Nhân vật tha hóa và sám hối

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà (Trang 50)

5. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Nhân vật tha hóa và sám hối

Cảm hứng về sự thật đời sống có liên quan chặt chẽ đến nhân cách con người. Nói đến cái suy đồi, cái xấu suy cho cùng cũng để hướng đến sự khẳng định phẩm chất nhân cách của con người. Chủ đề tha hóa là một chủ đề xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà. Vì vậy, vấn đề tha hóa của con người

được tác giả quan niệm hết sức nghiêm túc, và cũng chính vì vậy, nó được triển khai không có sự khoa trương hoa mỹ. Có thể nói sự tha hóa biến chất được nói đến trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà diễn ra ở mọi ngóc ngách, mọi khía cạnh của đời sống

Về hàng ngũ các giám đốc, quan chức đầu những năm 90, Nguyễn Việt Hà khái quát: “... Ba vạn chín nghìn tổng, chánh, phó giám đốc trong và ngoài quốc

doanh đều mù và điếc theo mọi nghĩa...”[29;362]. Đọc nhận định này chắc là những

vị giám đốc mù và điếc sẽ nổi đóa lên và những giám đốc có năng lực sẽ mỉm cười. Trong một đoạn khác Nguyễn Việt Hà tung ra một đòn mạnh hơn: “Quan buôn lậu có thế hơn dân buôn lậu. Những phi vụ xuyên dọc chiều dài đất nước có thể là của

dân, nhưng muốn xuyên ngang các quốc gia chỉ có thể là của quan”[29;62] khiến

những ông quan buôn lậu sẽ phùng má trợn mắt, những ông quan không dây vào những vụ việc này sẽ cười mỉm.

Cũng có thể xem đây là bức tranh chung của sự nhộn nhạo, sự nhiễu nhương của các thành phố, đô thị những năm đầu kinh tế thị trường. Kèm theo là những thảm cảnh đau lòng: “một thằng nhóc mười sáu tuổi bắn chết trọn vẹn một gia đình hàng xóm chỉ để lấy hai trăm nghìn..., tiếng hét trước khi trẫm mình xuống sông

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

Cấm của một gã người Kiến An buôn dưa lê (... gã bắt gặp cô vợ chưa cưới trốn vụ

gặt ra thành phố hành nghề)...”[29;203].

Nhà tiểu thuyết trẻ Nguyễn Việt Hà thấm thía và chua chát trước thân phận con người, nhỏ bé quẩn quanh trước thế giới rộng lớn. Cảm thức hiện thực đã ghi dấu ấn lại một cách cụ thể trong các nhân vật của tiểu thuyết Cơ hội của Chúa

Khải huyền muộn. Khi phải dấn thân các nhân vật của Nguyễn Việt Hà cũng có không ít người đã rơi vào tha hóa. Trong sâu thẳm họ nhận ra mình không còn là mình nữa, mình không được như mình mong muốn. Cuộc sống đã làm cho con người họ khác đi, tầm thường, nhỏ nhen hơn.

Châm ngôn cuộc sống của Nhã trong Cơ hội của Chúa là một cách Nguyễn Việt Hà phát biểu gián tiếp quan niệm của mình: “Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy vào tiền. Cái thứ dung dịch siêu thượng này làm trôi tất cả những màu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật” [29;476]. Thực chất Nguyễn Việt Hà đang muốn cho người đọc thấy con người ta đang bị đồng tiền làm tha hóa, biến chất. Trong cơ chế thị trường, xã hội nhuốm đầy dư vị của “chỉ- tờ- cây” người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả vì tiền.

Dưới vòng xoáy khủng khiếp ấy, đồng tiền không từ chối tha hóa bất kì một giai tầng, thứ hạng nào. Trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Việt Hà tập trung khai thác, đào sâu vào sự tha hóa nhiều mặt của giới trí thức. Để trá hình cho sự tha hóa ấy Nguyễn Việt Hà đã để cho các nhân vật của anh đều là những người có học thức, địa vị cao trong xã hội. Mà sự tha hóa của trí thức bao giờ cũng độc địa, đầy bất ngờ.

Lâm- một chàng giảng viên đẹp trai, đạo mạo nhờ cái vỏ trí thức đã che đậy cho sự tha hóa đến “khốn nạn” của mình. Mục đích tiến thân, tìm danh lợi, đã là ngọn lửa thiêu đốt mọi tình cảm đạo đức và xóa đi nguồn gốc xuất thân của Lâm. Không ai ngờ một trí thức được tôn sùng như Lâm lại dẫm đạp lên tình yêu, chối bỏ đứa con đang thành hình- sản phẩm tình yêu của Lâm và Nhã đổi lấy chuyến đi xuất ngoại cùng bao cơ hội thăng tiến đang mở ra trước mắt. Nhã cay đắng nhận ra sự

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

tầm thường đến mức bỉ ổi của người mà cô yêu thương: “anh ta đã bán tôi, bán rất

rẻ để đổi lấy một chuyến đi”[29;270].

Lâm và Sáng là hai trí thức rất khác nhau về hoàn cảnh gia đình, về tính cách... So với Lâm, “Sáng là con một trong một gia đình được coi là thế gia. Bố Sáng nhiều năm là Bộ trưởng một bộ quan trọng, một vị Thượng thư có nhiều bằng sau đại học nhất so với các Đại thần khác. Sáng nhận sự nâng niu từ bé và không phụ lại sự đầu tư ấy. Được hưởng một sự giáo dục ưu việt. Sáng hấp thụ chắc chắn các tinh hoa. Sáng điềm đạm và không phải dạng người mê làm giàu. Sáng không

giấu giếm tôi về khát vọng sẽ tham chính” [29;439]. Sáng chẳng những là một

chuyên gia kinh tế lão luyện mà: “hiểu biết của anh về văn chương nghệ thuật cũng

rất lỗi lạc”[29;478]. Sáng là người có tài và có chí, một viên ngọc không có tì vết.

Đến cuối tác phẩm, mới thấy trên viên ngọc sáng này một vết nhỏ, rất nhỏ. Sáng ngỏ lời cầu hôn với Nhã, chưa có câu trả lời nhưng lời cầu hôn được đón nhận trân trọng, quý mến. Nhã quyết định dẹp cơ sở kinh doanh ở Sài Gòn và ra ở hẳn Hà Nội, nơi Sáng đang công tác, cũng là một bước chuẩn bị cho hôn nhân. Nếu không có sự kiện vu khống, nếu Nhã không nhắn tin cho Sáng, nếu Nhã không chờ đợi Sáng sẽ bay vào, nếu Nhã không gọi điện thoại cho Sáng nhiều lần thì thần tượng của Nhã đã không sụp đổ. Với sự thông minh, nhạy cảm khi xuống sân bay Nội Bài, nghe một người thân tín của Sáng nói lại, Nhã hiểu ngay sự tình về sự im lặng của Sáng. “Người đàn ông chân chính” ngày nào chỉ còn là một thám tử hạng bét: “đeo

kính đen… nhìn quanh một vòng trước khi lại phía chúng tôi” [29;498].

Con đường tham chính của Nhã đi tới đâu chưa rõ nhưng cuộc hôn nhân chắc chắn là tan vỡ: Nhã nhác thấy Sáng quay mặt bỏ đi. Vết rất nhỏ trên viên ngọc Sáng có tên triết học là tha hóa, có nghĩa là không còn là mình nữa, đánh mất bản thân

mình. Do ham hố tham chính, Sáng không còn là mình nữa, không còn là người yêu

Nhã, người ngỏ lời cầu hôn với Nhã. Trước đây, dưới con mắt của Nhã, Lâm nhếch nhác, èo ọt bao nhiêu thì Sáng đàng hoàng, mạnh mẽ bấy nhiêu. Từ giờ phút này, Nhã cho Sáng vào cùng một rọ với Lâm: “Lần đầu tôi đã bị bán rẻ cho cái lợi, còn

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

Cũng trong hoàn cảnh ấy, Trần Bình- một kẻ có học thức, có địa vị, gia đình giàu có cũng không thể sống một cách tử tế, đàng hoàng. Anh ta không vì khát khao làm giàu, khát vọng đổi đời như Lâm. Anh ta lợi dụng sự giàu có của mình để tự tha hóa mình và làm tha hóa người khác. Trần Bình cuối cùng lộ ra là “một kẻ khốn nạn

có gien”, một con người “vô luân” (hay là “phi luân”?). Bình thoải mái chung đụng

“bồ nhí” với bố đẻ của y. Cuối cùng y đã đẩy cái vẻ trí thức đến cùng cực sự ghê tởm bằng cách dùng hào quang vật chất lợi dụng bản tính đàn bà của Thủy- chị dâu tương lai của Tâm để tán tỉnh, đồng thời ve vãn dùng thủ đoạn bỉ ổi cướp đoạt sự trong trắng từ chính người em gái của Tâm.

Với tiểu thuyết Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà tiếp tục lối viết về chủ

đề tha hóa. Tác giả xoáy sâu hơn nữa để cho thấy con người dù khôn ngoan, từng

trải đến đâu, dù ở địa vị nào dường như cũng không thể tránh khỏi những va chạm với cuộc sống làm cho biến đổi. Vũ, một quan chức cao cấp trong ngành thể dục thể thao tự thấy sự tha hóa của chính mình cũng như của tầng lớp quan chức nói chung nhưng anh ta không thể thoát ra khỏi cuộc sống đó. Những cám dỗ của đồng tiền, của dục vọng tầm thường đã khiến cho Vũ cảm thấy mệt mỏi nhưng vẫn phải theo đuổi. Rồi vợ Vũ cũng bị đồng tiền làm tha hóa. Đến cả bọn trẻ con của Vũ cũng bị biến đổi trước đồng tiền và quyền lực. Chúng quen trốn học, nông nổi tiêu tiền như nước, chán đua xe máy lại đua xe con. Chúng coi thường tính mạng, coi thường tiền bạc, coi thường những giá trị đạo đức truyền thống. Trước cuộc sống đó, nhà văn cũng cảm thấy đôi lúc mình viết không thể như mình mong muốn. Ngòi bút của mình cũng bị tha hóa theo cuộc sống ấy chăng?

Tự vấn là một nhu cầu hướng nội, không chỉ là hướng nội cá nhân mà là hướng nội của toàn xã hội, toàn dân tộc. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng điều đáng chú ý một số năm qua trong văn học Việt Nam là xu hướng soi lại ngọn nguồn hiện thực ngày càng rõ rệt, có ý thức, sâu sắc, nghiêm khắc hơn. Điều này có thể tìm thấy trong: Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (Nguyễn Minh Châu), Thời xa vắng (Lê Lựu), các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh,…

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

Thực tế, văn học sau đổi mới xuất hiện nhiều nhân vật sám hối là bởi kiểu nhân vật “đơn trị” hoặc chỉ tốt hoặc chỉ xấu đã không còn. Thay vào đó là con người “đa trị”. Những con người này hiện lên bởi lối viết đồng hiện tạo ra sự đối sánh giữa quá khứ và hiện tại. Trong sự luân chuyển không gian, thời gian đa chiều đó con người suy tư và tìm kiếm chính mình, nhận ra mình.

Trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Việt Hà viết về sự tha hóa đến cùng cực như vậy nhưng anh không hoàn toàn bi quan. Nếu để ý, các nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn “dù có trượt ngã thế nào, người ta vẫn thấy một chút gì đó day

dứt, trăn trở” [39]. Có lẽ các nhân vật của Nguyễn Việt Hà đều là những trí thức và

trí thức thường hay suy nghĩ. Họ có chút ít chữ nghĩa nên dường như họ càng phức tạp hơn. Đó là bi kịch của họ. Họ phải sống trong mâu thuẫn một bên là sự chiêm nghiệm trước những hiện thực, có ý thức vượt thoát ra khỏi hiện thực buồn nôn ấy, một bên là quán tính vẫn tiếp tục cuộc sống tẻ nhạt, lặp lại ấy. “Nhà văn đã xây dựng những nhân vật tự phán xét hành động của mình, tự đối thoại, lục vấn và cảnh tỉnh chính mình với những biến động của nội tâm trước sự dồn đẩy âm thầm mà

quyết liệt của lương tâm, của bổn phận làm người” [3]. Nên chăng gọi đó là sự sám

hối, sự tự ý thức ở mức độ cao nhất, thể hiện một cái nhìn nghiêm khắc về bản thân mình, tự mổ xẻ bản thân một cách rành rọt nhất. Nguyễn Việt Hà đã nhường cho nhân vật cái quyền tự lên án và tự biện hộ, tự buộc tội, tự giải thoát, vừa là bị cáo vừa là chánh án của lương tâm.

Trong Cơ hội của Chúa, Nhã biết tiền là một phương tiện cần thiết, nhưng Nhã chưa bao giờ là nô lệ của đồng tiền. Hoàng có lúc phải ngửa tay xin tiền nhưng Hoàng không hào hứng chộp giật kiếm tiền, hờ hững với hào quang danh vọng. Trước sự va đập cùng những thử thách mãnh liệt của cuộc sống, con người ăm ắp hoài bão như Hoàng đã bị thay đổi cả ngoại hình lẫn tính nết, niềm tin cũng vì vậy mà rơi rụng dần đến mức Hoàng chẳng tin ai cả, chẳng tin vào một cái gì. Hoàng hiểu được sự đắng cay của việc phải kiếm miếng cơm thừa của xã hội, anh tự nhận thấy cuộc sống đã làm cho mình tha hóa dần “còn tôi là một kẻ bình thường đang

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

tha hóa thành tầm thường. Những đam mê và khát vọng lớn dần bị thui chột khi liên

tục bị vây bởi những điều lủn mủn” [29;471].

Những người biết sám hối là những người từng trải, đi qua những chặng đường đời có đủ sự hiểu biết và bình tâm để thành thực nhìn lại chính mình hôm qua. Thủy dưới cảm nhận đầu tiên của Tâm là trong sáng, với Nhã thì Thủy là “đứa

tình cảm”. Nhưng cuộc sống với những lo toan khiến Thủy không còn, không thể cứ

trong sáng mãi được. Thủy ý thức được: “va chạm với lừa lọc, con người ta cần gì,

cần tàn nhẫn”, cô phải chấp nhận trong day dứt khi tâm sự với Nhã: “em sợ rồi đây,

chừng nửa năm nữa em cũng hết hẳn dịu dàng”[29;486].

Có phải vì thế chăng mà Lâm sau khi đã đạt được danh vọng, có đủ độ chín chắn anh ta ý thức được với cuộc đời của mỗi người điều gì là quý giá nhất. Lâm cảm thấy có lỗi với mẹ con Nhã, tha thiết đến van xin Nhã tha thứ. Nhưng Lâm dù giàu sang đến đâu cũng sẽ luôn phải ân hận và day dứt về những sai lầm của thời trai trẻ.

Vũ trong Khải huyền muộn dường như luôn trăn trở khi phải sống trong nghịch cảnh của sự giả tạo. Vũ biết mình là trí thức. Bởi vậy Vũ cảm thấy thật đau đớn khi chứng kiến cảnh đám cưới ở một miền quê nghèo. Vũ làm quan to nên hơn ai hết Vũ hiểu được những đồng tiền ấy nguồn gốc từ đâu. Anh lại càng xót xa hơn khi chứng kiến sự tha hóa của vợ và con mình. Nhìn thằng con trai vô lễ với viên cảnh sát Vũ đã không nén nổi sự dằn vặt và giận dữ: “áy náy nhìn viên đội trưởng già đang tủi thân đau đớn đứng hút thuốc một mình ở góc sân. Cái quân hàm thiếu tá nhăn nhó bất lực trên bả vai nhô xương. Thằng Bảo dằng lấy cái phong bì mà mẹ nó đang định đưa cho ông thiếu tá: “Lão khọm ấy lúc trước suýt tát con”. Vũ giơ tay tát thật mạnh vào mặt thằng con trai duy nhất. Đây không phải là lần đầu tiên

Vũ đánh con”[31;60]. Vũ nhìn thấy sự cám dỗ của đồng tiền, những dục vọng tầm

thường. Bởi vậy anh luôn sống trong dòng suy nghĩ đau đáu tìm kiếm linh mục Đức. Có lẽ vì không có cách nào để thoát ra khỏi sự tha hóa của bản thân cũng như những người xung quanh nên Vũ đã đi tìm cụ linh mục Đức như một sự cứu rỗi cho tâm hồn mình.

Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

Con người vừa tha hóa, vừa ăn năn sám hối. Đó là bi kịch. Nguyễn Việt Hà đã mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về con người. Con người không đơn giản, thuần nhất mà phức tạp đa chiều. Nhà văn nhìn con người trong sự phức tạp, bí ẩn đa đoan, không hoàn kết. Thông qua đó, Nguyễn Việt Hà ngầm thừa nhận bản ngã là một chất liệu quan trọng trong cảm hứng sáng tạo của anh. Sự gặp gỡ giữa chất liệu ấy với bút pháp hướng nội của Nguyễn Việt Hà đã giúp người đọc cảm nhận được bằng chiều sâu tâm hồn những khoảnh khắc thức tỉnh, tự hoàn thiện nhân cách, tự điều tiết sự cân bằng giữa lương tâm và trách nhiệm, giữa con người và xã hội. Cuộc sống sẽ tốt hơn, con người sẽ tránh bớt đi những lầm lỡ, sai sót khi mỗi người tự ý thức được hành vi của chính mình. Khi con người đã vong thân quá lâu, những trăn trở chính là hành trình đầu tiên có thể gỡ rối để con người trở về.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà (Trang 50)