Từ góc độ uy tín của cơ quan báo chí

Một phần của tài liệu Nhận diện thông tin sai và việc cải chính thông tin sai trên báo in nước ta hiện na (Trang 27)

7. Kết cấu luận văn

1.3.3Từ góc độ uy tín của cơ quan báo chí

Có ý kiến cho rằng: Cải chính thông tin là việc không có tờ báo nào hoàn toàn không mắc phải. Vì cạnh tranh thông tin nên các tờ báo phải đưa tin cho nhanh mà chưa qua kiểm tra chính xác. Người đọc báo khi cầm tờ báo trên tay mà thấy hai từ “cải chính” thì cảm thấy rất khó chịu. Nếu cải chính xuất hiện với tần suất cao sẽ gây phản cảm cho người đọc và tờ báo cũng dần dần mất uy tín. Điều này có đúng hay không?

Trước tiên, phải nhìn nhận vấn đề thật trung thực trong quá trình làm nghề thế này, nhà báo lấy nguồn tin từ đâu? Từ hệ thống văn bản pháp quy, từ người đại diện phát ngôn của các tổ chức, thông tin trong quá trình tự thu thập điều tra, phỏng vấn, từ nguồn tin riêng.

Việc một tờ báo thường xuyên sai sót là điều khó chấp nhận. Vì vậy, nguồn tin của báo chí cần phải có độ chính xác cao, hạn chế ít nhất thông tin sai dẫn đến việc phải cải chính. Nhưng chuyện sai sót không thể tránh được trong quá trình làm nghề. Và khi bị sai sót, việc cải chính đó có ảnh hưởng đến uy tín cơ quan báo chí hay không?

Phần lớn những sai sót của báo chí được “phát hiện” bởi độc giả. Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết: Trong năm 2009

Cục Báo chí đã tiếp nhận và xử lý 293 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan 132 vụ việc được đăng trên báo in. Cục đã xử lý trách nhiệm đối với 31 lượt trường hợp, phạt hành chính hơn 200 triệu đồng, trong đó có bảy trường hợp đưa tin sai sự thật.

Và những bài báo đã viết không đúng sự thật thì cần phải cải chính, ngoài về mặt trách nhiệm pháp lý còn là vấn đề uy tín của tòa soạn. Bởi nếu cơ quan báo chí thường xuyên thông tin sai, thì cần xem lại tôn chỉ mục đích, xem lại cơ cấu quản lý và thói quen thu thập thông tin cua phóng viên. Nhưng bản chất của truyền thông là có sự: Phản hồi.

Những sai sót của cơ quan báo chí do độc giả phát hiện và chỉ ra cho thấy một phần của sự phản hồi làm nên hiệu quả của báo chí. Tức là độc giả không chỉ đọc thông tin rồi để đấy, mà có sự ngẫm nghĩ, có sự trao đổi ngược lại với tòa soạn. Theo lý thuyết truyền thông, đó là những thông tin có giá trị cao trong việc tác động vào nhận thức người đọc. Là hiệu quả thực của báo chí. Vì vậy không có lý do gì để tòa soạn hay cơ quan báo chí không phản hồi. Nếu thông tin độc giả không đúng, nhà báo, cơ quan báo chí hoàn toàn có thể phản hồi bằng cách giữ nguyên quan điểm của mình. Nhưng nếu thông tin của báo thực sự là có sai thì việc cải chính cũng là cách phản hồi đầy trách nhiệm của cơ quan báo chí. Nó không làm mất đi uy tín của cơ quan báo chí mà cho thấy sự tôn trọng cần thiết đối với độc giả của mình.

Xin trích trường hợp sau đây. Trước đây và ngay cả bây giờ VTV luôn được xem là kênh báo hình có uy tín nhất trong cả nước. Vậy vụ việc đưa nhầm thông tin về nhân vật cô Lượm trong chương trình Người xây tổ ấm mà VTV mãi không lên tiếng nói lời xin lỗi độc giả được bình luận như thế nào? Bài viết sau đây của tác giả Bằng Linh trên số 35, tháng 3 – 2011 trên Tạp chí

“Chuyện đời cô Lượm dưới góc nhìn đạo đức nghề nghiệp

Người xây tổ ấm – Chương trình được phát sóng trên kênh VTV1 của Đài THVN (VTV) chuyên về các vấn đề xã hội, gia đình thường nêu những nhân vật có hoàn cảnh trắc trở, éo le; “Người xây tổ ấm” đã đề lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả truyền hình cả nước 10 năm nay. Tối 25/1/2011. Người xây tổ ấm phát sóng: “Chuyện đời cô Lượm” gây xúc động hàng triệu khán giả, nhưng trớ trêu thay. “Chuyện đời cô Lượm” lại do Trần Thị Thùy Dương ngụ tại thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế giả mạo. Kíp làm chương trình Người xây tổ ấm của VTV dựa vào một bài dự thi của chính cô Trần Thị Thùy Dương có tựa đề “Mối tình đầu của tôi” trên báo điện tử Tintuconline thuộc Vietnamnet để viết kịch bản – dàn dựng chương trình.

Đúng là cô Trần Thị Thùy Dương đã sai, giả mạo, bịa chuyện lừa dối mọi người, lừa dối nhà đài (VTV). Cô Trần Thị Thùy Dương có lỗi và cô đã xin lỗi nhà báo, xin lỗi khán giả rằng mình đã “làm chuyện dại dột”. Rồi đây, cô Trần Thị Thùy Dương có bị xử lý gì không, các cơ quan có trách nhiệm sẽ xem xét, quyết định.

Điều đáng bàn và cũng chính là kẽ hở lớn, một sai phạm “chết người” mang tính nguyên tắc nghề nghiệp của những người làm báo “Chuyện đời cô Lượm” là họ không thẩm định tính xác thực của sự kiện. Kíp làm chương trình tin tưởng các bản cam kết của Lượm, nữ công dân 28 tuổi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Pháp luật mọi thông tin mà mình đưa ra. Người xây tổ ấm bê nguyên mẫu câu chuyện hư cấu, bịa đặt từ bài dự thi của cô Trần Thị Thùy Dương phát lên sóng truyền hình quốc gia. Lúc kíp làm phim “Chuyện đời cô Lượm” tác nghiệp, họ không về thị trấn Thuận An mà lại “thực thi công vụ” tại một địa phương khác: Thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế nên sự giả mạo của “cô Lượm” đã không bị phát hiện.

Nguyên tắc – một trong những bài học cơ bản của lý luận báo chí là sự lắng nghe – thẩm định, khẳng định tính xác thực thông tin, thẩm tra việc từ nhiều phía, từ những người trong cuộc, từ các nhà chức trách. Vậy mà những người thực hiện chương trình “Chuyện đời cô Lượm” lại dễ dàng bỏ qua; dù chỉ là vô tình, họ đã lừa dối hàng triệu con tim nhân ái, hàng triệu bạn xem đài. Thông tin bịa đặt – không trung thực đánh mất lòng tin của công chúng là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, là bài học nhớ đời của người làm báo. Việc thẩm định thông tin, kiểm chứng thông tin là một trong những kỹ năng cơ bản hàng đầu của người làm báo đang là vấn đề bức xúc hiện nay đặt ra đối với không ít nhà báo- nhất là những nhà báo trẻ. Thử hỏi trên thực tế đã có bao nhiêu người làm báo có bao nhiêu bài viết đã thông tin thiếu chuẩn xác, do không xác minh thẩm định kỹ lưỡng vụ việc, sự kiện.

Hậu quả nghiêm trọng là thế nhưng đến thời điểm này, kíp làm chương trình Người xây tổ ấm – Chuyện đời cô Lượm vẫn coi đó là chuyện đáng tiếc, kinh nghiệm quý báu, chưa một lời chính thức xin lỗi khán giả truyền hình – công chúng báo chí cả nước”.

Vụ việc này còn rất nhiều bàn luận tương tự về cách cải chính thông tin sai của VTV. Thậm chí nhiều người còn bức xúc khi VTV xin lỗi có 3 phút. Như vậy, từ chuyện này mà nói: Việc cải chính và cách thức cải chính là thước đo sự uy tín của cơ quan báo chí. Nếu đã sai mà không cải chính thì cơ quan báo chí đó rõ ràng đã làm lượng độc giả hay khán giả của mình mất lòng tin.

Đó là ở kênh báo hình, đối với báo in, chuyện cải chính thông tin không làm mất đi uy tín của báo Tuổi Trẻ hay Lao Động, ngược lại một tờ báo

không bao giờ cải chính chưa chắc đã là tờ báo uy tín. Vì lẽ đương nhiên người khác hiểu: Có làm thì chắc chắn có sai, quan trọng là thái độ đối với thông tin sai của từng cơ quan báo chí đến đâu.

Một phần của tài liệu Nhận diện thông tin sai và việc cải chính thông tin sai trên báo in nước ta hiện na (Trang 27)