, rất nhiều người trong nghề và những nhà nghiên cứu về lĩnh vực báo chí cho rằng: Còn nhiều vấn đề về các văn bản luật liên quan đến báo chí mà chúng ta cần khắc phục để tạo ra cơ chế rõ ràng nhất cho hoạt động báo chí, cho xử lý khiếu nại liên quan đến báo chí và xử lý sai phạm thuộc lĩnh vực báo chí.

Không phải chúng ta thiếu các văn bản luật, thiếu nghị định, nhưng thực tế cho thấy những Luật và Nghị định đó còn có điểm gây hiểu lầm và có những ý chồng lên nhau như các trường hợp sau:

Thực tế Luật Báo chí, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và một số văn bản khác đều có những quy định để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức - cá nhân tránh bị báo chí xâm phạm. Tại các văn bản hướng dẫn thi hành, các cụm khái niệm “tổ chức, cá nhân”, là chủ thể thường xuyên bị (được) phản ánh trên báo chí, đã không được làm rõ, phân biệt nên xem như pháp luật quy định mọi tổ chức, công dân đều là đối tượng được bảo vệ: Từ ông bộ trưởng thực thi công vụ đến người ăn trộm bị bắt quả tang; từ tổ chức chính trị đến doanh nghiệp có sản phẩm kém hay gây ô nhiễm môi trường...

Nhưng chính Luật Báo chí, Luật phòng chống tham nhũng và một số văn bản khác cũng đòi hỏi báo chí phải thông tin đầy đủ, trung thực và phê phán kịp thời các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực diễn ra trong xã hội. Các khái niệm “trung thực, kịp thời” có vẻ rõ nghĩa hơn nên nó làm cho một số nhà báo hiểu rằng có thể đăng ngọn ngành mọi sự kiện, diễn biến vừa xảy ra ngay lập tức, không cần đợi sự kiện kết thúc hoặc được công bố chính thức. Trong khi đó quan điểm của nhà nước lại đòi hỏi báo chí phải phục vụ lợi ích chung, nghĩa là sự thật có thể không được chuyển tải đầy đủ, hoặc thời điểm đăng tải bị lui lại. Còn các tổ chức, cá nhân thì dĩ nhiên ít người chấp nhận danh dự, uy tín của mình bị ảnh hưởng bởi các tin bài trên báo.

Trước quan điểm có vẻ trái nhau về mục tiêu đó, thông tin “xấu” về các tổ chức, cá nhân hiện vẫn dày đặc trên báo và tranh chấp về các thông tin đã đăng ngày càng phức tạp. Như vậy là sự không cụ thể của các khái niệm đã làm cho bản thân các báo có thể “lách” luật để đăng tin sai. Cũng khó cho cơ quan chức năng nếu có xử lý.

Bên cạnh đó còn có những cách hiểu chưa đúng về vấn đề cải chính nếu căn cứ vào cách làm của các báo hiện nay. Đó là hầu hết các quan niệm đều cho rằng: Nếu thông tin sai, thì cải chính trên báo xong có nghĩa là đã “hết trách nhiệm”. Thực tế hoàn toàn không phải vậy, có những thông tin gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự cá nhân hay tỷ trọng nền kinh tế. Một mẩu đính chính không thể giải quyết được vấn đề mà bài báo đó đưa ra. Ví dụ như tin về việc ăn loại gạo gây ung thư, vô sinh… Giống lúa P6 đột biến do tiến sĩ Hà Văn Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa thuần - Viện cây Lương thực và Thực phẩm Việt Nam chọn tạo ra. Từ năm 2004, P6 đột biến được trồng thử nghiệm hầu hết ở các tỉnh phía Bắc đạt năng suất cao, được nông dân ưa chuộng. Năm 2009, Trung tâm cung cấp cho huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) hơn 5 kg để trồng thử nghiệm trên 500 m² tại xã Lương Ninh. Vụ hè thu năm 2011 là vụ thứ 5 mà huyện Quảng Ninh sử dụng giống

lúa này vào sản xuất trên diện tích 120 ha với nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với với vụ sản xuất hè thu, có thời gian sinh trưởng ngắn, là loại giống chạy lũ phù hợp với điều kiện thời tiết của miền Trung. Tin đồn này đã làm điêu đứng rất nhiều hộ nông dân vì họ không thể bán lúa. Hay nhưng tin đồn khác về: Giả trứng gà, mực cao su, bưởi gây ung thư … đều có những tổn hại hết sức nghiêm trọng không chỉ đến cá nhân, tổ chức mà còn đối với cả xã hội.

Những trường hợp này về nguyên tắc, dù báo chí có cải chính rồi, người bị thiệt hại vẫn có quyền khiếu nại lên trên hoặc khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường dân sự. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nguy hiểm đáng kể cho xã hội thì cơ quan điều tra vẫn có quyền khởi tố hình sự... Sở dĩ có sự ngộ nhận lâu nay như trên vì khoản 4 Điều 9 LBC 1999 quy định một cách lập lờ dẫn đến hiểu lầm: “Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi (...) thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa án”.

Theo nhà báo Phan Quang - nguyên chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Để bảo đảm tính chuyên nghiệp của nhà báo và cơ quan báo chí, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề từ tự chủ kinh tế cho báo bằng các nguồn thu quảng cáo chính đáng, hành lang pháp lý cho báo chí hoạt động, phát huy dân chủ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế...”.

Hành lang pháp lý rõ ràng hơn phải được hiểu đầy đủ là: Không mơ hồ, nhầm lẫn các khái niệm, không tạo nên nhiều cách hiểu nhầm, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động báo chí theo luật định, có quy định rõ ràng cụ thể mà các vấn đề báo chí gặp phải, có chế tài, xử phạt hợp lý, đúng quy định, các văn bản luật không chồng chéo mà phải bổ sung hợp lý cho nhau, tăng tính trách nhiệm của cơ quan báo chí, người làm báo…

Một phần của tài liệu Nhận diện thông tin sai và việc cải chính thông tin sai trên báo in nước ta hiện na (Trang 79)