3.2.1. Các giải pháp chung
Để phát triển du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng tại khu vực Mù Cang Chải và vùng phụ cận trên cơ sở khai thác di sản văn hóa ruộng bậc thang như đã đề cập trong các phần trên, trước hết cần đảm bảo một số những yếu tô chung như hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú du lịch và các yếu tố khác như điện, nước, viễn thông, y tế v.v...Đây là các yếu tố dường như không thể thiếu được nếu muốn phát triển du lịch. Ông Tạ Xuân Hiếu – Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cũng khẳng định để có thể khai thác nguồn tài nguyên nhân văn quý giá này cho phát triển du lịch, cần phải đẩy mạnh
việc cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông như một trong những điều kiện tiên quyết để tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa cho việc đi lại trong tương lai.
3.2.1.1. Phát triển hệ thống giao thông
Tại khu vực Mù Cang Chải, như đã đề cập trong phần thực trạng trên đây, hệ thống giao thông hiện tại tuy đã được cải thiện và nâng cấp đáng kể trong những năm qua, tuy nhiên giao thông liên thôn và các bản trong xã vẫn cần phải được cài thiện hơn nữa. Đặc biệt, đường vào xã Dế Xu Phình mặc dù năm 2010 đã được đổ bê tông, nhưng đoạn qua suối ngay ở điểm đầu đường vào xã từ quốc lộ 32 cần xây dựng một cây cầu để ô tô có thể đi được vì hiện nay đoạn đường này cho du đã được đổ bê tông nhưng do phải đi qua suối nên chính quyền hiện cấm ô tô đi vào đường này.
Đường vào xã La Pán Tẩn hiện ô tô từ 7 chỗ trở xuống có thể đi vào được tận trung tâm xã. Tuy nhiên, tại một số đoạn vào trung tâm xã có những nơi có hệ thống ruộng bậc thang đẹp cần bố trí chỗ để xe ô tô có thể đỗ lại cho du khách ngắm cảnh mà không ảnh hưởng tới giao thông qua lại của người dân.
Ngoài ra, cần bố trí và xây dựng những con đường mòn đủ rộng tại những cánh đồng ruộng bậc thang với các bậc lên xuống chắc chắn để du khách có thể đi bộ ngắm cảnh xuyên qua những thửa ruộng này vì thực tế cho thấy các bờ ruộng ở đây chủ yếu đắp bằng đất và chiều cao giữa ruộng dưới và ruộng trên cũng tương đối cao (từ 60 đến 1,2m), nếu tại những lối lên không được kiên cố và tạo bậc sẽ có thể gây mất an toàn cho du khách. Với những đường mòn chính xuyên qua những nơi có các thửa ruộng bậc đẹp, hấp dẫn du khách cần lưu ý đến việc hạn chế để trâu bò và các đại gia súc khác đi vào không những nhằm tránh gây sạt lở mà còn tránh tình trạng gây mất vệ sinh trên
đường. Có thể tham khảo cách làm này tại Thanh Khẩu để áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngoài ra, các đoạn đường thuộc quốc lộ 32 trên địa phận huyện Mù Cang Chải còn nhiều đoạn vẫn chưa được nâng cấp trong đó có một số đoạn nằm trên đèo Khau Phạ và đoạn từ Than Uyên xuống gần trung tâm thị trấn. Một số đoạn qua Ngã Ba Kim đi lên thị trấn có những đoạn cua mà phía dưới là vực sâu cần phải được gia cố hệ thống kè từ dưới lên và xây tường chắn để đảm bảo an toàn giao thông. Trên đèo Khau Phạ có một số điểm có nguy cơ sạt lở, nhất là đoạn phía đông của đèo từ Tú Lệ đi lên khoảng 7km. Đoạn này đã được gia cố hàng năm nhưng chưa thực sự kiên cố. Các đoạn khác trên đèo cũng cần được lưu ý và gia cố kịp thời để đảm bảo giao thông an toàn vào mùa mưa lũ.
Hệ thống biển báo, gương phản chiếu nhiều cái đã hư hỏng và bị phá hủy cần thay mới để giúp người đi đường điều khiển phương tiện giao thông an toàn hơn.
Tại khu vực xã Tú Lệ, trục đường chính của xã là đoạn quốc lộ 32 đã được nâng cấp năm 2009 có kết cấu mặt đường bê tông nhựa rất đẹp. Tuy nhiên các đường vào thôn bản gần như vẫn là đường đất. Cần nâng cấp các trục đường chính trong bản sử dụng các loại vật liệu truyền thống địa phương để đảm bảo vệ sinh và đi lại thuận tiện hơn. Ngoài ra, có thể kè lại các con đường ven suối Tú Lệ và các con đường chính xuyên qua cánh đồng Tú Lệ để du khách có thể đi bộ tham quan một cách thuận tiện.
3.2.1.2. Phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác
* Thông tin liên lạc và truyền hình
Cả hai khu vực Mù Cang Chải và Tú Lệ đều được các mạng viễn thông như Vinaphone, Mobilephone và Viettel phủ sóng. Tuy nhiên với
truyền hình, cần đưa truyền hình cáp tới các khu vực này để đa dạng hóa các kênh giải trí. Hệ thống Internet cũng cần phải được nâng cấp vì tốc độ truy cập hiện nay rất chậm và còn rất ít các dịch vụ Internet công cộng. Đối với các cơ sở lưu trú, nên lắp đặt hệ thống Internet để du khách có thể truy cập trong khi lưu trú tại đây.
* Hệ thống cung cấp điện, cấp và thoát nước
Hiện nay, các khu vực này chưa có hệ thống cung cấp nước sạch. Toàn bộ khu vực vẫn sử dụng nước tự nhiên dẫn từ các dòng suối trên núi xuống. Tại khu vực trung tậm Huyện Mù Cang Chải, nước có được xử lý sơ bộ tại một số trạm xử lý nước, nhưng quy mô còn đơn sơ và nhỏ, mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân tại thời điểm hiện nay. Trong thời gian tới, cần xây dựng hệ thống nước sạch để có thể đảm bảo phục vụ nhu cầu của du khách.
* Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe
Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ở Mù Cang Chải còn quá thiếu. Ngay cả hệ thống ý tế để phục vụ người dân địa phương cũng đang là cả một vấn đề. Đây thực sự là một khó khăn và thách thức đối với việc phát triển du lịch. Còn ở Tú Lệ, mới chỉ có trạm y tế cấp xã. Trong tương lai, hệ thống y tế tại các khu vực này cần được cải thiện cả về cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ để không chỉ phục vụ chính nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương mà còn phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi cần.
* Bãi cắm trại: việc bố trí và thiết kế các bãi cắm trại cần được chú
trọng, không phải chỉ giải quyết các nhu cầu “lưu trú” vào những thời gian cao điểm mà đối với nhiều nhóm du lịch là thanh niên với tâm lý thích giao lưu và học hỏi. Ngoài ra, đi cùng với bãi cắm trại có thể thiết kế các khu dịch vụ quy mô nhỏ, các cửa hàng lưu niệm…phục vụ du
khách và đồng thời cũng tạo điều kiện để cộng đồng địa phương “xuất khẩu hàng hóa tại chỗ”.
3.2.2. Các giải pháp cụ thể
3.2.2.1. Giải pháp về quy hoạch phát triển du lịch
Ruộng bậc thang là tài sản vô giá của đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ nhiều trăm năm nay, nó là hình thức canh tác đem lại an ninh lương thực cho đồng bào miền cao, giúp họ “an cư lạc nghiệp”, tránh được tình trạng du canh du cư, đốt nương làm rẫy, phá hủy tài nguyên thiên nhiên.
Chính vì thế, muốn phát triển du lịch dựa trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên này, trước nhất cần phải có quy hoạch phát triển, trong đó cần có quy hoạch phát triển tổng thể và quy hoạch phát triển riêng cho du lịch. Nếu ở khu vực đồng bằng, hiện tượng lấy đất nông nghiệp để làm các khu đô thị, các khu công nghiệp, các dự án giao thông, các dự án sân golf v.v...diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây đang làm thu hẹp diện tích canh tác nông nghiệp của người nông dân, thì ở khu vực miền núi quá trình này có vẻ như ít bị tác động bởi những điều này hơn. Tuy nhiên, đô thị hóa là xu thế tất yếu, đồng thời với mức độ dân số ngày càng tăng lên vì thế việc đất nông nghiệp bị thu hẹp ngay cả ở những khu vực miền núi là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, cần phải có các biện pháp quy hoạch phát triển lâu dài.
Bài học kinh nghiệm từ Banaue cho thấy mặc dù đây là khu vực có cảnh quan ruộng bậc thang đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và việc phát triển du lịch đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng do thiếu các giải pháp hiệu quả về quy hoạch, dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan, phát triển du lịch không đi đôi với công tác bảo tồn dẫn đến môi trường sinh thái tự nhiên suy thoái và môi trường xã hội –
nhân văn bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, chính sự phát triển du lịch khiến cho rừng bị phá hủy để lấy gỗ làm nhà, chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ làm đồ lưu niệm, làm đường, làm các công trình xây dựng khác và đặc biệt nhiều thửa ruộng bậc thang cũng được san lấp để lấy diện tích xây dựng các công trình như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng...Đặc biệt, sự phát triển của du lịch đã tạo ra nhiều công việc giúp người dân kiếm tiền một cách dễ dàng hơn mà lại ít vất vả hơn như nghề hướng dẫn du lịch, lái xe, các công việc trong các khách sạn, nhà hàng, các cửa hàng lưu niệm...khiến nhiều nông dân, đặc biệt là nam không còn quan tâm tới công việc của nhà nông. Kết quả là, nhiều thửa ruộng bậc thang bị bỏ hoang vừa là do thiếu nguồn nước do rừng bị phá hủy, vừa do nhiều người không còn quan tâm canh tác nữa. Chính vì thế, hiện nay Di sản này đang nằm trong danh sách có nguy cơ bị rút ra khỏi danh sách các di sản văn hóa của nhân loại. Trong khi đó, tại khu vực Nguyên Dương – Hồng Hà Trung Quốc mà tiêu biểu là tại bản Thanh Khẩu với kế hoạch bảo tồn cụ thể, quy hoạch bài bản và mục tiêu phát triển rõ ràng đã cho thấy một mô hình phát triển du lịch nông thôn bền vững và hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn.
Như vậy vai trò của quy hoạch là hết sức quan trọng và là yếu tố phải được quan tâm thực hiện đầu tiên trước khi đẩy mạnh phát triển du lịch.
Với khu vực danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đây là một khu vực đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia năm 2007 và hiện đang được lập hồ sơ để đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, chính vì thế việc lập quy hoạch bảo tồn và phát triển là hết sức cần thiết. Hiện nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh đã lập đề cương quy hoạch cho
thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải và sẽ triển khai quy hoạch trong thời gian tới.
Qua việc nghiên cứu các bài học kinh nghiệm ở Banaue và Nguyên Dương trong Chương 1 cũng như qua khảo sát thực tiễn tại khu vực nghiên cứu cho thấy việc lập quy hoạch còn phải chú trọng đến sự kết hợp hài hòa giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch trồng rừng, quy hoạch xây dựng nhà ở, quy hoạch giao thông với quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước...để sao cho không chỉ bảo tồn tốt hệ thống ruộng bậc thang và các giá trị văn hóa bản địa, hệ sinh thái tự nhiên mà còn tạo cơ sở cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững.
3.2.2.2. Phát triển nguồn nhân lực du lịch
Để phát triển bất kỳ loại hình du lịch nào, trước hết cần phải có đội ngũ làm công tác về quản lý du lịch nói chung và các cán bộ nhân viên thực hiện các hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch. Như đã đề cập trong phần thực trạng nguồn nhân lực ở Chương 1, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch ở cả Mù Cang Chải và khu vực phụ cận còn thiếu trầm trọng. Đội ngũ chuyên trách quản lý các hoạt động du lịch tại đây chưa có. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nguồn nhân lực hiện nay lại chủ yếu là các cán bộ và nhân viên làm việc tại các cơ sở lưu trú chứ, nhà hàng chưa được đào tạo bài bản, khiến cho việc phục vụ mới chỉ dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu ăn ở mà thôi.
Để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển và những đòi hỏi về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần phải có kế hoạch tổ chức cán bộ, lập ra bộ phận chuyên trách quản lý các hoạt động du lịch, thực hiện các chương trình huấn luyện và đào tạo cụ thể nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ để họ có thể thực hiện quản lý một cách tốt nhất các hoạt động du lịch tại đây.
Đối với cộng đồng nông thôn, người nông dân với tư cách là chủ nhân của ruộng bậc thang, chính là nguồn nhân lực quan trọng cần phải được quan tâm và được ưu tiên trong việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp và được tạo cơ hội việc làm tại chỗ vừa tạo thu nhập cho họ vùa phát huy được quyền làm chủ của họ. Ngoài các kiến thức về nghiệp vụ, cần phải trang bị kỹ năng sống cho họ, kết hợp với ngành nông, lâm nghiệp tổ chức phổ biến kiến thức cho họ về chăn nuôi, trồng trọt để họ có khả năng cung cấp chính nguồn lương thực thực phẩm phục vụ dân cư và phục vụ cho hoạt động du lịch nhằm hạn chế tối đa việc nhập lương thực thực phẩm từ bên ngoài vào. Đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ cao hơn, cần được ưu tiên trong việc tuyển chọn cho các vị trí quản lý du lịch và có thể đào tạo nâng cao để họ có thể trở thành những cán bộ có thể đào tạo tiếp các thế hệ sau và bằng cách đó có thể khiến họ gắn bó lâu dài với du lịch, với quê hương và cộng đồng mình, đảm bảo trong tương lai Mù Cang Chải và Tú Lệ sẽ có một đội ngũ các nhà quản lý, điều hành, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ là người dân tộc thiểu số có trình độ làm du lịch chuyên nghiệp, yêu nghề, có thu nhập ổn định với chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về du lịch đi đôi với việc thúc đẩy cộng đồng cùng hiểu được những giá trị của các di sản văn hóa, những danh lam thắng cảnh và những lợi ích về tinh thần, vật chất mà du lịch đã mang lại cho họ nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần tự hào về vốn quý di sản văn hóa để có họ trách nhiệm trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa cũng như bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên khác.
Nguồn nhân lực từ cộng đồng ở Mù Cang Chải và Tú Lệ tuy rất sẵn nhưng cũng sẽ rất khó khăn trong quá trình đào tạo và sử dụng vì trên 90% cư dân ở đây là người Mông, nhiều trong số họ thậm chí nói
tiếng Kinh cũng chưa thạo. Chính vì thế, trong khi còn đang ở giai đoạn ban đầu, cần có định hướng và kế hoạch cụ thể để thực hiện đào tạo sớm nguồn nhân lực này.
3.2.2.3.. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú
Có thể nói, cơ sở lưu trú ở Mù Cang Chải hiện còn ở mức chất lượng thấp. Qua khảo sát của tác giả, có thể thấy số lượng phòng hiện nay chủ yếu mới đáp ứng được nhu cầu lưu trú cơ bản của khách, còn các dịch vụ bổ sung hầu như chưa có, ngay cả Internet hay các kênh truyền hình cáp. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong