Hệ thống văn bản và quy chế chặt chẽ

Một phần của tài liệu Nhận diện thông tin sai và việc cải chính thông tin sai trên báo in nước ta hiện na (Trang 61)

7. Kết cấu luận văn

2.3.1Hệ thống văn bản và quy chế chặt chẽ

Như đã khẳng định ngay từ đầu, cải chính là vấn đề có tính pháp lý trong quá trình hoạt động của báo chí. Vấn đề này, được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí và đã được cụ thể hóa bằng 6 điều trong Quy chế cải chính trên báo chí của Bộ Văn hóa Thông tin năm 2007. Có thể coi đây như “kim chỉ nam” trong vấn đề cải chính báo chí hiện nay. 6 điều được quy định này đã chỉ ra một cách rất rõ ràng về những nội dung thông tin phải cải chính. Quy định chi tiết về nội dung thông tin cải chính phải nêu rõ những phần gì, vị trí và hình thức đăng cải chính, xin lỗi, thời hạn cải chính và các khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm kèm theo.

Tất nhiên, trong quá trình tác nghiệp, không phải không có những ý kiến về việc quy chế này hay Luật Báo chí còn có những điều chưa được hợp lý.

Có một sự ngộ nhận lâu nay là nhiều người cho rằng khi báo chí “lỡ” thông tin sai sự thật mà đã cải chính rồi thì coi như hết trách nhiệm. Sự thật không thể “hết trách nhiệm” được nếu hậu quả của thông tin ấy gây thiệt hại nghiêm trọng và việc xin lỗi, cải chính không thể bù đắp được tổn thất vật chất và tinh thần. Trường hợp này về nguyên tắc, dù báo chí có cải chính rồi, người bị thiệt hại vẫn có quyền khiếu nại lên trên hoặc khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường dân sự. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nguy hiểm đáng kể cho xã hội thì cơ quan điều tra vẫn có quyền khởi tố hình sự... Sở dĩ có sự ngộ nhận lâu nay như trên vì khoản 4 Điều 9 Luật Báo chí 1999 quy định một cách lập lờ dẫn đến hiểu lầm: “Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi (...) thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa án” (điều quy định này có thể hiểu là “hễ đã cải chính xong rồi thì thôi, hết đường

thưa kiện nữa!) - Bài viết của LS-TS Phan Đăng Thanh - báo Pháp Luật TPHCM, 18/7/2008.

Thêm vào đó, Nghị định 51 hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 1999 cũng quy định về cách thức cải chính mà còn nhiều ý kiến bàn luận.

Cũng theo LS-TS Phan Đăng Thanh – viết trên báo Pháp Luật TPHCM, 18/7/2008: “Về cách thức cải chính, Nghị định 51 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí 1999 quy định thủ tục cải chính như sau: Cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi trên báo chí của mình “vào đúng vị trí với cùng một kiểu, cỡ chữ, đúng chuyên mục đã phát sóng mà báo chí đã đăng, phát thông tin”. Quy định này chưa đủ rõ nhưng dự án Luật Báo chí mới đã sử dụng nguyên văn bổ sung vào luật. Có người nêu trường hợp nếu tin, bài giật tít (tựa) với kiểu, cỡ chữ to và tít ấy bị khiếu nại, phải cải chính, xin lỗi thì cũng phải cải chính bằng kiểu, cỡ chữ to như tít hay sao?

Nghị định 51 hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí 1999 còn quy định khi tổ chức cá nhân bị thông tin xúc phạm mà họ có lời phát biểu phản hồi thì báo chí phải đăng lời phát biểu đó đúng vị trí và chuyên mục như báo chí đã đăng, phát. Trong trường hợp không nhất trí thì báo chí có quyền thông tin tiếp. Nếu vẫn tiếp tục không nhất trí nhau thì phải tiếp tục đăng lời phát biểu của hai bên (coi như cãi nhau qua lại một lượt trên báo) như vậy tới đủ ba lần rồi mới được ngừng, không đăng nữa và báo cáo lên trên. Dự án Luật Báo chí mới kế thừa y nguyên tắc ấy và nay lại nâng lên thành luật.

Tuy nhiên, phải khẳng định, hệ thông văn bản pháp lý đúng là đã đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn thi hành những vấn đề cải chính thông tin trên báo chí. Hiện nay, tất cả những vấn đề đính chính trên báo chí đều đang phải soi chiếu vào hệ thống văn bản này để thực hiện.

Một phần của tài liệu Nhận diện thông tin sai và việc cải chính thông tin sai trên báo in nước ta hiện na (Trang 61)